Nguy hiểm tính mạng khi gặp vi khuẩn kháng kháng sinh

Tại nước ta, hầu hết các vi khuẩn đều kháng với các thuốc kháng sinh, thậm chí là đa kháng với thuốc kháng sinh.

 

Vi khuẩn kháng kháng sinh không những gây tốn kém trong điều trị mà còn nguy hiểm tới tính mạng.

Nan giải trong điều trị vi khuẩn kháng kháng sinh

Kháng thuốc xảy ra khi các loại vi sinh vật như vi khuẩn, virus… không còn chịu tác dụng của các thuốc điều trị, khiến bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, hiện có 11 giường bệnh tiếp nhận những ca bệnh nhiễm trùng nặng thì 2 giường có biển đỏ cảnh báo bệnh nhân (BN) nhiễm vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

Trường hợp nam sinh viên (22 tuổi ở Hà Nội) mới đầu bị thủy đậu, sau đó viêm phổi nên tình trạng hô hấp nặng lên, tổn thương phổi xấu dần, phải can thiệp hô hấp bằng máy thở. Đây là BN có cơ địa suy giảm miễn dịch, suy giảm sức đề kháng nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc hồi sức, trong việc vực dậy chức năng hô hấp. Bên cạnh đó, tổn thương viêm tủy làm BN liệt tứ chi, vận động hạn chế. Khi BN nằm 1 chỗ, khả năng ho yếu khiến cho đờm rãi, chất tiết đường hô hấp khó thoát ra ngoài. Đây chính là yếu tố làm cho tình trạng hô hấp càng khó giải quyết.

Ca bệnh 22 tuổi đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai. (Ảnh: Thành Dương)Là người trực tiếp điều trị cho những BN này, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho biết: Khi gặp phải mầm bệnh đa kháng kháng sinh thì chi phí điều trị đội lên rất nhiều, có thể lên đến vài triệu đồng/ngày. Trường hợp BN 22 tuổi phải kết hợp các loại thuốc, sau hơn 1 tháng điều trị, tình trạng sức khỏe đã cải thiện nhiều, hiện đã tỉnh táo, tay chân cựa quậy được. “Đơn vị hồi sức truyền nhiễm tiếp nhận rất nhiều BN mắc các bệnh nhiễm trùng nặng và thường kèm theo các mầm bệnh kháng kháng sinh. Thường những BN ở đây đều nằm từ 1-2 tuần lễ trở lên, do đó việc nhiễm khuẩn thêm hoàn toàn có thể xảy ra. Trong quá trình điều trị, nếu các bác sĩ không nhanh chóng đưa BN ra khỏi tình trạng nặng thì khi người bệnh nằm viện lâu, rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm thêm các loại vi khuẩn. Mà vấn đề nhiễm thêm các loại vi khuẩn hiện nay rất nan giải khi gặp phải vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh”, bác sĩ Thái nhấn mạnh.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc hiện nay, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho biết một phần là do kiểm soát dùng kháng sinh chưa được tốt. Bên cạnh đấy việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng hiện nay rất tràn lan, đặc biệt trong lĩnh vực thú y, các lĩnh vực ngoài y tế. Đấy cũng là yếu tố làm xuất hiện các loại vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh và khi các loại vi khuẩn đa kháng kháng sinh ấy xâm nhập vào cơ thể thì rất khó giải quyết.

“Lúc rỗi rãi, tôi ra các hiệu thuốc gần nhà thì thấy việc mua bán và sử dụng kháng sinh rất đơn giản, thậm chí nhiều khách mô tả đau đầu, tay chân… có cần phải dùng kháng sinh không thì các cô bán hàng cũng tư vấn dùng kháng sinh. Họ không hề biết dùng kháng sinh không đúng chỉ định sẽ tiêu diệt những con vi khuẩn nhạy cảm và nó sẽ chọn lọc những con vi khuẩn đề kháng. Chính tình trạng chọn lọc những con vi khuẩn đề kháng sẽ làm cho người bệnh và môi trường xung quanh người bệnh tồn tại những con vi khuẩn kháng nhiều kháng sinh. Và khi người bệnh bị bệnh, các con vi khuẩn ấy thừa cơ xâm nhập, phát triển gây bệnh thì việc điều trị rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn người bệnh, đặc biệt những người nghi ngờ có nhiễm trùng xin hãy tôn trọng ý kiến tư vấn của các nhân viên y tế, đặc biệt của các bác sĩ để sử dụng kháng sinh hợp lý, không lạm dụng, không dùng một cách tràn lan nhưng cũng không quá tiết kiệm”, bác sĩ Thái khuyến cáo.

Báo động tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc diễn ra tại Đại học Y Hà Nội vào chiều 25/11, Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra kết quả khảo sát của WHO tại 16 bệnh viện lớn của Việt Nam từ năm 2019 cho thấy, đã xuất hiện một số loại vi khuẩn đa kháng thuốc, trong đó 82% số trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn Acinetobacter gây bệnh phổi, viêm đường tiết niệu đã kháng với thuốc kháng sinh Carbapenem. Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Phổi Trung ương… đã phát hiện những siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh và đã có nhiều bệnh nhân tử vong với các loại vi khuẩn này.

TS. Cao Hưng Thái, Phó Cục Trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, vấn đề kháng thuốc kháng sinh là thực trạng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Tại nước ta, hầu hết các vi khuẩn đều kháng với các thuốc kháng sinh, thậm chí là đa kháng với thuốc kháng sinh. Ví dụ như nhóm kháng sinh Carbapenem là loại kháng sinh phổ rộng, thế hệ mới, có hiệu lực cao, giai đoạn đầu khi mới xuất hiện tỷ lệ kháng rất thấp nhưng hiện ở một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương đã có vi khuẩn kháng Carbapenem với tỷ lệ trên 30%. Với tỷ lệ kháng thuốc cao như vậy, nếu trẻ nhiễm vi khuẩn này thì khó có thuốc để điều trị. Như vậy thực trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay khá trầm trọng, thêm vào đó mô hình bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và Covid-19 càng làm nhức nhối hơn vấn đề kháng thuốc hiện nay.

Bà Rana Flower, Trưởng Đại diện lâm thời văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) tại Việt Nam cho biết, trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm từ dân số ngày càng gia tăng, do vậy ngành lương thực và nông nghiệp, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc lây lan. Dọc theo từng khâu trong chuỗi thực phẩm, cần phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo kháng sinh được sử dụng thận trọng và có trách nhiệm để làm chậm lại sự phát triển và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.

Trong y học hiện đại, thuốc kháng sinh được ca ngợi như một điều kỳ diệu trong việc đánh bại các vi khuẩn nguy hiểm, giúp nhiều trẻ em sống sót hơn và kéo dài tuổi thọ của người trưởng thành. Nhưng bức tranh đó đang thay đổi đáng kể khi con người sau nhiều năm lạm dụng và sử dụng sai cách thuốc kháng sinh, cho cả người và động vật, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn có được khả năng đề kháng đối với thuốc kháng sinh, khiến cho kháng sinh mất dần hiệu quả. Trên khắp thế giới, con người, thực vật và động vật đang chết vì những bệnh nhiễm trùng mà không còn có thể chữa trị được nữa - ngay cả với những loại thuốc kháng sinh tiên tiến nhất mà chúng ta có./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận