Hơn 10 năm nay, tại xã Giang Ly, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa hình thành một khu du lịch sinh thái mang tên Mà Giá. Chủ nhân khu du lịch này là già làng Mà Giá A, dân tộc T’rin. Mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số, già làng Mà Giá A âm thầm giữ rừng, giữ nước để làm nên một khu du lịch hoang sơ cuốn hút giữa đại ngàn.
Những âm thanh của đàn đá, loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc T’rin được già làng Mà Giá A đưa vào khu du lịch để phục vụ du khách. Ông Mà Giá A mà bà con thường gọi là Mà Giá năm nay ngoài 80 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, nhiều năm làm Chủ tịch UBND xã Giang Ly, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi về hưu, nhà có 12 người, việc kiếm cái ăn đủ cho cả gia đình rất vất vả. Ông Mà Giá kể, trước đây, khi còn làm công tác ở xã, đồng bào dân tộc ở địa phương mới biết trồng lúa nước nhưng năm nào các cánh đồng cũng đối mặt với khô hạn. Nhà đông con nên gia đình chọn chỗ khó hơn ở phía thượng nguồn suối Lách để khai hoang nhường các vạt đất bằng ven sông, suối cho bà con trong làng. Thiếu nước khiến nhiều người không còn mặn mà với cây lúa. Một lần bạn bè từ dưới tỉnh lên thăm ông, thấy nơi đây nhiều cây cối, suối len lỏi, róc rách đã khuyên ông làm du lịch.
Từng tham gia kháng chiến, rồi giữ cương vị lãnh đạo một xã miền núi nhưng làm du lịch đối với ông thật lạ lẫm. Nhiều đêm không ngủ, ông nhận ra: À... du lịch tức là nghỉ mát. Nay, già làng Mà Giá hài lòng về thành quả lao động của mình. Cây rừng xanh tốt, nước suối chảy quanh năm không chỉ giúp ông có chỗ nghỉ mát mà còn giữ nguồn nước cho dân làng.
“Nhà nước lo nửa phần thì nhân dân cũng làm. Làm để xóa đói, giảm nghèo. Cây cối được mình nuôi, chăm sóc, bảo vệ và mình cấm không cho họ phá. Môi trường sạch sẽ, người dân ăn và làm lúa nước cũng từ dòng suối này”, ông Mà Giá kể.
Không có kinh nghiệm, không có tiền... nhưng đã quyết là làm. Mấy cha con ông vác rựa, đưa gạo lên rẫy quyết làm du lịch. Đầu tiên là khơi thông dòng suối, nắn dòng bằng cách sắp xếp lại những hòn đá lớn. Những thân cây bị lũ cuốn mắc lại bên suối được nâng lên tạo thành những cây cầu độc đáo. Ông men theo những dòng suối, xếp đá thành những điểm bằng phẳng để cho khách dừng chân. Những cây gỗ nhỏ, lá cây rừng được thu về để dựng thành những chòi có sàn gỗ, mái lá đặt bên bờ suối phục vụ du khách nghỉ ngơi, vui chơi.
Từ 4-5 chòi ban đầu, nay khu nghỉ mát đã có gần 40 chòi ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, rộng 3ha. Sau 15 năm duy trì hoạt động, những công trình phụ trợ tiếp tục mọc lên hoàn chỉnh... đáp ứng phục vụ du khách xa gần, nhất là dịp lễ, Tết. Một du khách ở tỉnh Ninh Thuận vượt cả trăm cây số đến đây vui chơi, cảm nhận: “Tôi nghe mọi người mách, và tìm đến đây thì thấy được sự dân dã. Mùa hè nóng nực nhưng lên đây, tôi cảm thấy không gian, nước suối từ trên rừng chảy xuống rất mát mẻ. Đặc biệt, ở đây còn nhiều cây to mà vẫn được giữ gìn rất kỹ, nguyên sinh”.
Nhớ lại những ngày đầu, Mà Giá không thu tiền của du khách. Khách thích thì ủng hộ gia chủ ché rượu cần hay con gà nhà nuôi được, không có cũng chẳng sao. Đến nay lượng khách quá đông, để đảm bảo chất lượng phục vụ, khu nghỉ mát, tiến hành thu vé. Từ số tiền vé thu được, ngoài trả lương cho 5 nhân viên là người dân tộc T’rin, Raglay ở trong làng, số còn lại được dùng để chăm sóc cây cối, dựng thêm lều sạp, xây thêm các công trình phụ trợ...
Hà Ben, nhân viên khu du lịch Mà Giá cho biết: “Trước đi làm thuê, mùa mưa thì trồng keo, trồng cây gì cũng được nhưng qua mùa nắng cũng phải bỏ, phải nghỉ. Nhưng ở đây, chỗ làm cũng được, một ngày phải đi tuần tra 3- 4 lần. Phải căn dặn khách đừng có chặt cây để có bóng mát, có thiên nhiên. Chỗ lán trại có bếp, cứ đốt theo bếp mình để đó. Mình phải dọn vệ sinh, phân chia lại rác”.
Từ một khu rừng vắng đến nay suối Lách đã là khu nghỉ mát được nhiều người biết đến. Tận dụng sự hấp dẫn của điểm du lịch sinh thái, già làng Mà Giá giới thiệu thêm các sản vật như mật ong, gà đồi, các loại trái cây của địa phương… Nhiều nhà đầu tư đã đến ngỏ ý muốn sang nhượng lại khu nghỉ mát với giá cao nhưng Mà Giá không đồng ý. Với ông làm du lịch không chỉ vì kinh tế mà còn để giữ nước, giữ rừng cho bà con. Bà Ka Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, già làng Mà Giá là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở địa phương làm du lịch sinh thái. Việc làm của ông giúp đồng bào thấy được lợi ích thiết thực của việc giữ rừng: “Cái gì thực tế, bà con người ta mới làm được. Thông qua đó, bà con cũng thấy được giữ nước, giữ rừng rất quan trọng. Bà con rất tự hào về chú Mà Giá, người đầu tiên biết làm du lịch. Có sự lan tỏa đến với tất cả những người bà con đồng bào dân tộc thiểu số khác. Chú là gương điển hình nhất, người ta có thể làm theo chú để mở rộng các mô hình khác”./.
Thái Bình/VOV-miền Trung