“Đại ngàn House” giữa lòng phố
Ngôi nhà ở đường Hải Triều, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được nhà sưu tập Võ Minh Luân xây dựng dành riêng cho việc trưng bày các hiện vật. Mỗi chi tiết kiến trúc của ngôi nhà, từ lan can, bậu cửa được anh thiết kế, lựa chọn tỉ mỉ và tìm kiếm vật liệu phù hợp.
Bên trong ngôi nhà, trên diện tích khoảng 500m2, bộ sưu tập “Tây Nguyên trên gốm” được anh sắp xếp theo từng tầng với niên đại và nguồn gốc khác nhau, đặt tên là “Đại ngàn House”. Anh Võ Minh Luân cho biết, mỗi hiện vật đến với anh như một cơ duyên, có những hiện vật anh phải lùng tìm rất lâu mới có được nhưng cũng có những hiện vật anh được các nhà sưu tập lớn tặng lại. Đây là bộ sưu tập mà anh đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm trong hơn 3 năm qua. Với anh, mỗi hiện vật, nhất là đồ gốm không chỉ mang vẻ đẹp riêng biệt mà ẩn giấu bên trong câu chuyện về cuộc sống, văn hóa, tập tục của từng tộc người, được nghệ nhân làm gốm xưa khắc họa lên sản phẩm. Nhờ tìm hiểu về gốm mà anh biết thêm nhiều điều về lịch sử.
Hơn 10 nghìn hiện vật, từ các dòng gốm thời Đông Sơn, Lý, Trần, Lê, hàng trăm chiếc ché cổ thuộc các dòng Biên Hòa, Lái Thiêu, Châu Ổ, Quảng Đức, Gò Sành và nhiều hiện vật hình dáng, hoa văn hoặc công năng liên quan đến Tây Nguyên. Nhiều lễ hội của Tây Nguyên được thể hiện trên gốm, như lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, săn bắt thú, đàn T’rưng hay lễ hội săn voi. Đây là những dòng gốm rất quý giá ở Việt Nam, thậm chí hiện nay không còn tìm thấy nữa.
Theo anh Luân, trong các dòng mà anh sưu tầm thì gốm Thành Lễ là dòng quan dụng - dành cho quan lại, vua chúa ngày xưa, rất khó tìm. Bản thân anh sưu tầm từ năm 2017 nhưng đến nay cũng chỉ được vài cái, trong đó có những hiện vật chỉ có được một cái, không tìm ra cái thứ 2. Phần lớn các sản phẩm trước kia được nghệ nhân làm thủ công, thậm chí, có những sản phẩm làm tùy hứng nên chỉ có độc bản, nếu không biết trân trọng, giữ gìn thì sớm muộn những hiện vật ấy sẽ mất đi mãi mãi. Chỉ tay lên cặp chóe có tai hình chiếc lá, anh Luân cho hay: "Đây là 2 chiếc chóe Thành Lễ mang chủ đề hoa sen, hiện thế giới có 3 cái, 2 cái ở đây, 1 cái ở dinh Bảo Đại Đà Lạt".
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk từng đến thăm “Đại ngàn House” phải ngạc nhiên thốt lên: “Thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy bộ sưu tập này. Đây là bộ sưu tập rất độc đáo, bản sắc, rất đáng trân trọng, hiếm có trong các bạn trẻ ở Việt Nam”. Ông Đặng Gia Duẩn cho rằng, bộ sưu tập “Tây Nguyên trên gốm” là một “bảo tàng thu nhỏ về về văn hóa Tây Nguyên” độc nhất từ trước tới nay ở Đắk Lắk. Có những hiện vật trong bộ sưu tập mà ngay cả ở các bảo tàng lớn cũng không có. Ông Đặng Gia Duẩn cũng cho biết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã gặp gỡ, trao đổi và động viên anh Võ Minh Luân phát triển nơi đây trở thành một điểm đến về du lịch có thể khai trương vào dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2021. Đồng thời, biến nơi đây trở thành một trong những điểm đến của du khách khi đến với lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột cũng như thời gian sau đó nữa. “Sở muốn nâng tầm điểm du lịch trở thành một bảo tàng tư nhân để mang tính chuyên nghiệp hơn, sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, trưng bày, thuyết minh… để phát triển bộ sưu tập, để bộ sưu tập đến với công chúng nhiều hơn”, ông Duẩn cho hay.
Duyên nợ với gốm
Kể về cơ duyên với việc sưu tập, anh Võ Minh Luân cho biết, ban đầu anh tìm hiểu về gốm vì muốn tìm các sản phẩm trang trí trong nhà. Lúc đó, vợ chồng anh rủ nhau đi dạo bờ kênh Sài Gòn, nơi bán nhiều đồ cổ để mua một số hiện vật về trưng. Rồi anh mê mẩn các cổ vật và bắt đầu tìm hiểu, sưu tầm. Đến năm 2017, khi được tham gia buổi giao lưu gốm Nam bộ tại Bình Dương, anh Luân được chiêm ngưỡng cặp chân đèn gốm Biên Hòa có hoa văn mô tả cuộc sống của người Tây Nguyên xưa như phụ nữ giã gạo, nhà dài, uống rượu cần. Qua tìm hiểu, anh biết, đây là dòng gốm Biên Hòa, dòng gốm duy nhất có hoa văn thể hiện chủ đề này. Càng tìm hiểu anh càng thấy nhiều điều thú vị, những tác phẩm gốm khiến anh say mê, đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử hình thành đến khả năng lưu truyền. Anh nuôi dưỡng niềm đam mê bằng nhiều cách, lên mạng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những nhà sưu tập có tâm có tầm.
Từ chỗ chỉ sưu tầm dàn trải cho vui, thấy hay hay là đem về, đến nay, được sự ủng hộ của gia đình, nhất là từ vợ, anh đã có nhiều bộ sưu tập khác nhau, cùng với bộ “Tây Nguyên trên gốm” được anh lưu giữ tại vùng đất Tây Nguyên, anh còn một bộ sưu tập lớn về văn hóa Sài Gòn đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Luân còn là hội viên Câu lạc bộ nghiên cứu sưu tầm cổ vật, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam và là ủy viên ban chấp hành Hội Nghiên cứu sưu tầm cổ vật tỉnh An Giang. Chỉ cần nghe ở đâu có gốm xưa độc đáo, bận mấy anh cũng gác mọi việc để sống với niềm đam mê sưu tầm.
Với “Tây Nguyên trên gốm”, hàng nghìn hiện vật được anh bố trí khoa học theo từng mạch câu chuyện, không bày biện phô trương. Mỗi hiện vật là một câu chuyện riêng về văn hóa, lịch sử hình thành hoặc cơ duyên khi nó hiện hữu tại nơi đây. Như bình gốm về “sự tích săn bắt thú rừng” có xuất xứ từ Bình Dương/Biên Hoà, niên đại thuộc thập niên 1980 - thế kỷ XX. Qua những hình ảnh trên bình gốm, người xem có thể hình dung ra cuộc sống cũng như cảnh săn bắt của người dân ở Tây Nguyên lúc bấy giờ.
Đặc biệt, chiếc đĩa gốm chủ đề Tây Nguyên của trường mỹ thuật Biên Hòa được anh đặt cẩn thận trong tủ kính là hiện vật anh yêu thích nhất trong bộ sưu tập. Anh Luân bảo: Đây là linh hồn của bộ sưu tập, để có được đĩa là một câu chuyện dài. Anh may mắn được nhà sưu tập Phạm Hải Long tặng. Khi nhìn vào chiếc đĩa này, nhạc sĩ Mạnh Trí (sinh sống ở Đắk Lắk, chuyên sáng tác các bài hát về Tây Nguyên) đã thốt lên: "Nhìn vào đó như nghe được tiếng cồng chiêng vang vọng đâu đây".
Mong có một “Ngôi nhà của Chóe” trên Tây Nguyên
Anh Luân bộc bạch, đi nhiều, tìm hiểu nhiều, anh càng phát hiện ra nhiều điều thú vị từ những hiện vật mà mình có được. Bên cạnh đó, anh cũng trăn trở nhiều điều, nhất là nạn chảy máu cổ vật và sự mai một của nhiều hiện vật văn hóa trong đời sống đương đại. Nếu không biết trân trọng, giữ gìn, những hiện vật đang hiện hữu sớm muộn cũng sẽ bị mất đi.
Anh đang ấp ủ xây dựng “Đại ngàn House” trở thành một bảo tàng về văn hóa Tây Nguyên, một “Ngôi nhà của chóe” để lưu giữ những hiện vật về Tây Nguyên được trọn vẹn hơn.
“Mình mong muốn sưu tầm được hết các loại chóe của Việt Nam và để lại trên vùng đất Tây Nguyên để nó còn mãi cho con cháu mình và những người trên vùng đất này biết tới. Mình muốn biến nơi đây thành không gian nghệ thuật Tây Nguyên, thành một ngôi nhà chóe cổ để cả thế giới biết văn hóa Tây Nguyên đặc sắc và đa dạng như vậy”.
Nhà sưu tập Võ Minh Luân
|
Yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, nhà sưu tập Võ Minh Luân yêu tất cả mọi thứ về Tây Nguyên. Từ thú vui với gốm, anh đến với tranh, sách, ảnh có chủ đề Tây Nguyên xưa và nay. Trong “Đại ngàn House” hiện có nhiều bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk từng đoạt giải cao ở khu vực, quốc gia và tham dự các triển lãm tranh quốc tế. Nhiều tác phẩm trong số ấy được chính tác giả tặng lại cho anh với hy vọng tác phẩm sẽ được lưu giữ mãi mãi trên mảnh đất Tây Nguyên./.