Dự phòng trước phơi nhiễm góp phần loại trừ HIV/AIDS

Việc uống dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hằng ngày.

 

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hằng ngày, như một phần của chiến lược dự phòng tổng thể do Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) và Dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai.

Việt Nam đang ở năm thứ 2 triển khai mở rộng chương trình dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 27 tỉnh, thành phố và đã có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm đích.

Nguyễn Văn H (24 tuổi, quê Thái Nguyên) hiện đang làm tư vấn viên tại phòng khám Glink, Hà Nội cho biết, trước đây chưa có PrEP, em và các bạn nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) rất lo lắng mỗi khi có hành vi nguy cơ khi quan hệ tình dục. Thậm chí họ không dám đi khám bệnh định kỳ chỉ vì lo sợ chẳng may có kết quả dương tính với HIV. Từ ngày có PrEP, các bạn nhóm MSM an tâm rất nhiều, đặc biệt khi hiện nay đã đa dạng hóa các dịch vụ, chẳng hạn như PrEP tình huống (ED-PrEP) mới cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và triển khai cung cấp PrEP tại một loạt các phòng khám công, tư nhân và phòng khám cộng đồng.

Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV.Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, sau 2 năm thực hiện triển khai dịch vụ PrEP tại 27 tỉnh, thành phố, tính đến 30/9/2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.256 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Số cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP là 111 cơ sở, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, để mở rộng và triển khai chương trình PrEP tốt hơn nữa trong thời gian tới, góp phần hoàn thành chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, vấn đề đặt ra là: làm sao để nâng cao nhận thức về PrEP đối với các đối tượng đích hơn nữa, mở nhanh dịch vụ ở những tỉnh/thành phố có tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM cao, thu hút được nhiều khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV vào điều trị PrEP, kết nối tốt hơn nữa giữa các nhóm cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, duy trì tỷ lệ điều trị cao, sàng lọc và đưa được nhiều khách hàng bị đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan virus B, C đến các chuyên khoa liên quan để được điều trị kịp thời./.

L.H

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận