Nhiều trẻ đeo kính không đúng với số đo cận thị

Tỷ lệ người mắc tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị) tại Việt Nam chiếm khoảng 15 đến 40% dân số, tương ứng khoảng từ 14 đến 36 triệu người.

 

Trong đó, khoảng 3 triệu trẻ em từ 15 tuổi trở xuống mắc các tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ này ngày càng gia tăng.

Lần khám mắt mới đây cho học sinh 3 cấp tại hệ thống trường Thực nghiệm (Hà Nội), Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội không những ghi nhận tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ ở mức cao mà còn phát hiện nhiều trường hợp đeo kính không đúng với số đo cận thị, loạn thị, viễn thị.

Trong số 2.696 học sinh tham gia chương trình khám mắt, có tới 68% số trường hợp, mắt có tật khúc xạ và các vấn đề khác, cao hơn tỷ lệ của những nghiên cứu phạm vi rộng hơn. Đáng chú ý là trong số các em đang đeo kính cận thị, loạn thị, viễn thị, có 38% số học sinh đang đeo kính bị sai số hoặc kính bị hỏng… Trong đó, khoảng 10% đeo kính không đúng với số đo tật khúc xạ trên thực tế.

Nhiều trẻ đeo kính không đúng với số đo cận thị.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Bích Mận, Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội nêu ra một trường hợp cụ thể là học sinh L.G.B, học sinh lớp 3, có khá nhiều vấn đề trên chiếc kính, với tâm kính bị lệch tới 7 li, số kính là viễn - loạn và thị lực mắt phải 10/10, nhưng mắt trái chỉ được 7/10. Với thị lực vừa nêu, học sinh B chủ yếu nhìn bằng mắt phải và không sử dụng tới mắt trái.

“Nếu cứ đeo kính cũ, lệch tâm, sai số thì mắt trái của cháu B không bị viễn thị cũng sẽ thành viễn thị. Cháu sẽ luôn phải cố điều tiết mắt, đôi khi sẽ hơi mỏi mắt, nhức đầu và chủ yếu chỉ nhìn bằng mắt phải. Lâu dần thị lực sẽ giảm, ảnh hưởng đến tinh thần và có thể dẫn tới kết quả học tập giảm sút. Qua đây cũng cảnh báo các bậc phụ huynh quan tâm tới sức khỏe đôi mắt của trẻ em nhiều hơn. Hiện nay, có thực trạng cha mẹ quá bận hoặc thiếu hiểu biết, thường cho con đến cửa hàng kính thuốc để đo mắt, đeo kính. Dù ở đó cũng có máy đo khúc xạ nhưng thường không có bác sĩ chuyên khoa”, BS Mận cho biết.

Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em từ 6-15 tuổi bị tật khúc xạ chiếm tỷ lệ 25 - 40% ở thành thị và 10-15% ở nông thôn. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội chia sẻ, tỷ lệ người bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị học đường tăng nhanh, ở thành thị cao hơn nông thôn, liên quan đến không gian sống ngày càng chật hẹp và trẻ thường xuyên phải nhìn gần.

“Trên thực tế khám bệnh, chúng tôi cũng thấy tỷ lệ tật khúc xạ ở trẻ em tăng ở mức báo động, chứ không dừng ở  tỷ lệ 40% ở thành thị như kết quả của nghiên cứu trước đó, có thể các nghiên cứu này được thực hiện ở phạm vi rộng hơn. Chúng tôi muốn hợp tác với một số trường học để tổ chức khám, tầm soát một cách bài bản, phát hiện chính xác tật khúc xạ cho các em, đồng thời qua đó khảo sát tỷ lệ cận thị, loạn thị. Từ những kết quả nghiên cứu cụ thể và mới nhất này, chúng tôi sẽ đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho cộng đồng”, BS Sanh cho biết thêm.

Từ trước đến nay, ít có những khảo sát, báo cáo cụ thể về việc trẻ bị đo sai khúc xạ và đeo kính không đúng số. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt 6 tháng/1 lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Do khả năng điều tiết mắt của trẻ rất cao nên thường phải nhỏ dung dịch làm liệt điều tiết, sau đó đo tật khúc xạ mới chuẩn.

Nếu không, kết quả đo có thể sẽ sai. Khi kiểm tra kỹ mà vẫn nghi ngờ thì bác sĩ phải dùng phối hợp các biện pháp khác để đưa ra số đo thấu kính chính xác cho trẻ. Điều này những cơ sở kính thuốc không có chuyên môn sâu không thực hiện được./.

Văn Hải/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận