Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, nhiều cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã vinh dự được gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu. Ấn tượng về ông đó là một người tỉ mỉ trong công việc, chân tình, cởi mở. Điều mà họ trân trọng là ở ông luôn chất chứa cái tình với lính, nghĩa với dân và sự trăn trở về cuộc sống của nhân dân.
Với nhà báo Vũ Ngọc Xiêm - từng công tác ở báo Quân khu 7, sau này là báo của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ấn tượng về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một vị lãnh đạo tỉ mỉ, cụ thể trong công việc, có lối sống giản dị, thân tình. Trong các cuộc họp ở Quân khu 9, dù là vị lãnh đạo cấp cao, ông không chỉ nêu lên những vấn đề mang tầm bao quát chung, mà còn chỉ ra chi tiết, từng sự việc cụ thể nên dễ nắm, dễ tiếp thu. Người dân Nam bộ và bộ đội Quân khu 9 thường gọi ông với tên thân mật anh “Năm Phiêu”. Điều đáng nói là sau này dù ở vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng mỗi khi về thăm quân khu và nhân dân Nam bộ, ông "Năm Phiêu" vẫn nhớ như in tên, vị trí công tác và hỏi thăm từng người khiến ai nấy đều cảm động.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn rất quan tâm đến cuộc sống của người dân và luôn trăn trở về điều này. Nhớ lại kỷ niệm cùng ngồi với nguyên Tổng Bí thư trên chiếc ghe chạy hết tốc lực đi kiểm tra tình hình lũ lụt ở miền Tây vào năm 2000, nhà báo Vũ Ngọc Xiêm kể: Khi ghe đến khu vực giữa đoạn Đồng Tháp và Long An, ông Lê Khả Phiêu thấy cảnh một gia đình đang sống tạm bợ giữa biển nước mênh mông liền ghé thăm. Sau khi biết gia cảnh của họ, ông đã chỉ đạo địa phương phải tiếp tế ngay và đưa cả gia đình về nơi an toàn. Không những thế ông còn kiểm tra xem vụ việc này đã được địa phương thực hiện có đến nơi đến chốn hay không.
"Tôi thấy rất nhiều đồng chí lãnh đạo, nói xong rồi thì không kiểm tra. Nhưng với nguyên Tổng Bí thư sau khi đi kiểm tra thì tại giao ban đồng chí hỏi ngay: Gia đình ở chỗ đó, các đồng chí đã đưa vào bờ chưa. Một đồng chí lãnh đạo ở Đồng Tháp nói là chưa nắm được. Nguyên Tổng Bí thư nói: Làm cán bộ như vậy chưa được, đồng chí phải chỉ đạo ngay cho huyện, cho địa phương ra ngay chỗ đó đưa họ về. Hai tiếng sau phải báo cáo cho tôi", nhà báo Vũ Ngọc Xiêm nhớ lại.
Lối sống giản dị, không quan cách của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn thể hiện trong một chuyến khảo sát tình hình lũ lụt ở tỉnh Đồng Tháp. Khi đến đây, nhìn thấy địa phương treo khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm và làm việc tại Đồng Tháp”, ông rất buồn và phê bình luôn. Bởi ông đi kiểm tra tình hình lũ lụt chứ không phải đi tham quan đâu mà phải hô hào khẩu hiệu như thế. Làm cán bộ phải giản dị thì mới gần dân, sát dân và như thế dân mới tin.
Nói về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thiếu tướng Trương Giang Long - Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương Đảng, khẳng định rằng, ông là vị tướng hội tụ đầy đủ phẩm chất của “Anh bộ đội cụ Hồ”. Một người có những đức tính đặc biệt, một chính trị gia điêu luyện. Ấn tượng của Thiếu tướng Trương Giang Long lần đầu tiên gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đó là khi còn làm thư ký cho Thượng tướng Trần Văn Trà. Câu chuyện của hai vị tướng ngày hôm ấy đã để lại cho ông những cảm xúc đặc biệt.
"Khi ông nói chuyện với Thượng tướng Trần Văn Trà, ông kể về mất mát hy sinh của anh em trên chiến trường Campuchia. Cả hai ông ngồi lặng đi, nước mắt tuôn trào. Tôi không dám đến gần, vì tôi không dám động chạm đến sự linh thiêng ấy. Từ trong đáy lòng của các cụ, họ phải yêu lính như thế, yêu thương cấp dưới của mình như thế, thì mới là những vị tướng xuất sắc của quân đội", Thiếu tướng Trương Giang Long kể.
Sau này, khi chuyển ra Hà Nội công tác ở cương vị Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thiếu tướng Trương Giang Long được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mời đến nhà chơi. Tại đây, nguyên Tổng Bí thư đã căn dặn nhiều điều, như: Viết về đổi mới của Đảng thì phải nói được cái tốt, cái tích cực để cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhưng cũng phải nói được cái yếu kém cái hạn chế, đặc biệt là phải rút ra bài học thì mới có giả trị định hướng trong công tác tư tưởng, công tác lý luận của Đảng.
Theo Thiếu tướng Trương Giang Long, cái tình đối với lính, đối với dân, sự trăn trở về cuộc sống của người dân Việt Nam sau chiến tranh của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đều quy tụ trong cuốn sách “Mênh mông tình dân”.
"Trong cuốn sách "Mênh mông tình dân" từ chữ đầu tiên đến dòng cuối cùng toát lên sự quý trọng yêu thương dân, thương dân vô bờ bến. Chính tình cảm giữa dân và Đảng là động lực thôi thúc ông trăn trở khai phá con đường đổi mới để mang sự nghiệp của đảng đến đích", Thiếu tướng Trương Giang Long chia sẻ.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, "anh Năm Phiêu" đã ra đi, nhưng tình cảm của ông với cán bộ, chiến sĩ và người dân Nam bộ và những đóng góp của ông với đất nước vẫn còn mãi./.
Việt Đức/VOV-TPHCM