Đừng khóc một mình. Bài 3: Xâm hại tình dục trẻ em - Những khoảng tối ghê sợ

Những thống kê mới nhất cho thấy, số trẻ em bị xâm hại tình dục có dấu hiệu tăng trong những năm gần đây và đáng lo ngại hơn, rất nhiều vụ việc không thể đưa kẻ

 

Vẫn còn những khoảng trống đằng sau các vụ việc đau xót này và một câu hỏi khó vẫn đặt ra: Vì sao một đứa trẻ ở nước ta có đến 17 cơ quan bảo vệ quyền lợi, thế nhưng, khi đứa trẻ đó bị xâm hại, rất có thể sẽ không trừng trị được kẻ gây ra tội ác? Dư luận phẫn nộ khi những kẻ ấu dâm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật còn nạn nhân đối mặt với những tổn thương hàng ngày, hàng giờ.

Điểm chung lớn nhất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em là thiếu bằng chứng. Đa phần cha mẹ thường trình báo công an hoặc ngành chức năng sau 3 - 4 ngày hoặc chậm hơn sau khi sự việc xảy ra nên giám định pháp y hầu như không có kết quả. Các vụ việc cũng ít khi có nhân chứng do thủ phạm đã có tính toán trước. Chỉ những trường hợp có camera ghi lại hình ảnh thì may mắn thành công.

Thượng tá Ngô Văn Đáp - Đội trưởng Đội Nghiệp vụ cơ bản phòng cảnh sát hình sự công an thành phố Hà Nội phân tích: “Những cháu bị xâm hại, thông thường thời gian tố cáo là cái quyết định. Có nhiều cháu chủ động trình báo những việc nhưng có những việc để kéo dài mới đến trình báo thì đây sẽ là khó khăn rất lớn, quá trình thu thập của cơ quan điều tra sẽ bị gián đoạn hoặc mất đi những cơ hội tốt ở trong quá trình mình thu thập chứng cứ”.

Thiếu chứng cứ cộng thêm việc đối tượng gây án luôn có những chiêu trò để đối phó với cơ quan chức năng cũng khiến việc điều tra gặp khó khăn. Ví dụ như khai báo nhỏ giọt, giả vờ ốm, “chạy” giấy ốm đau; thậm chí còn giở chiêu khẳng định bản thân "không có khả năng tình dục".

Trong hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em của chúng ta hiện đang tồn tại những khoảng trống, bất cập không nhỏ. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, chưa quy định rõ như thế nào là hành vi xâm hại tình dục, dâm ô, khiêu dâm gây khó khăn trong việc định tội danh.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng phòng thực hành công tố, Viện KSND tỉnh Hà Nam chỉ ra rằng: “Ở một số khái niệm hiện nay là đối với tội phạm mà xâm phạm tình dục trẻ em thì tập trung vào 5 điều luật, trong đó có điều là và hiếp dâm cưỡng dâm. Một số điều luật khác, ví dụ như là quan hệ tình dục với người từ đủ 13 - 16 tuổi, quan hệ tình dục trẻ em thì hiện nay có một số khái niệm là chưa được giải thích rõ ràng, dẫn đến là trong thực tiễn cũng có phần rất lúng túng. Ví dụ: thế nào là quan hệ tình dục Tkhác, hành vi đấy thì cũng cần phải có sự hướng dẫn giải thích chính thống của cơ quan có thẩm quyền theo Luật ban hành văn bản”.

Ngoài ra, Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y về xâm phạm tình dục cũng là trở ngại trong quá trình tìm chứng cứ. Kết quả trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục chậm dẫn đến ảnh hưởng lớn đến việc chứng minh đối tượng có hành vi xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, không thể không nói tới việc một bộ phận không nhỏ cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật vô cảm với nỗi đau của con trẻ, thậm chí đóng vai trò trung gian “hòa giải”. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM và Trung tá Khổng Ngọc Oanh, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cùng nêu thực tế: “Vì sao nhiều vụ việc xâm hại trẻ em không được đưa ra ánh sáng. Vấn đề liên quan đến Công an, giám định vẫn chưa thực sự hợp tác trong các vụ việc bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân…”, “Khó khăn trong công tác điều tra về xâm hại trẻ em, nhận thức của cán bộ công an, cơ quan thực thi pháp luật, chưa có trách nhiệm, nhiều đồng chí công an phường xã, khuyến khích người dân thương lượng với đối tượng”.

Phát hiện, tố cáo XHTD đã khó nhưng khi những kẻ thủ ác lại ẩn nấp trong môi trường giáo dục thì khó khăn đội lên bội phần. Học đường được mặc định như “thánh địa” của sự tôn nghiêm, nơi mà học sinh được giáo dục sự tuân thủ, vâng lời, nơi mà xã hội đặt niềm tin tuyệt đối. Chính điều này đã khiến những “con sâu” đội lốt người thầy có đất để thực hiện những hành vi đồi bại với học trò. Nhưng điều đáng nói là không ít nhà giáo đang bộc lộ sự thiếu trách nhiệm, vô cảm thậm chí gian dối, bao che cho những hành vi sai trái của đồng nghiệp. Và sau mỗi vụ việc xâm hại tình dục trong học đường xảy ra, thay vì sự thừa nhận trách nhiệm, chỉ ra những lỗ hổng để có những giải pháp hữu hiệu kiểm soát loại tội phạm này thì người ta lại chỉ thấy sự loay hoay, lúng túng của hệ thống giáo dục.

Mấy năm nay, công tác tư vấn tâm lý học đường dù đã được qua tâm thế nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn như muối bỏ bể và vẫn còn nặng bệnh hình thức. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA phân tích: “Nhiều trường đã có tư vấn tâm lý học đường nhưng đã phát huy sức mạnh hay chưa? Đã có các chương trình để các em thực sự hiểu các biện pháp để tự bảo vệ chưa? Trong các trường, các thầy cô đã hiểu rằng đây là chuyện cần đặt ra với quy chuẩn các nhà giáo. Nếu xảy ra xâm hại tại trường thì là một tập thể các em chứ không phải là một em đâu”.

Từ thực tế cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích, quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, nhiều địa phương chiếm trên dưới 90%. Chính vì đặc điểm này dẫn đến việc nhiều gia đình nạn nhân đã chọn cách giấu kín hoặc thỏa hiệp nhanh chóng, tránh tổn thương và sang chấn tâm lý kéo dài cho nạn nhân. Đây là một trong những lý do khiến không ít vụ việc “chìm xuồng”.

Chúng ta vừa đi qua Tháng Hành động vì trẻ em, thế nhưng, điều đau lòng là đây lại là tháng mà số vụ xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện trên các phương tiện truyền thông dày đặc. Gần đây nhất, Công an quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can Dương Thế Hưng (65 tuổi, trú tại chung cư 25 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), điều tra hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Hay tại Kiên Giang cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh.

Mỗi vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chúng ta lại tự hỏi làm gì để bảo vệ con trẻ, nhất là trong bối cảnh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tinh vi trong khi đó còn rất nhiều khoảng trống pháp lý, những kẽ hở trong đời sống xã hội. Cần làm gì để lấp đầy những khoảng trống ghê sợ vừa nêu và tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, mang lại một môi trường sống an toàn thực sự cho trẻ em?.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận