TS. Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM cũng đồng thời là nhà sáng lập dự án Phát triển Nghệ thuật Sáng tạo YUME. Trong hành trình mang văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ, chị luôn chủ động tìm tòi, tạo ra nhiều sân chơi mới để kích thích sự say mê của người trẻ với nét đẹp của cội nguồn dân tộc.
Say mê trong từng dự án
Đi đâu cũng nghe “bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương” nhưng bạn trẻ mấy ai mặn mà, TS. Đào Lê Na nhận thấy bản thân cần làm điều gì đó để kéo họ lại gần với những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc. Năm 2016, sau khi tự làm dày kinh nghiệm bằng nhiều công trình về văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, Đào Lê Na bắt đầu gửi gắm niềm hy vọng vào dự án cộng đồng mang tên “Cải lương và bạn trẻ” với mong muốn “tạo nền”, cung cấp thông tin và sự hứng thú để các bạn học sinh, sinh viên thêm yêu bộ môn nghệ thuật cải lương.
Cuối năm đó, dù rất bận với công tác chuyên môn nhưng nữ giảng viên này vẫn quyết định lập ra Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh. Bằng tất cả nỗ lực, chị ngược xuôi kết nối, tổ chức nhiều hoạt động phi lợi nhuận giúp sinh viên hiểu rõ về điện ảnh và cải lương. Xen kẽ các tọa đàm chuyên đề, chương trình giao lưu với nghệ sĩ, các buổi nói chuyện truyền cảm hứng, chị còn chủ động thiết kế sân chơi trẻ để các bạn sinh viên thoải mái giao lưu, chia sẻ tình yêu với văn hóa truyền thống. Hoạt động này thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ tại TP.HCM.
Công việc ngày một bận rộn, ai cũng nghĩ chị sẽ tạm dừng các dự án cộng đồng hướng đến giới trẻ để tập trung cho các đề tài nghiên cứu lớn, các khóa đào tạo, các buổi báo cáo ở nhiều quốc gia. Nhưng không, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy lại tiếp tục công việc chẳng ai trả lương cho mình. Chị tiếp tục sáng lập Liên hoan phim ngắn: “Film and Youth - Điện ảnh và bạn trẻ” chỉ vì muốn giới học sinh, sinh viên tại TP.HCM có thêm sân chơi độc đáo, mới mẻ. Tưởng chừng chỉ có sinh viên trong trường hào hứng, vậy mà ngay khi vừa ra mắt, liên hoan phim này đã nhận về hơn 50 tác phẩm dự thi của các bạn trẻ trên toàn quốc. “Lúc đó, mình vừa bất ngờ vừa hạnh phúc, không nghĩ rằng mọi người hào hứng đến vậy. Đồng hành cùng nhau, mình nhận thấy nhiều người trẻ rất sáng tạo, năng động và sẽ rất tiếc nếu không tạo thêm môi trường để kích thích họ sáng tạo nhiều hơn trong nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống. Mình cứ vừa nghĩ vừa làm, mỗi ngày cố một ít và cuối cùng YUME ra đời”, TS. Đào Lê Na kể lại.
Hướng đến phát triển nghệ thuật trong cộng đồng, YUME triển khai cùng lúc hai hướng đi, trong đó YUME Courses mang đến các khóa học ngắn hạn với chuyên gia còn YUME Fund gây quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật và sáng tạo. Muốn duy trì và phát triển dự án cộng đồng từ con số 0, ban đầu, chị tổ chức nhiều khóa học chuyên môn, kỹ năng với thầy cô đứng lớp là nghệ sĩ gạo cội trong nhiều lĩnh vực để vừa gây quỹ vừa quảng bá hình ảnh. Quả ngọt dần chín, ngày càng nhiều bạn trẻ tại TP.HCM tìm đến YUME để tìm hiểu, tham gia các hoạt động nghệ thuật. Không lâu sau khi YUME ra đời, năm 2019, chị khiến nhiều người bất ngờ với dự án mới đầy tâm huyết dành cho nghệ thuật cải lương mang tên “Tiếp bước trăm năm”.
Vẫn còn nhiều ấp ủ
Nét mới độc đáo của “Tiếp bước trăm năm” so với nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn, phát triển cải lương của những người đi trước nằm ở lớp học đặc biệt dành cho khán giả muốn xem cải lương. Là khóa đào tạo hoàn toàn miễn phí, không giới hạn số lượng học viên, buổi học nào của “Thưởng thức cải lương” cũng chật kín người, TS. Đào Lê Na cùng các cộng sự cảm thấy ấm áp trong lòng: “Điều này chứng tỏ người trẻ đâu có quay lưng lại với cải lương và họ cũng không bỏ rơi nghệ thuật truyền thống giữa muôn vàn loại hình giải trí hấp dẫn ngoài kia. Khi nghe tên khóa học, nhiều người ngạc nhiên hỏi: Xem cải lương mà cũng phải học sao, kỳ vậy? Nhưng không kỳ đâu, khi hiểu rõ về lịch sử, ngôn ngữ nghệ thuật, cử chỉ, điệu bộ… thì khán giả sẽ thấm hơn, dần dần yêu hơn bộ môn thú vị này. Nếu không hiểu cái mình đang xem, khán giả sẽ dễ chán”.
Bên cạnh khóa đào tạo khán giả, “Tiếp bước trăm năm” còn có khóa học “Trải nghiệm cải lương” với sự tham gia của 20 bạn trẻ đam mê bộ môn này được chọn lọc kỹ qua các vòng xét duyệt, đánh giá. Chỉ sau 40 buổi học trong 6 tháng, các “diễn viên” của khóa học không chỉ khiến khán giả bất ngờ trong vở diễn tốt nghiệp mà còn mang lại hạnh phúc ngập tràn cho người khởi xướng. Là người viết kịch bản “Vai diễn đầu đời” để các học viên YUME thể hiện bản thân sau khi hoàn tất khóa học, chính TS. Đào Lê Na cũng không ngờ các bạn trẻ diễn hay và nhập tâm đến vậy. Trong suốt vở diễn báo cáo ấy, nước mắt nhiều người đã rơi, những tràng pháo tay liên tục vang lên và ghế bên dưới chật kín khán giả trẻ. Nhiều người thắc mắc chị đem diễn viên chuyên nghiệp đến biểu diễn phục vụ cộng đồng sao? Lúc ấy Đào Lê Na chỉ cười, chị hiểu rằng bao nỗ lực của bản thân bấy lâu nay đã được đáp đền. Sau vở diễn đầu tiên khiến nhiều người xúc động, “Vai diễn đầu đời” đã được chị và các học viên đưa đi biểu diễn miễn phí tại một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM cùng vài chương trình nghệ thuật.
Cùng với cải lương, Đào Lê Na còn thực hiện nhiều dự án khác hướng đến phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống như khóa học viết kịch bản từ góc nhìn văn hóa dành cho người trẻ hay dự án “Đối thoại với di sản” giúp cộng đồng trẻ quan tâm nhiều hơn đến những công trình ý nghĩa xung quanh mình. Thế nhưng, hoạt động khiến chị thích nhất và dành nhiều tâm huyết nhất chính là YUME Kids. Nhiều người nói sao cứ mãi mơ mộng xa vời nhưng chị và những người bạn đồng hành vẫn quyết định mang nghệ thuật đến với các bệnh nhi ung thư. Nhìn những ánh mắt sáng ngời niềm vui, những nụ cười hạnh phúc của các em nhỏ trong không gian chật hẹp đầy mùi thuốc, chị biết mình đã làm được điều có ích cho cộng đồng. “Tụi mình dạy các bé vẽ tranh, tô màu, đàn hát, tìm hiểu một số nhạc cụ đơn giản. Có nhóm hướng dẫn các bé kể chuyện, diễn kịch. Các bé vui lắm, cười nói rộn ràng như quên mất mình đang mang bệnh trong người. Rồi tụi mình đem tranh của các “họa sĩ nhí” đi bán, gây quỹ cho các bé chữa bệnh. Số tiền không nhiều nhưng mình tin các bé đã có những giây phút đáng quý trong đời và vui với những gì bản thân làm được. Với mình, đưa nghệ thuật vào đây là điều ý nghĩa bởi mình biết sau những tháng ngày đau khổ với bệnh tật, trẻ cần được xoa dịu bằng tình thương và cả nghệ thuật”, TS. Đào Lê Na bày tỏ.
Đào Lê Na vẫn đang ấp ủ nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng. Thay vì hô hào, khẩu hiệu, người phụ nữ yêu văn hóa truyền thống ấy chọn lối đi riêng, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng để đưa người trẻ đến thật gần với những điều tốt đẹp. Chị nói, bản thân chỉ ao ước người trẻ sẽ làm giàu vốn sống bằng văn hóa nghệ thuật truyền thống. Khi có nền kiên cố, việc hòa nhập với thế giới hiện đại sẽ dễ dàng và bền vững hơn./.
Không chỉ được nhiều người biết đến với các dự án đầy sáng tạo về lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, TS. Đào Lê Na còn có nhiều đầu sách và công trình nghiên cứu chất lượng về văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Tháng 3/2018, chị là Trưởng Tiểu ban “Cải biên văn chương điện ảnh như là đối thoại xuyên quốc gia ở châu Á” tại Hội nghị nghiên cứu châu Á thường niên (AAS) - Hội nghị nghiên cứu châu Á lớn nhất thế giới tổ chức ở Washington, Mỹ. Tháng 7/2018 và tháng 12/2019, chị là một trong số 24 học giả trẻ được lựa chọn từ các nước và khu vực: Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á tham gia khóa học nghiên cứu mùa hè và mùa đông tại Nhật Bản. |