Người phụ nữ vùng cao làm kinh tế giỏi

Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Hoàng Thị Nhung, 37 tuổi, người dân tộc Thái ở Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân các cấp phát động đã có sức lan tỏa rộng khắp và tác động tích cực đến đời sống của hội viên nông dân vùng cao. Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Hoàng Thị Nhung, 37 tuổi, người dân tộc Thái ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là một điển hình.

17 năm trước, khi lập gia đình, chị Nhung thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn do nguồn thu nhập chủ yếu chỉ từ làm ruộng. Nhiều vụ lúa không được mùa, năng suất thấp, cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, chị luôn trăn trở làm thế nào để kinh tế gia đình khấm khá hơn.

Mô hình của gia đình chị Hoàng Thị Nhung được nhiều người học hỏi.

Năm 2007, thông qua tổ chức Hội Nông dân xã Hát Lừu, chị Nhung mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 7 triệu đồng về đầu tư bán hàng tạp hóa và chăn nuôi lợn. Tuy nhiên khi đó, gia đình chị chưa có kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, nên lợi nhuận chưa cao. Đến năm 2009, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân huyện tổ chức; đồng thời tự nghiên cứu thêm kiến thức từ ti vi, sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả trong xã..., chị tiếp tục vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất, mua thêm đất và cây con giống phát triển kinh tế.

Với điều kiện đất đai sẵn có, gia đình chị quyết định phát triển kinh tế theo mô hình sản xuất chăn nuôi tổng hợp. Gần 7.000m2 đất, gia đình dành phần lớn trồng ngô và lúa nước, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5 tấn ngô, lúa. Diện tích gần 1.500m2 đất còn lại, chị xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng thêm rau và đào ao nuôi cá thương phẩm. Mỗi năm, trang trại của gia đình chị xuất 3 lứa lợn thịt, trừ mọi chi phí đầu tư còn thu lãi về trên 150 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị cũng nuôi thêm 2 con trâu, hàng trăm con gia cầm các loại. Tận dụng diện tích trống quanh ao, chị còn trồng thêm rau để bán ra thị trường và trồng thêm cỏ để nuôi cá, làm thức ăn cho gia súc...

Tổng thu nhập từ mô hình trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm, gia đình chị Nhung có trên 200 triệu đồng. Nhờ biết tiết kiệm chi tiêu và tích lũy, hiện gia đình chị đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, sắm sửa đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chị Hoàng Thị Nhung cho biết: “Có được kinh tế ổn định như ngày hôm nay, trước tiên tôi cảm ơn các cấp chính quyền địa phương, cảm ơn Hội Nông dân các cấp đã tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi vay vốn và hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi”.

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, chị Hoàng Thị Nhung còn là hội viên nông dân tích cực tham gia các trong các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chị còn thường xuyên động viên, giúp đỡ bà con trong thôn, trong xã tích cực sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Lường Văn Tân, người dân thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: “Ở thôn bản, Hoàng Thị Nhung tích cực tham gia công tác hội, có nguồn vốn để cho bà con vay mượn không tính lãi để chăn nuôi, để phát triển kinh tế. Bà con, anh em bạn bè, hàng xóm rất quý mến.

Liên tục nhiều năm qua, gia đình chị Nhung đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã và huyện, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế để nhiều hộ gia đình ở địa phương noi theo./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận