Khi hay tin Hội An đang gánh chịu những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai, chị Phạm Thị Hương Giang, người sáng lập và là Chủ tịch Quỹ Sống quyết định triển khai chương trình “Be strong, Hội An!”, chia sẻ khó khăn với người dân nơi đây và các huyện nghèo lân cận.
Mạnh mẽ lên, Hội An!
Ngày Hội An tiến hành giãn cách xã hội toàn thành phố, các thành viên Quỹ Sống vừa tiếc nuối, vừa lo âu. Vậy là dự án Công viên Hạnh phúc xanh đang tính triển khai nơi đây đành tạm gác lại, thay vào đó bằng một chương trình mà mọi người nghĩ là cần thiết hơn trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” thế này. Sau 5 ngày kêu gọi trên mạng xã hội, Quỹ Sống nhận về gần 500 triệu đồng cùng nhiều hiện vật thiết thực khác như nước rửa tay, vật tư y tế, khẩu trang… Người góp tiền, người góp sức, người tặng món này, món kia, tất cả khẩn trương để ngay sau đó hàng trăm bộ đồ bảo hộ, hàng ngàn vật tư y tế, hàng chục ngàn chiếc khẩu trang, mũ chắn giọt bắn cùng nhiều đồ dùng cần thiết khác khẩn trương lên đường từ TP.HCM đến Hội An ngay trong tâm dịch.
Là quỹ chuyên về các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững như làm nhà chống lũ, trồng cây gây rừng, thế nhưng ngay từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) cùng các cộng sự đã bắt đầu quyên góp và đưa các ATM gạo đến những nơi cần. Giờ đây, chứng kiến Hội An oằn mình chống dịch, chị cũng đứng ngồi không yên. Vẫn nguyên cảm giác lo lắng, xót xa ấy! May mắn thay, rất nhiều cánh tay trong cộng đồng đã đưa lên, tình nguyện cùng Quỹ Sống truyền hơi ấm sẻ chia đến Hội An và nhiều huyện nghèo, vùng sâu vùng xa ở tỉnh Quảng Nam như Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn. Chủ tịch Quỹ Sống chia sẻ: “Tôi rất xúc động vì chỉ sau vài ngày “Be strong, Hội An!” đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Có những họa sĩ, nhiếp ảnh gia, thậm chí người chưa từng gặp mặt tôi vẫn âm thầm bán đấu giá tranh, ảnh rồi gom tiền gửi về. Rồi các doanh nghiệp, các đối tác, họ gửi về rất nhiều vật dụng cần thiết. Chúng tôi lập tức lên kế hoạch để chi tiêu số tiền, các trang thiết bị hợp lý nhất và tìm cách gửi đồ hỗ trợ đến đúng nơi, đúng người”.
Chị Jang Kều cho biết, nhiệm vụ chính của “Be strong, Hội An!” là chuyển các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng thành thiết bị y tế, đồ bảo hộ trong mùa dịch và gửi đến các bệnh viện, trung tâm y tế, các khu chợ, các phường xã tại Hội An và nhiều huyện lân cận. Đây là những món đồ thật sự cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế cũng như người dân tại khu vực dịch đang bùng phát với số ca bệnh ngày càng gia tăng. Khi Hội An bước qua giai đoạn cam go nhất, Quỹ Sống sẽ chuyển sang nội dung tiếp theo của kế hoạch. Đó là chương trình “Be strong, Việt Nam!” gồm các giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi sau dịch. Lúc bấy giờ, hoạt động hỗ trợ gạo sẽ lại được triển khai, dự kiến tập trung tại Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội, nơi rất nhiều người lao động rệu rã sau nhiều tháng trời chống chọi với dịch bệnh.
Những tấm lòng sẻ chia
Chuyển đến Hội An sinh sống được 6 năm nay, chị Lương Thuý Hà, chủ khách sạn Beachside Boutique và nhà hàng Saltpub đã quen với nếp sống bình yên nơi đây. Vậy rồi dịch bệnh xuất hiện từ tháng 3, cả thành phố chủ yếu sống dựa vào ngành du lịch, dịch vụ này chống chếnh. Đợt dịch đó, chị âm thầm lấy tiền tiết kiệm mua gạo, khẩu trang, thiết bị y tế tặng cho người nghèo mặc dù doanh nghiệp chị cũng lao đao với những khó khăn đến từ nhiều hướng. Đợt dịch đầu tiên tạm lắng, hệ thống kinh doanh của chị cùng nhiều doanh nghiệp khác tại Hội An bắt đầu hoạt động trở lại. Thế nhưng, chỉ sau hơn một tháng, nguồn thu chưa thấm tháp vào đâu, dịch lại bùng phát. Lần này Hội An - Quảng Nam tổn thất nặng nề hơn sau lần thấm mệt đợt trước. Chị Hà lại lặng lẽ dùng số tiền còn lại mua những vật dụng cần thiết tặng bà con.
Ngày qua ngày số ca bệnh gia tăng, cảm nhận rõ sự thiếu thốn và bất an mà người dân đang nếm trải, chị Hà thêm lo lắng. Vậy nên ngay khi Quỹ Sống triển khai “Be strong, Hội An!”, người mẹ ba con bận rộn ấy trở thành tình nguyện viên chính, là cầu nối đưa vật tư y tế, đồ bảo hộ… đến các nơi cần giúp đỡ tại Hội An, Quảng Nam. Với chiếc ô tô của mình, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, ngày ngày chị đến điểm nhận hàng rồi đưa đến những điểm mà cả đội thống nhất sau khi bàn bạc kỹ lưỡng. Xe cá nhân thành phương tiện chở hàng, người thành tình nguyện viên, còn khu vực lễ tân khách sạn thành nhà kho, nơi đón nhận tấm lòng của mạnh thường quân các nơi gửi đến người dân Hội An, Quảng Nam trong đợt dịch này. “Mình đi kết nối các nơi khó khăn rồi nhận hàng, phân loại, khử trùng, giao cho những điểm cần hỗ trợ. Những món đồ tụi mình đem tặng, mọi người rất quý và chia nhau sử dụng tiết kiệm, đúng lúc. Ban đầu là Hội An, sau tụi mình mở rộng ra các huyện nghèo, huyện xa của Quảng Nam luôn vì tụi mình biết rằng bà con nơi đó khổ lắm. Mình thực sự hạnh phúc vì góp một phần nhỏ trong hoạt động này, chia sẻ phần nào khó khăn với mọi người”, chị Hà cho biết thêm.
Hiểu rõ vai trò của mình trong hành trình chia sẻ yêu thương này và trân trọng tấm lòng mà tất cả mọi người trao tặng, từng khoản tiền, phần quà quyên góp được từ cộng đồng, Quỹ Sống đều công khai hướng hỗ trợ, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí phát sinh. Ở đâu cần đồ chống độc, khẩu trang N95; ở đâu cần vật tư y tế; khẩu trang y tế, nước rửa tay, mũ chắn nước bọt đưa về đâu thì hợp lý, tất cả đều được tính toán cẩn thận, làm sao đồ đến nơi cần đến, đúng người cần giúp. Đợt quyên góp của Quỹ Sống vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ cộng đồng khi số tiền và các vật dụng cần thiết trong phòng, chống dịch ngày một tăng lên. Những người thực hiện chương trình nhân đạo này mong rằng, dịch chóng qua, bà con an toàn để bắt đầu khôi phục kinh tế sau chuỗi ngày chồng chất khó khăn./.
“Ban đầu là Hội An, sau tụi mình mở rộng ra các huyện nghèo, huyện xa của Quảng Nam luôn vì tụi mình biết rằng bà con nơi đó khổ lắm. Mình thực sự hạnh phúc vì góp một phần nhỏ trong hoạt động này, chia sẻ phần nào khó khăn với mọi người”.
Chị Lương Thuý Hà
|