Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái: Thảm họa khi gặp vi khuẩn kháng kháng sinh

Khi vi khuẩn phát triển mạnh hơn trong môi trường có kháng sinh, vì nhiều lý do nhất định con vi khuẩn đấy xâm nhập vào cơ thể người thì đấy là thảm họa.

 

“Kháng kháng sinh là vấn đề nổi cộm, gây căng thẳng và nhức nhối với tất cả các thầy thuốc khi người bệnh gặp phải các vi khuẩn kháng nhiều kháng sinh”, đó là tâm sự của bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khi trả lời PV Báo Tiếng nói Việt Nam.

Bác sĩ có thể cho biết tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới?

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai là một trong những đơn vị tuyến cuối tiếp nhận những ca bệnh nhiễm trùng nặng. Nhiều người bệnh phải điều trị từ 2 tuần trở lên. Tuy nhiên, với những BN nhiễm vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh (giường bệnh có treo biển đỏ cảnh báo) thì có khi phải nằm viện đến vài tháng dù bệnh cảnh ban đầu chỉ là uốn ván, sốt xuất huyết, nhiễm nấm, nhiễm HIV…

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái thăm khám cho người bệnh kháng nhiều loại kháng sinh tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.Nếu như trước đây các thầy thuốc biết người bệnh nhiễm con vi khuẩn nhạy cảm kháng sinh thì chỉ cần “áp” kháng sinh đồ, BN sẽ nhanh chóng lành bệnh và ra viện. Nhưng khi gặp những con vi khuẩn kháng thuốc, dùng kháng sinh mà nó vẫn tồn tại và phát triển gây bệnh thì đó là cả một vấn đề nan giải khiến các bác sĩ rất đau đầu. Điều đáng nói là khoảng 5 năm trước mới chỉ có những con vi khuẩn kháng vài dòng kháng sinh thì hiện nay đã có nhiều chủng vi khuẩn có thể kháng hết toàn bộ các kháng sinh.

Đối với những trường hợp như vậy, các bác sĩ phải xử trí ra sao?

Khi làm xét nghiệm, lúc con vi khuẩn kháng thuốc lộ diện thì bác sĩ rất bối rối vì khi xem đến kháng sinh đồ, chúng tôi không biết sẽ lựa chọn loại kháng sinh nào. Nhiều trường hợp đành phải lựa chọn phối hợp 2-3 kháng sinh, mặc dù vi khuẩn đã kháng hết các kháng sinh này rồi nhưng ta vẫn hy vọng kháng sinh trước nó tạo tiền đề để kháng sinh sau phát huy tác dụng. Cũng có trường hợp kể cả vận dụng rất nhiều kinh nghiệm khác nhau từ nhiều chuyên gia, nhưng thực sự vẫn có cảm giác bấp bênh, nếu may thì thoát, không may thì cũng đành bó tay vì vi khuẩn đã kháng hết các kháng sinh.

Khi thầy thuốc đã vận dụng nhiều chiến lược và cách thức điều trị khác nhau, kiểu như “vắt chất xám” của các chuyên ngành, các khoa liên quan để chiến đấu với con vi khuẩn mà vẫn không khống chế nổi con vi khuẩn đề kháng và không thể tối ưu hóa điều trị cho BN thì cảm giác khi đó giống như gặp phải bức tường thành không vượt qua nổi nay lại gặp phải chông gai hơn nữa khiến tâm lý người thầy thuốc vừa hoang mang vừa dao động, vừa thất vọng… Khi ấy chúng tôi chỉ biết ao ước “giá mà” những gì liên quan đến người bệnh, giá mà người bệnh tôn trọng nguyên tắc sử dụng kháng sinh hợp lý thì có lẽ kết quả kháng kháng sinh không đến nỗi như thế. Khi bác sĩ gặp con vi khuẩn kháng kháng sinh thì sẽ có nhiều bài học rất đắt giá, bởi chính những bài học này nhiều khi phải trả giá bằng cả mạng người.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.Trong giai đoạn tôi vào hỗ trợ Đà Nẵng điều trị BN Covid-19 cũng rất đau đầu với vi khuẩn kháng kháng sinh. Đa số BN ban đầu hầu như không có triệu chứng gì, nhưng sau khi mắc Covid thì BN có bệnh nền bội nhiễm thêm rất nhiều vi khuẩn đa kháng kháng sinh nên nguy cơ tử vong rất cao. Đấy là bài học với mình không bao giờ quên được.

Cảm giác “giá mà” của bác sĩ điều trị nó đeo đẳng người thầy thuốc như nào?

Làm sao để tiêu diệt được con vi khuẩn kháng kháng sinh khi người bệnh cứ sốt mãi không dứt, tình trạng lâm sàng cứ tiếp tục nặng lên, chịu bó tay khi điều ước “giá mà” ấy đã diễn ra rồi - đấy là điều mà hiện nay các bác sĩ rất sợ. Và cái giá mà đấy không chỉ là điều nuối tiếc ở trong tâm tưởng của người thầy thuốc mà nó đeo đẳng, nó cứ mãi luẩn quẩn trong tâm trí, có khi đến lúc về hưu còn chưa chắc đã thoát ra được.

Về phía người dân và thầy thuốc thì việc phòng tránh kháng thuốc cần quán triệt như thế nào?

 Cách cốt lõi nhất là phòng tránh tiếp xúc của vi khuẩn với kháng sinh không cần thiết. Tức là trong những trường hợp không có chỉ định dùng kháng sinh thì không dùng; Nếu dùng là tạo điều kiện cho vi khuẩn thông thường tiếp xúc với kháng sinh. Và khi vi khuẩn thông thường tiếp xúc với kháng sinh thì chính kháng sinh là điều kiện chọn lọc để vi khuẩn thu được đề kháng. Vi khuẩn vẫn có thể tiếp tục phát triển trong điều kiện có kháng sinh nó có thể thu được các gien kháng thuốc; đột biến kháng thuốc gặp phải môi trường có kháng sinh thì đột biến đấy giúp cho vi khuẩn phát triển còn mạnh hơn trong môi trường không có kháng sinh. Khi vi khuẩn phát triển mạnh hơn trong môi trường có kháng sinh, vì nhiều lý do nhất định con vi khuẩn đấy xâm nhập vào cơ thể người thì đấy là thảm họa.

Thế giới có rất nhiều tiến bộ khoa học để tìm ra kháng sinh mới, nhưng tốc độ tìm ra kháng sinh mới so với tốc độ kháng kháng sinh của các con vi khuẩn chậm hơn cực kỳ nhiều. Thực tế, trong hơn 20 năm qua, số lượng kháng sinh mới tìm ra chỉ là 2-3 loại nhưng vi khuẩn kháng kháng sinh đã gần như là một làn sóng rất mạnh mẽ và hiện nay hầu khắp các BV đều tồn tại vi khuẩn kháng kháng sinh - đấy là vấn đề rất nan giải. Vì vậy, rất nhiều bác sĩ trong và ngoài chuyên ngành Truyền nhiễm đều được quán triệt rõ về tầm quan trọng trong việc phòng tránh để không gặp phải các vi khuẩn kháng kháng sinh.

Cảm ơn bác sĩ!

Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận