Cái nhìn của người trong cuộc
Các luận điệu phản động của thế lực thù địch, phần tử cơ hội ở trong và ngoài nước chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước nay vẫn thường xuyên xuất hiện. Những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển của internet và công nghệ 4.0, mức độ chống phá này càng tăng lên dữ dội. Bất kể thông tin, vụ việc nào, chúng đều có thể xuyên tạc, bóp méo, nhưng trọng tâm là chúng nhằm vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, định hướng vĩ mô về đối ngoại và tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Những điều tốt đẹp mà Đảng, Chính phủ đã và đang thực hiện trong suốt thời gian qua như công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước; các chính sách an sinh, tôn giáo đều hướng tới mục tiêu tốt đẹp nhất - đó là vì dân tộc, con người, đất nước Việt Nam hạnh phúc, phát triển - cũng bị chúng xuyên tạc.
Nhà báo Thanh Trường - một trong những người chủ biên, sản xuất chương trình “Nhìn thẳng nói đúng” của Ban Thời sự VOV1 (Đài TNVN) đơn cử: “Cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ khi thành lập Đảng. Đến Đại hội Đảng lần thứ 12 này, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công cuộc này đã đạt được những kết quả quan trọng. Xuyên suốt từ Đại hội 12 của Đảng đến nay, Đảng đã kỷ luật nhiều đồng chí bị suy thoái biến chất, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, những người trong hàng ngũ quân đội, công an, Bí thư Tỉnh ủy, bộ trưởng... Điều này khẳng định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta là toàn diện, bao trùm, chứ không phải là đấu tranh nội bộ, phe cánh. Thế nhưng những thế lực thù địch, phần tử cơ hội vẫn xuyên tạc rằng: Công tác chống tham nhũng có vùng cấm, đánh từ cổ trở xuống và có phe nhóm”.
Là người có kinh nghiệm viết về đề tài chống các luận điệu sai trái của thế lực thù địch, PGS.TS, nhà báo Đức Dũng (Truyền hình Nhân Dân, Báo Nhân Dân) nhận xét: Ngay trong đại dịch Covid-19, mặc dù Việt Nam đã phòng chống dịch rất tốt, được cả thế giới công nhận, nhưng các thế lực thù địch vẫn phản tuyên truyền, xuyên tạc. Chúng rêu rao rằng: Việt Nam giấu giếm, không công bố sự thật về số lượng người nhiễm, người chết vì dịch bệnh; chính quyền địa phương, công an bóp nghẹt tự do thông tin... Chúng đánh rất mạnh vào cán bộ, đảng viên để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm chống phá cách mạng nước ta...
Trước tình hình đó, những cơ quan báo chí hàng đầu của ta đã vào cuộc chiến đấu chống diễn biến hòa bình, phản bác các luận điệu phản động rất quyết liệt như: Báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân, tạp chí Quốc phòng toàn dân, Đài THVN, Đài TNVN, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam v.v....
Tuy nhiên, nhiều nhà báo có chung nhận định: Viết về đề tài chống lại các luận điệu phản động không phải chuyện dễ dàng. Cần rất nhiều sự nhạy cảm chính trị, hiểu biết về pháp lý, có hệ thống lập luận, lý lẽ chắc chắn và sắc bén của người viết. Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập và thính giả cho biết: “Một trong những cái khó khi viết về đề tài này là chúng ta phải đọc những bài viết phản động mà nhiều khi những bài viết đó là của đồng nghiệp - những người từng là nhà báo lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng giờ họ có quan điểm khác. Chiến đấu với kẻ thù bên ngoài đã khó, nhưng đây là chiến đấu với đồng nghiệp cũ thì càng khó hơn. Và liệu chúng ta có đủ lý luận, trình độ, bút lực, sự tỉnh táo để chiến đấu lại những quan điểm sai trái của họ, vượt qua lý lẽ của họ không hay lại bị tự diễn biến, tự chuyển hóa trong chính tư tưởng của mình bởi lý luận của họ cũng rất tinh xảo, thậm chí là xảo quyệt. Đó là điều khó nhất đối với nhà báo viết về mảng này, nhất là nhà báo trẻ”.
“Tôi cho rằng: để cuộc chiến đấu chống lại những luận điệu xuyên tạc có hiệu quả hơn, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam nên tập hợp những nhà báo, những cây bút có kinh nghiệm, chuyên viết bài chống diễn biến hòa bình thành một đội ngũ và thường xuyên có sự phối hợp liên ngành (Báo chí, Công an, Quân đội…), qua đó chỉ ra những phương thức, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, những tổ chức phản động và cung cấp các cứ liệu để các nhà báo có thể khai thác tối đa, kịp thời đập tan luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch”.
PGS.TS, Nhà báo Đức Dũng, Truyền hình Nhân Dân, Báo Nhân Dân.
|
Giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh
Ở một góc nhìn khác, nhà báo Đức Dũng cho rằng: Viết về đề tài chống lại các luận điệu phản động rất khó, bởi người xem, người đọc không chỉ ở trong nước mà còn là các thế lực phản động, chống phá. Chúng sẽ tìm mọi chi tiết, sơ hở, ý tứ của mình để phản bác. Vì thế, những cứ liệu thực tế được sử dụng trong những bài viết về đề tài này rất quan trọng.
Nhà báo Thanh Trường cho rằng, những luận điệu xuyên tạc hiện nay không đơn giản như xưa. Trước đây, các thế lực thù địch bịa đặt một cách trắng trợn nhưng bây giờ chúng lồng ghép, cài cắm thông tin nửa đúng nửa sai nên rất dễ làm cho người đọc nếu không tinh ý sẽ cho là họ nói đúng. Để nhận ra được thủ đoạn đó, và đáp trả trực diện những luận điệu ấy đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức về thực tiễn, lý luận, hiểu biết về luật pháp... thì bài viết đấu tranh phản bác mới hiệu quả.
“Để hóa giải sự khô khan của đề tài, cách thức của chúng tôi khá đơn giản, đó là cuộc sống của người dân, hơi thở của cuộc sống đang như thế nào thì chúng tôi nêu lại đúng như thế chứ không nâng cao nó lên, hàn lâm một cách cao siêu, khó hiểu. Bởi thế, tất cả chương trình phát sóng “Nhìn thẳng nói đúng” luôn nhận được lượng hồi âm thính giả rất lớn, lên tới hàng trăm cuộc mỗi số”, nhà báo Thanh Trường chia sẻ.
Là nhà báo có nhiều năm viết về mảng phản bác dư luận trên sóng phát thanh đối ngoại, nhà báo Nguyễn Thị Thu Hoa, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN chia sẻ: “Để viết bài đấu tranh, phản bác lại những luận điệu của thế lực thù địch có hiệu quả, người viết phải lựa chọn đối tượng, thời điểm để đấu tranh dư luận phù hợp, vì nếu không sẽ rơi vào tình trạng “tự lấy đá ghè chân mình” trong đấu tranh dư luận. Thứ hai là lựa chọn góc tiếp cận mang tính đối ngoại. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi người viết phải tinh nhạy, nói cách khác là độ nhạy cảm chính trị tốt, thì mới có thể quyết định được góc tiếp cận nào là phù hợp, từ đó chọn các thông tin, lý lẽ, luận cứ, luận chứng và tông giọng làm tăng hiệu quả của bài viết.
"Thay vì chỉ trích, bút chiến, rao giảng, chúng ta sử dụng các ngôn từ ở mức trung dung, hay ngôn từ mang tính giải pháp, tích cực; chấp nhận cách nói gián tiếp, có thể dài hơn nhưng phù hợp hơn. Người viết đấu tranh dư luận cũng phải lập hồ sơ thông tin cho từng vấn đề cụ thể và liên tục bổ sung thông tin, làm dày hồ sơ đó. Việc lập hồ sơ thông tin gồm cả các luận cứ, luận chứng cho từng vấn đề cụ thể sẽ giúp người viết có cách nhìn khoa học, biện chứng và sử dụng tốt nhất các thông tin, luận cứ, luận chứng khi viết bình luận”.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hoa, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN
|
Nhà báo Thu Hoa cũng nêu quan điểm: “Đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên báo chí nói chung phải bền bỉ, lâu dài, có quá trình liên tục. Mặt khác, không chỉ các bài bình luận mà các thông tin phản ánh, giới thiệu những cái hay, cái đẹp của đất nước, con người Việt Nam cũng chính là những luận cứ, luận chứng thuyết phục nhất, giới thiệu về Việt Nam và phản bác lại các thông tin sai trái, xuyên tạc về các vấn đề của Việt Nam”.
“Viết bài, hay làm chương trình truyền hình về đề tài này rất cần sự cần mẫn, thận trọng. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ bị phản tác dụng”, nhà báo Đức Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm, rất nhiều khán giả thường xuyên gọi điện bày tỏ sự đồng tình và góp ý thêm cách làm. Họ bày tỏ rất cần những chương trình định hướng như thế này, là tiếng nói chính thống của Đảng chứ bây giờ thông tin bị nhiễu loạn, không biết tin vào đâu nữa. Đấy chính là nguồn động viên, tiếp sức rất lớn cho chúng tôi.
Từng có nhiều bài bình luận sắc sảo phản bác các luận điệu sai trái, nhà báo Phạm Minh Hòa, Báo điện tử VOV.VN cho hay, khó khăn nhất đối với chúng tôi khi tác nghiệp về mảng đề tài này là liên hệ nhân vật để phỏng vấn, vì không phải ai cũng sẵn sàng trả lời ở mảng nội dung tương đối khó này. Nhưng tôi cũng có may mắn đã gặp được nhiều người, sau lần đầu tôi liên hệ họ để phỏng vấn thì các lần sau đó họ luôn sẵn sàng vì “người của VOV nên tin tưởng”. Nhưng là phóng viên VOV cũng là một áp lực bởi mỗi bài báo khi đã lên trang có tác động xã hội rất lớn. “Điều không kém phần quan trọng khi viết những bài về đề tài này là phải giữ được “trái tim nóng và cái đầu lạnh” để vừa đảm bảo được tính chiến đấu, kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch nhưng vẫn giữ được sự nhân văn, nhân ái, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, nhà báo Phạm Minh Hòa chia sẻ./.