Các đối tượng khai thác cát sỏi thường hoạt động vào ban đêm rất manh động. Gần đây, các địa phương siết chặt công tác kiểm tra, ngăn chặn, cuộc chiến chống “cát tặc” trên sông Bồ vẫn tiếp tục căng thẳng.
Sống ven bờ sông Bồ, ông Võ Văn Lẹ, 58 tuổi, trú tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ám ảnh với nạn cát tặc. Đêm đến, nhiều tàu, thuyền gắn máy kéo nhau về sông Bồ hút cát lòng sông. Người dân địa phương nhiều lần truy đuổi nhưng các đối tượng khai thác cát sạn trái phép vẫn liều lĩnh vào tận bờ hút cát. Ông Võ Văn Lẹ kể, tháng 4 năm ngoái, khi nghe tiếng tàu hút cát trên sông Bồ, đoạn ngay sau nhà mình, ông chèo thuyền ra để nhắc nhở thì bị một đối tượng trên tàu lấy đèn pin rọi thẳng vào mặt rồi bất ngờ dùng sào chọc trúng vào mắt trái khiến ông bất tỉnh và sau đó con mắt này của ông bị hỏng.
Tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Bồ nhức nhối hơn 10 năm nay. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động rầm rộ hơn ở khu vực phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Để giữ đất, giữ nhà, hàng chục người dân nơi đây thay phiên nhau túc trực cả ngày đêm đuổi bọn cát tặc. Bà con sử dụng hàng trăm gốc tre thả sát mép sông làm vật cản, ngăn không cho các đối tượng khai cát trái phép. Thế nhưng, hễ vắng bóng người dân và lực lượng chức năng, cát tặc lại hoành hành.
Ông Phan Nhân, Tổ trưởng Tổ dân phố phường Thanh Lương 2 cho biết: Cuối tháng 4 vừa qua, người dân nơi đây đã làm cây cầu tre nối xứ đồng Ngoại Đề với khu vực Cồn Nổi nằm giữa sông Bồ. Cây cầu tre dài khoảng 50m, giúp người dân qua lại khu vực sản xuất trên Cồn Nổi và ngăn chặn các đối tượng đưa phương tiện vào khai thác cát trái phép ở đoạn sông này: “Họ xúc chiều dài khoảng 300m, chiều rộng khoảng 30m, làm cho đất sản xuất của nhân dân nó sạt lở hết sức trầm trọng, sụp đổ xuống sông hết. Đến khi thấy tình hình giữa nhân dân và đối tượng khai thác cát thấy xung đột, sinh ra tai nạn, đập bậy đập bạ giữa sông. Trước tình hình này, UBND phường cho ngành chức năng vô khảo sát để làm một cái cầu tre. Hiện nay, cái cầu đó phát huy tác dụng rất là lớn”.
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ cát, sỏi trong xây dựng tăng cao. Trong khi đó, tỉnh Thừa thiên Huế đã đóng cửa các mỏ cát ở thượng nguồn khiến việc ngăn chặn nạn khai thác cát sỏi trên sông Bồ càng khó khăn hơn. Các đối tượng khai thác cát hoạt động ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều mánh khóe như: cử người thám thính hai bên bờ sông, che biển số các phương tiện, sử dụng các loại động cơ ít gây tiếng ồn… khai thác cát ban đêm.
Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan chức năng đã vào cuộc truy quét quyết liệt nhưng nạn khai thác cát sỏi trên sông Bồ vẫn diễn ra phức tạp. “UBND thị xã, chỉ đạo lực lượng công an làm nòng cốt, bắt đến 13 vụ, đang còn giữ 4 xe tại công an huyện. Hiện nay đang thu giữ 4 xà lan neo đậu tại cầu Phước Phú, nối giữa Hương Trà và Quảng Điền và đã mời tất cả các chủ khai thác lên để gọi hỏi, răn đe, yêu cầu chấm dứt các hoạt động khai thác và xử phạt rất nặng”, ông Tuấn cho hay.
Hiện nay đang vào mùa cao điểm xây dựng, giá cát sỏi tăng cao. Việc khai thác cát sỏi trên các con sông ngày càng phức tạp, các địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ để ngăn chặn tình trạng này. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tỉnh chỉ đạo các địa phương ven sông ngặn chặn triệt để nạn khai thác cát sỏi trái phép: “Chúng tôi đã chỉ đạo, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm và quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp phường, xã, nơi để xảy ra khai thác cát sạn, nơi để tái diễn các bãi xử lí cát không đúng quy hoạch thì phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh. Nếu có những sự việc lặp lại, cố tình vi phạm quy định của pháp luật thì xử lí nghiêm túc hơn, kể cả tịch thu tiền và xử lý hình sự nếu cố tình vi phạm”.
Tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trong một thời giạn dài trên sông Bồ, người dân và chính quyền sở tại không đủ sức để chặn đứng nạn cát tặc. Biết đến bao giờ nạn cát tặc lộng hành trên sông Bồ mới được chấm dứt./.