Chưa bao giờ việc chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực y tế lại diễn ra mạnh mẽ như trong đại dịch Covid-19. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các ứng dụng công nghệ được triển khai nhanh và sâu rộng phục vụ y tế như khai báo y tế cộng đồng NCOVI, truy vết nguồn lây Covid-19 (Bluezone), nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), Trang tin và ứng dụng Sức khỏe Việt Nam; Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành Y tế, khám chữa bệnh qua hệ thống internet…
Y tế thông minh là tất yếu
Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, sự ra đời của của các nền tảng số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác “chống dịch như chống giặc”, ngoài ra còn là giải pháp giúp sàng lọc không tiếp xúc người nhiễm bệnh Covid-19, đồng thời giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) tại chỗ để vận hành, duy trì.
Lợi ích nền tảng số còn giúp ngành y tế triển khai đồng loạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giúp nâng cao chuyên môn các bệnh viện.
Ông Nguyễn Trường Nam cũng cho biết, ngành y tế đang triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu y tế toàn dân, theo đó mỗi người dân sẽ có một mã định danh y tế riêng (hồ sơ y tế số). Điều này giúp người dân có thể dễ dàng khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở y tế nào.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn dữ liệu y tế cá nhân vẫn là rào cản lớn khi triển khai y tế thông minh đối với cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.
Số hóa y tế còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Trường Nam thừa nhận, y tế là lĩnh vực đặc thù với kho dữ liệu khổng lồ, bởi mỗi người dân sẽ là ô dữ liệu trong kho dữ liệu y tế chung. Việc đảm bảo an toàn bảo mật kho dữ liệu chung này được sử dụng cho toàn bộ hệ thống y tế trong cả nước là điều không dễ dàng, nhất là khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về chia sẻ cơ sở dữ liệu.
Ông Đặng Thanh Hùng, Trưởng phòng CNTT, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chia sẻ, trung bình mỗi ngày viện khám chữa bệnh cho khoảng 8.000 - 10.000 lượt bệnh nhân. Cùng với đó, dữ liệu y tế về bệnh nhân rất lớn, bệnh viện buộc phải thuê ngoài trong lĩnh vực lưu trữ và số hóa dữ liệu này do khối kỹ thuật của viện khó có thể phụ trách được hết.
Ngoài ra, việc quản lý thời gian, lịch khám bệnh chưa hợp lý, dẫn đến việc người bệnh tập trung đi khám buổi sáng, khiến bác sĩ bị quá tải, dẫn đến nhiều sai sót không đáng có trong khi người bệnh thì bị chờ đợi lâu.
Việc quản lý hồ sơ bệnh nhân chưa thành hệ thống, không liên thông giữa các bệnh viện khối trung ương, giữa trung ương và địa phương, thậm chí hồ sơ khám bệnh bị cắt nát, lưu giữ ở các cơ sở khác nhau dẫn đến lãng phí kết quả khám nghiệm y tế.
Ông Lê Đức Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ y tế số Med-On cho rằng, tất cả các khó khăn này của ngành y tế, công nghệ đều có thể giải quyết.
“Tất cả những hạn chế, khó khăn trong chuyển đổi số ngành y tế hiện nay thì công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng giải quyết được. Thế nhưng, bản thân các đơn vị y tế không muốn hoặc không làm. Muốn đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế, rất cần sự ra tay mạnh hơn nữa của “nhạc trưởng” là Bộ Y tế”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tầm nhìn của chuyển đổi số trong ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh./.
Theo Vân Anh/VOV.VN