Nghĩa đồng bào giữa đại dịch Covid-19

Những ngày qua, người miền xuôi Quảng Nam, Đà Nẵng chống chọi với dịch Covid-19, đồng bào các dân tộc ở Nam Trà My tiếp tục viết lên nghĩa đồng bào.

 

Người xứ Quảng có câu ca dao thắm đượm nghĩa tình:“Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Mỗi lần bão lũ, tắc đường hằng năm, đồng bào vùng cao luôn nhận sự quan tâm của người miền xuôi, gửi hàng hóa lên giúp đỡ. Những ngày qua, người miền xuôi Quảng Nam, Đà Nẵng chống chọi với dịch Covid-19, đồng bào các dân tộc ở Nam Trà My, một trong những huyện nghèo nhất nước này tiếp tục viết lên nghĩa đồng bào. Hình ảnh cụ già, em bé dù đời sống còn khó khăn vẫn lội bộ cả buổi đường rừng để hái từng búp măng, mớ rau rừng ủng hộ miền xuôi đã chạm vào trái tim biết bao người.

Đồng bào Ca Dong gói gém từng bó rau, gói măng... cẩn thận gửi về bà con Đà Nẵng vượt qua dịch Covid-19.

Mấy hôm nay, gia đình bà Hồ Thị Đón, người dân tộc Ca Dong, ở làng Khe Chữ, xã vùng cao Trà Vân, huyện miền núi Nam Trà My dậy sớm hơn mọi ngày. Hai đứa con của bà cũng dậy sớm theo mẹ lên rẫy hái rau. Đứa con út của bà Đón đã học lớp 7, người nhỏ thó như học sinh tiểu học ở dưới xuôi. Chiếc gùi em mang trên lưng cao quá đầu người. Nhà cách rẫy 6 cây số, cả ngày lội bộ trong rừng họ hái được 2 gùi quả bí đỏ và một ít rau rừng mang về. Dù cố gắng đi sớm nhưng không tránh khỏi cơn mưa rừng cuối chiều.

Gói gém rau quả cẩn thận, bà Hồ Thị Đón cười hiền nói, người dân làng Khe Chữ từng nhận được nhiều giúp đỡ của người miền xuôi. Bây giờ, họ bị dịch bệnh, có ít củ quả, rau rừng gửi về dưới đó phụ giúp thêm. "Ở trên này không có cái chi hết, gia đình nào cũng khó khăn, tiền bạc cũng không có. Còn rau quả, trồng rau bí, rau bầu thì được, ra trái nhiều. Mình ủng hộ mong muốn bà con ở dưới xuôi qua được dịch bệnh”, bà Đón bày tỏ.

Em bé 8 tuổi, dân tộc Ca Dong vùng cao huyện Nam Trà My hái măng rừng ủng hộ người miền xuôi đã chạm đến trái tim nhiều người.

Người dân làng Khe Chữ, xã vùng cao Trà Vân, huyện Nam Trà My không nguôi nỗi đau sau trận lũ quét kinh hoàng xảy cách đây 3 năm, làm 4 người chết, 13 người bị thương, tang thương phủ khắp bản làng. Ngày đó, những chuyến hàng viện trợ của người miền xuôi Đà Nẵng, Quảng Nam gửi lên nườm nượp, giúp dân lập làng mới. Bây giờ, Khe Chữ trở thành ngôi làng tái định cư kiểu mẫu ở vùng cao Nam Trà My. Tuyến đường Đông Trường Sơn rộng mở, phẳng lỳ xuyên qua làng mới, không còn sợ cô lập, tắc đường như trước. Ông Hồ Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Trà Vân, huyện Nam Trà My cho biết, mỗi gia đình ở Khe Chữ được hỗ trợ 70 triệu đồng để làm lại nhà. Trong mỗi ngôi nhà mới của đồng bào Khe Chữ có cả tấm lòng đóng góp của người miền xuôi: “Cơn bão số 12 cuối năm 2017, xã Trà Vân thiệt hại rất nặng nề. Thời gian đó, rất nhiều nhà hảo tâm từ miền xuôi, hỗ trợ rất nhiều: gạo, mì tôm, mắm muối... bằng tiền cũng có, tuần nào cũng có. Ý thức như thế, bữa nay bà con nhiệt tình tham gia ủng hộ. Ai có rau hỗ trợ rau, ai có măng thì hỗ trợ măng, có bí thì hỗ trợ bí, có bầu thì hỗ trợ bầu”.

Các tình nguyện viên chuyển hàng của đồng bào huyện Nam Trà My (Quảng Nam) về ủng hộ người dân vùng dịch Đà Nẵng.

Những ngày qua, hình ảnh em bé dân tộc Ca Dong mới 8 tuổi ở xã vùng cao Trà Tập lội bộ cả buổi đường rừng để hái từng búp măng mang về ủng hộ chống dịch đã “chạm” đến trái tim biết bao người. Cậu bé Hồ Ánh Khiết đã khiến nhiều người ứa nước mắt khi biết gia đình em rất nghèo. Cả nhà sống trong ngôi nhà nhỏ trống trải trên đồi. Bố Khiết đau cột sống, đi lại khó khăn và không làm được việc nặng. Hằng ngày, sau giờ học, Khiết theo mẹ vào rừng hái rau củ rồi 2 mẹ con gùi rau xuống trung tâm xã bán.

Sau trận lũ quét năm 2017, người dân làng Khe Chữ, xã Trà Vân, Nam Trà My được chuyển về làng mới.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, chuyện bé Khiết hái măng là một trong hàng trăm, hàng nghìn hình ảnh em bé ở vùng cao huyện nghèo này đều đặn việc hái lượm như vậy. Cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My còn khó khăn vất vả, số hộ nghèo chiếm gần 1 nửa, nhiều bản làng, tỷ lệ này chiếm đến 80%. Ngoài buổi lên lớp, các em nhỏ phải vào rừng hái rau, thu hoạch nông sản… phụ giúp bố mẹ. Vào dịp hè, các em càng phải đi làm nhiều hơn. Nhiều gia đình đông con, “bữa đói bữa no” nhưng người đồng bào rất trọng chữ tình, không bao giờ quên ơn người đã giúp mình.

Bà Nguyễn Thị Huệ bất ngờ xen lẫn niềm tự hào khi kết quả 2 đợt vận động, đồng bào quyên góp hơn 30 tấn rau, củ, quả ủng hộ người dân vùng dịch Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây cũng là dịp để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia với miền xuôi. Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết, những chuyến xe cuối cùng chở rau về miền xuôi, có người còn mang rau chạy theo xin tiếp tục ủng hộ, gửi chút tấm lòng về với miền xuôi: "Tinh thần lá lành đùm lá rách, lòng thương người họ đã có sẵn từ rất lâu rồi. Cho nên, kết quả vừa rồi, chúng tôi không nghỉ nhận được khối lượng rau nhiều như thế. Họ kêu, nếu lần sau vận động bà con sẵn sàng đóng góp. Họ nói như thế, chúng tôi cảm thấy rơi nước mắt với bà con mình”.

Đồng bào mang măng, bí đến xã UBND xã nhờ chuyển về xuôi ủng hộ chống dịch.

Những ngày qua, ở khu ký túc xá, trong phần cơm miễn phí của cô sinh viên Phan Diệu Mây, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng có thêm món rau dớn, rau lúi và măng rừng của đồng bào Ca Dong ở Nam Trà My gửi về. Nhìn hình ảnh em bé người Ca Dong gầy ốm vác búp măng trên vai giữa núi rừng lan truyền trên mạng xã hội, Diệu Mây nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt.

Mây cho biết, năm nào em cũng tham gia chương trình Mùa hè xanh tình nguyện tại miền núi Quảng Nam, tham gia dạy học hè, làm trường lớp, đường giao thông cho bà con. Năm nay, dịch xảy ra, mọi người kẹt lại, không về được với đồng bào. Những ngày ở trong ký túc xá sinh viên, được miễn phí suất ăn đã giúp em cảm nhận hơn về tình người: “Hình ảnh em nhỏ vác măng đi từ rừng sâu ra, em rất cảm kích hành động của họ. Khi được ăn rau củ quả từ trên đó xuống, em rất biết ơn đồng bào trên đó. Nếu hết dịch, em sẽ lên tiếp xúc với bà con trên đó, để dạy chữ cho các em nhỏ”.

Để chuyển được những bó rau nghĩa tình của đồng bào về miền xuôi trong ngày, từ sáng hôm trước, nhóm thanh niên tình nguyện ở Đà Nẵng đã đưa phương tiện lên núi chở hàng. Sau đó, các thành viên của Nhóm chuyển hàng theo tâm nguyện của đồng bào đến các điểm cách ly, bệnh viện, trung tâm y tế, ký túc xá, các hộ dân ở Đà Nẵng có hoàn cảnh khó khăn...

Anh Trần Đăng Vinh, Điều phối viên Nhóm thanh niên tình nguyện chống dịch ở Đà Nẵng cho biết, mỗi lần lên chở hàng, các chuyến xe mang theo khẩu trang y tế, nước sát khuẩn hỗ trợ đồng bào phòng chống dịch. Trong chuyến mới đây, nhóm vận động sự quyên góp của các tổ chức, cá nhân được 100 triệu đồng và 5 tấn gạo lên hỗ trợ Quỹ vì người nghèo Nam Trà My. “Người Nam Trà My khi nghe người Đà Nẵng gặp khó khăn thì tất cả đồng lòng gom từng bó rau, thấy cảm tình rất lớn. Mặt hàng này dễ héo, không để được lâu nên tiêu chí hàng đầu của nhóm khi nhận nhiệm vụ này là phải nhanh nhất khi đến nơi là anh em tập kết hàng chở về Đà Nẵng”, anh Vinh cho hay.

Khi những chuyến xe chở đầy rau, củ qủa rừng xuống miền xuôi thì cũng là lúc người dân huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lại lo dự trữ lương thực chống chọi với những ngày mưa bão, tắc đường cô lập dài ngày sắp tới. Nhiều tấm lòng hảo tâm, người làm thiện nguyện cũng đang rục rịch chuẩn bị hàng hóa chuyển lên hỗ trợ đồng bào vùng cao. Ai cũng mong muốn dịch Covid-19 sớm được ngăn chặn để sớm trở lại Nam Trà My tiếp tục chia sẻ yêu thương, tô thắm thêm tình nghĩa đồng bào./.

 

 

2, Em bé 8 tuổi, dân tộc Ca Dong vùng cao huyện Nam Trà My hái măng rừng ủng hộ người miền xuôi đã chạm đến trái tim nhiều người.

3, Các tình nguyện viên chuyển hàng của đồng bào huyện Nam Trà My (Quảng Nam) về ủng hộ người dân vùng dịch Đà Nẵng.

4, Sau trận lũ quét năm 2017, người dân làng Khe Chữ, xã Trà Vân, Nam Trà My được chuyển về làng mới.

5, Đồng bào mang măng, bí đến xã UBND xã nhờ chuyển về xuôi ủng hộ chống dịch.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận