Vươn lên thoát nghèo
Hiện cả nước có 9,2 triệu người có công với cách mạng. Tính đến cuối năm ngoái, có 21 tỉnh, thành phố trên cả nước không còn hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công, tăng 13 tỉnh, thành phố so với cuối năm 2018. Các địa phương đang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, phấn đấu giải quyết dứt điểm số hộ nghèo thuộc gia đình người có công trong năm nay. Tuy nhiên, để hơn 8 nghìn hộ nghèo là người có công còn lại trên cả nước thoát nghèo trong vài tháng tới là điều không dễ dàng.
Tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam năm 1979, ông Nguyễn Toàn Thắng, 64 tuổi ở Quảng Ngãi bị mất cả 2 chân, là thương bệnh binh hạng 1/4. Thương tật không làm ông nhụt trí, với tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách, còn đôi tay khỏe mạnh, ông Thắng tìm mọi cách khắc phục khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, vợ chồng ông Thắng chăn nuôi lợn gà, trồng các loại cây ăn quả. Khi kinh tế gia đình khá lên, ông còn giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ: “Tôi vẫn làm vườn chứ. Dù bản thân mình tàn nhưng không phế, nói như lời dạy của Bác Hồ, cố gắng vươn lên, làm cho gia đình mình, cho mình trước đã. Mình vượt qua chính mình, bằng nghị lực vươn lên, trước mắt cho gia đình, sau đó cho xã hội. Tôi cũng thường xuyên giúp đỡ những người dân nghèo khác”. Với nỗ lực của bản thân, gia đình ông Nguyễn Toàn Thắng cũng như nhiều gia đình thương bệnh binh, người có công trên cả nước đang vươn lên thoát nghèo.
Quảng Trị là một trong những địa phương đạt mục tiêu không còn hộ nghèo là người có công. Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị cho biết, ngoài trợ cấp hàng tháng cho gần 21 nghìn người có công và thân nhân, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Đặc biệt, địa phương tập trung hỗ trợ đất sản xuất, vốn vay, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, vấn đề ưu tiên nhất, đó là nhà ở cho đối tượng người có công.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị tập trung tuyên truyền, vận động, xã hội hóa đóng góp xây nhà ở cho người có công. Đến thời điểm này, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công cơ bản được hoàn thành: “Người có công hầu hết đều lớn tuổi. Trong chính sách cho người có công thì có việc hỗ trợ vốn vay, giao đất, dạy nghề, tạo các điều kiện để phát triển kinh tế. Nhưng đối với người có công, có chế có nhưng chưa phải là giải pháp tốt. Nên chúng tôi có chính sách vận động, hỗ trợ cho con hộ người có công quan tâm giao đất, giải quyết việc làm, đặc biệt quan tâm đến học nghề cho con em người có công, hỗ trợ chính sách xuất khẩu lao động, dạy nghề, đào tạo nghề nông thôn”.
Cần sự quyết liệt từ các địa phương
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại cả nước vẫn còn hơn 1% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công so với tổng số hộ nghèo cả nước. Cụ thể, 2 tỉnh có hơn 1.000 hộ người có công còn trong diện hộ nghèo là Nghệ An và Quảng Bình. Ông Hồ Tấn Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến hộ người có công còn nghèo như các đối tượng ốm đau do di chứng chiến tranh, hộ gia đình có đông thành viên đồng bào dân tộc thiểu số, do tập quán của đồng bào nên việc thoát nghèo khó khăn…Bên cạnh đó vẫn có hộ gia đình người có công còn trông chờ vào tiền hỗ trợ từ Nhà nước.
Ông Hồ Tấn Cảnh đề nghị, cần có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung cả nước về cách xác định đối tượng nghèo thuộc gia đình chính sách: “Đối với hộ nghèo thuộc chính sách người có công mà các thành viên trong hộ không còn khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, địa cần hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tại trợ, huy động các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đối với các hộ gia đình còn sức lao động thì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo…”.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi đang được nghiên cứu hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, quy định mới cũng hướng đến việc tăng ngân sách nhà nước để chăm lo cho người có công, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Bên cạnh đó, hỗ trợ thoát nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện như các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo dự án, mô hình, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm đối với các hộ có khả năng lao động.
“Chúng tôi đang xây dựng pháp lệnh ưu đãi người có công và dự kiến vào tháng 8 này sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong Pháp lệnh này sẽ có nhiều điểm mới, trong đó chúng tôi đặt nhiệm vụ là phải nâng mức sống, đời sống của người có công với cách mạng lên bằng hoặc cao hơn mức sống dân cư nơi người có công đang sinh sống. Trong đó chúng tôi sẽ chú trọng gia đình hộ nghèo có thành viên là người có công, việc này phải mang tính bền vững, lâu dài và tập trung sửa pháp lệnh theo hướng khắc phục những điểm hạn chế”, ông Lê Tấn Dũng cho hay.
Thời gian từ nay tới cuối năm còn rất ngắn, để đạt được mục tiêu không còn hộ nghèo là người có công vẫn còn nhiều việc phải làm, do đó rất cần sự quyết liệt, sáng tạo hơn nữa của các địa phương, theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước để không còn người có công nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước cùng với đó là sự chung tay của cả cộng đồng xã hội./.