Cô giáo đất Mũi dạy văn bằng vọng cổ

Mang lời ca vọng cổ vào tiết học Ngữ văn, cô giáo Huỳnh Sơn Ca, trường THPT Võ Thị Hồng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã sáng tạo phương pháp giảng dạy độc đáo.

 

Phương pháp giảng dạy mới mẻ này giúp học trò cảm thụ tốt văn học và tiến bộ nhanh chóng từng ngày.

Đưa cải lương vào tiết học

Sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật ở xã vùng sâu Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, từ bé Huỳnh Sơn Ca thường được nghe ba là nhạc công Lục huyền cầm hát cũng như dạy cô rất nhiều bài ca cổ, tuồng cải lương. Nhờ vậy, cô sớm bộc lộ năng khiếu và có cảm hứng với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ở tuổi lên 5, cô đã biết ca cổ. Đến khi ngồi trên giảng đường, năng khiếu này càng được phát huy hơn. Cô đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi "Tiếng hát Đại học Cần Thơ", giải B và C về đơn ca tài tử liên tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Sau khi tốt nghiệp Đại học khoa Sư phạm, Huỳnh Sơn Ca trở thành giáo viên đứng lớp tại một trường cấp 3 ở huyện Trần Văn Thời.

Mặc chiếc áo dài truyền thống, đứng trên bục giảng, cô giáo Sơn Ca vào bài giảng một cách nhẹ nhàng với chất giọng truyền cảm. Hình ảnh cô bắt nhịp rồi cất giọng ca đoạn trích "Hoạn Thư bắt Thúy Kiều" trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, thay vì đọc theo cách truyền thống, đã làm nhiều em học sinh vô cùng yêu thích. Em Nguyễn Thị Tuyết Lan, học sinh trường THPT Võ Thị Hồng, chia sẻ: “Cách dạy văn kết hợp với hát cải lương của cô Sơn Ca giúp em và các bạn thấy hứng thú khi tiếp cận kiến thức mới. Cải lương là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, nếu phương pháp mới này được áp dụng rộng rãi sẽ góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta”.

Cô giáo trẻ Huỳnh Sơn Ca đưa nghệ thuật cải lương vào tiết học Ngữ văn.

Mỗi lần cô Huỳnh Sơn Ca cất cao giọng hát ngọt ngào trên lớp, ở phía dưới, các em chăm chú dõi theo bằng ánh mắt say sưa, thích thú. Nhiều em còn mang tập ra chép lại, số khác khẽ hát theo lời ca của cô như một thói quen. Sau vài tiết học được lồng ghép ca cải lương, nhiều em đã tìm các bài tân nhạc liên quan rồi tập tành hát theo. Tới lớp, các em xin cô giáo lên thể hiện cho các bạn nghe và xem đó là một cách học hay, dễ nhớ bài.

Cô Huỳnh Sơn Ca chia sẻ: “Tôi đứng lớp được 7 năm rồi, tôi hiểu các em nếu chỉ nghe giảng thôi thì dễ nhàm chán. Nhìn các em ngủ gật, mệt mỏi trong tiết học, tôi xót không chịu được nên nghĩ ra nhiều phương pháp để áp dụng vào tiết học. Và phương pháp đưa vọng cổ cải lương vào phân tích truyện đạt hiệu quả cao. Điển hình như Truyện Kiều có phần Hoạn Thư ghen với Thúy Kiều thì các em tò mò không biết Hoạn Thư ghen như thế nào? Thay vì phân tích, giảng dạy, tôi vận dụng những tác phẩm của cải lương để hát cho các em nghe. Các em tập trung nghe nên rất nhớ các chi tiết và kể lại đúng trình tự. Về nhà, các em còn dành thời gian để đọc hết tác phẩm. Từ đó, tôi phát huy cách dạy này. Tuy nhiên, không phải ở lớp nào mình cũng áp dụng như thế”.

Thoạt đầu, cô giáo Sơn Ca thử nghiệm bằng những câu ca dao, tục ngữ gần gũi với đời thường. Thay vì đọc "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", thì cô ngân nga theo điệu cổ bản. Em Dương Thị Vân Anh - học sinh lớp 10C1 bày tỏ: “Là học sinh chuyên khối khoa học tự nhiên nhưng đối với môn Ngữ văn của cô Sơn Ca giảng dạy, em cảm thấy vô cùng hứng thú với lời giảng cũng như phương pháp dạy đầy mới mẻ của cô. Cách dạy của cô giúp em dễ dàng nhớ bài và tiếp thu bài học hơn, nhất là không còn thấy nhàm chán. Từ giọng nói cho đến cách cô truyền đạt rất thu hút. Cô còn hay kể cho chúng em nghe nhiều bài thơ mới, tác phẩm mới và những bài bình luận văn học hay”.

Cô Huỳnh Sơn Ca (ôm hoa) cùng hcoj sinh trường THPT Võ Thị Hồng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tiếp thêm động lực cho trò

Lợi thế về năng khiếu ca hát, kể chuyện cùng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề giáo nên cô luôn không ngừng sáng tạo, thay đổi phương pháp giảng dạy để giúp học sinh yêu môn Văn hơn qua từng buổi học. Cô Huỳnh Sơn Ca cho hay: “Ngoài phương pháp đưa vọng cổ cải lương vào tiết học Văn, tôi còn vận dụng thêm một phương pháp nữa, đó là khuyến khích các em xem bài trước ở nhà rồi chi tiết nào các em thích nhất thì vẽ nó ra thành bức tranh để hôm sau mang lên cho lớp xem. Hoặc trong bài có câu thơ nào, chi tiết nào mà các em tâm đắc thì các em liên tưởng nó giống với câu hát trong bài hát nào và có thể hát cho lớp nghe. Nhiều em không có năng khiếu về vẽ tranh thì thuyết trình trước lớp. Nhờ vậy mà tiết học môn Ngữ văn luôn rất sôi nổi.

Cô Sơn Ca còn cho học sinh xem video hoặc những tư liệu liên quan đến bài học, kể giai thoại về tác giả một cách sinh động. Bởi theo cô, giáo viên đứng lớp cũng là một nghệ sĩ. Bục giảng chính là sân khấu để người nghệ sĩ ấy dành trọn tâm huyết của mình, cống hiến một cách hăng say. Hơn ai hết, mỗi thầy cô giáo đều là những kỹ sư tâm hồn, xây dựng cho biết bao thế hệ học sinh từng bài giảng phong phú trên lớp cho đến những kỹ năng sống thiết thực.

Ông NGuyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cô giáo Huỳnh Sơn Ca.

Ở mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, điều kiện đến lớp của nhiều em học sinh còn không ít khó khăn, trở ngại. Thế nhưng cô Sơn Ca luôn động viên các em thông qua từng buổi học. Cô bồi hồi nhớ lại câu chuyện của chính mình hơn chục năm về trước. Ngày ấy trong xóm, bạn bè cùng trang lứa chỉ có vài người. Mỗi buổi đến trường, cô cùng các bạn phải đi bằng vỏ lãi - một phương tiện rất quen thuộc với người dân vùng sông nước. Hằng ngày, các phụ huynh phải thay nhau mua xăng dầu để chở con em đến trường. Khó khăn chồng chất khó khăn, cho đến khi cô lên cấp ba thì trong xóm không còn bạn bè cùng trang lứa đi học. Thoáng buồn nhưng cô giáo trẻ khi ấy vẫn quyết tâm đến cùng trên hành trình chinh phục con chữ.

Ngày ngày đến trường, cô phải đi bộ trên con đường đê bùn lầy, đôi chân trần bé nhỏ không ít lần trầy xước vì đất đá nhấp nhô, chiếc áo dài trắng tinh khôi có hôm bất cẩn một chút là nhuốm màu bùn đất. Tất cả như một bầu trời kỷ niệm không thể nào quên mà mỗi khi có dịp cô lại chia sẻ một cách nhẹ nhàng với học sinh thân yêu của mình. Phần nào để các em hiểu được thế hệ cô khó khăn như thế nào mới có được quả ngọt như hôm nay, mặt khác tiếp thêm động lực để các em cố gắng học tốt. Em Đỗ Thị Huỳnh Như - một cựu học sinh của trường phấn khích chia sẻ: “Sau khi xem clip của cô Sơn Ca trên nhiều diễn đàn, các trang mạng xã hội trong thời gian qua, em thấy rất bất ngờ và thích thú. Đây là phương pháp dạy mới và rất hay, giúp học sinh dễ hiểu bài và hiểu sâu hơn, có hứng thú tìm tòi về tác phẩm hơn thay vì cách dạy thông thường. Đặc biệt là với môn Ngữ văn, nếu giáo viên không truyền đạt một cách thu hút thì học sinh dễ mất hứng thú.

Ông Phan Văn Lil, Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Hồng cho biết: “Nhà trường khuyến khích các thầy, cô giáo sáng tạo phương pháp giảng dạy, giúp học sinh dễ tiếp cận nhất với kiến thức, để các em không bị áp lực, không cảm thấy các buổi học khô cứng. Tại trường, mỗi giáo viên đều có phương pháp dạy học khác nhau, nhưng áp dụng hát cải lương khi dạy như cô Sơn Ca là một phương pháp rất đặc biệt”.

Bằng tình yêu cháy bỏng với sự nghiệp trồng người, cô giáo trẻ Huỳnh Sơn Ca với cách giảng dạy sáng tạo và phù hợp cho từng học sinh đã luôn nhận được tình yêu mến của đồng nghiệp cũng như nhiều thế hệ học sinh thân yêu dưới mái trường THPT Võ Thị Hồng./.

 

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đã biểu dương cô giáo Huỳnh Sơn Ca, đồng thời ông mong muốn các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều cách làm sáng tạo, ý nghĩa và hiệu quả. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã tặng bằng khen cho cô Huỳnh Sơn Ca bởi tinh thần sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận