Lưu giữ Sài Gòn xưa

Có một không gian Sài Gòn xưa hoa lệ được thu nhỏ bằng tất cả sự tinh tế. Đó là Lúa cà phê - nơi lưu giữ các hiện vật quý, là điểm đến cho người yêu Sài gòn.

 

Anh “Lúa” mê đồ cổ

Lúa cà phê là nơi anh Huỳnh Minh Hiệp - Phó Chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam - mở ra gần hai năm nay. Anh cũng là người nắm trong tay hàng chục bộ sưu tập giá trị khác khiến người xem không khỏi trầm trồ, ngỡ ngàng.

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, ngay từ thời niên thiếu, Huỳnh Minh Hiệp đã ấp ủ ước mơ làm điều gì đó thật ý nghĩa cho thành phố của mình. Năm 1993, khi đang làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều lần nhìn thấy những đồng tiền của các quốc gia trên thế giới, anh Hiệp như bị thôi miên. Lúc đó anh Hiệp chỉ nghĩ đơn giản có lẽ thấy tiền các nước lạ nên mình thích và giữ cho vui. Có tài ảo thuật, anh thường xuyên trình diễn phục vụ khách nên hay được khách tặng tiền xu quốc tế làm quà lưu niệm. Đó là cơ duyên đưa anh đến với bộ sưu tập đầu tiên trong hàng ngàn hiện vật cổ giá trị sau này.

Anh Huỳnh Minh Hiệp bên quầy giải khát đậm chất xưa tại Lúa cà phê.

Năm 2005, khi Bảo tàng TP.HCM tổ chức triển lãm về tiền thế giới và tiền Việt Nam, anh Hiệp quyết định đem bộ sưu tập của mình đến trưng bày. Tại đây, anh được xác lập kỷ lục là người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam. Ban đầu sưu tầm tiền cổ thế giới, dần dà anh bổ sung thêm vào kho tài sản của mình bộ tiền cổ các thời kỳ của Việt Nam, từ tiền thời phong kiến, tiền Đông Dương đến triều Lê, triều Nguyễn. Số hiện vật cứ thế đầy lên theo niềm đam mê.

Năm 2005, khi được Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam mời về cộng tác, anh Hiệp bắt đầu rong ruổi khắp các tỉnh, thành tham gia tổ chức các buổi triển lãm, chương trình hội thảo về văn hóa. Đi nhiều nơi, gặp nhiều nhà sưu tầm và phát hiện hàng loạt hiện vật xưa của Sài Gòn đang nằm rải rác tại các tỉnh, thành, anh tìm cách thuyết phục trao đổi hoặc xin chuộc lại rồi đem về nhà lưu giữ. Hành trình lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa bắt đầu từ đó.

Đến thời điểm hiện tại, người đàn ông mê đồ cổ này đã nắm trong tay hàng ngàn hiện vật có giá trị của Sài Gòn nhiều thập niên về trước. Ngoài các bộ sưu tập tiền cổ, xe cổ, poster phim, hiện vật cổ ngành cải lương, postcard Sài Gòn đình đám, anh còn được biết đến là người miệt mài lưu giữ cổ vật Sài Gòn xưa. Cứ nghe đâu có hiện vật Sài Gòn xưa, anh Hiệp đều đến rồi tìm cách mang về cho bộ sưu tập ngày càng đa dạng của mình. Đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và công sức nhưng mỗi lần ai nói sao rảnh rỗi làm chuyện không đâu, anh Hiệp chỉ cười tươi: “Mình làm vì quá yêu Sài Gòn xưa, muốn lưu giữ những điều đẹp nhất cho bản thân và người trẻ sau này. Mong muốn của mình là mở được Bảo tàng tiền cổ Việt Nam và nhiều không gian trưng bày hiện vật Sài Gòn xưa để phục vụ mọi người. Ở đây, người trung niên, cao tuổi có thể hoài niệm về năm tháng đẹp nhất đời mình còn giới trẻ sẽ được dịp tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa Sài Gòn, văn hóa Việt Nam theo mạch kể của hiện vật”, anh Hiệp cho hay.

Bạn bè hay nói vui, nếu muốn trưng bày hết tất cả hiện vật cổ mà “Hai Lúa” Huỳnh Minh Hiệp đang sở hữu thì phải cần 10 căn nhà to bởi gần 30 năm ngược xuôi anh đang nắm trong tay quá nhiều bộ sưu tập. Không giữ cổ vật cho riêng mình, anh thường xuyên tổ chức nhiều buổi triển lãm, chương trình giao lưu giới thiệu các bộ sưu tập với mọi người. Đến nay, người đàn ông mê bận đồ bà ba trắng này đã tổ chức được hơn 100 cuộc triển lãm, trò chuyện về chủ đề Sài Gòn xưa, cổ vật Việt Nam các thời kỳ. Ở đâu ngỏ ý cần tìm hiểu về các bộ sưu tập, anh không ngại đem đến cho mượn và cung cấp đầy đủ thông tin để khách tham quan hiểu rõ giá trị cũng như lịch sử của các hiện vật.

Hay chọn cho mình bộ bà ba trắng, anh Huỳnh Minh Hiệp nói rằng, khi mặc bộ đồ này vào đứng giữa không gian Sài gòn xưa thấy lòng vui đến lạ.

Quán cà phê… triển lãm

Một ngày, nghe lời gợi ý của người bạn cùng lĩnh vực nghệ thuật, anh Hiệp đi kiếm mặt bằng mở Cà phê Lúa với mong muốn làm một bảo tàng nhỏ về Sài Gòn xưa cho những ai yêu thích ghé thăm. Hơn một năm trời tìm kiếm và xây dựng thì Lúa thành hình. Tại quán cà phê của mình, anh Hiệp trưng bày hơn 2.000 hiện vật về Sài Gòn xưa và tái dựng nhiều không gian thú vị như gian bếp, phòng khách cũ, tiệm nước ngọt, quầy thuốc lá, xe hủ tíu ngày xưa hay nhà may, hiệu ảnh… của nhiều thập kỷ trước. Cách đây không lâu, Lúa cũng được ghi nhận kỷ lục là quán cà phê có những bộ sưu tập độc đáo nhất Sài Gòn.

Mỗi hiện vật chất chứa một câu chuyện thú vị và anh sẽ tự thuyết minh khi khách muốn tìm hiểu. Góc này anh đặt chiếc xe cổ, chỗ kia là bàn máy may xưa, góc phòng bên cạnh bộ bàn ghế gỗ ngày xưa, anh đặt chiếc ti vi cửa lùa, máy đánh chữ đã nhuốm màu thời gian hay những vật dụng gắn liền với người dân Sài Gòn mấy chục năm trước. Khách tới Cà phê Lúa thường chọn cho mình một góc yên tĩnh ngắm nhìn Sài Gòn thập niên 50 - 60 thu nhỏ hoặc chạm tay lên mấy món đồ cũ xưa. Tại đây, anh Hiệp cũng giới thiệu đến mọi người nhiều món ăn, quà bánh và thức uống mà người Sài Gòn ngày trước ưa chuộng. Từ chén dĩa, ly tách đến muỗng đũa trong quán đều được chủ nhân cẩn thận đặt làm theo đúng kiểu xưa. Nhạc mở khách nghe cũng vậy, một màu hoài niệm.

Chị Nguyễn Thanh Thư, một người dân tại TP.HCM chia sẻ: “Lúc đầu nghe giới thiệu, mình không tin lắm nhưng bước vào đây mới thấy được sự công phu, tỉ mỉ của một nhà sưu tầm có tâm. Mình thích xem xà bông Cô Ba, mấy chai nước ngọt, chai bia, gói thuốc ngày xưa, thích cầm chiếc đồng hồ lên dây cót rồi ngước nhìn các công trình mô phỏng, thấy lòng nhẹ nhàng lắm. Mình sẽ quay lại đây nhiều lần để tìm hiểu kỹ hơn về các bộ sưu tập”.

Những chiếc xe cổ cũng là món đồ anh Hiệp mê sưu tầm.

Không coi trọng lợi nhuận, nên thay vì tập trung mở rộng kinh doanh, anh Hiệp chọn mở rộng các bộ sưu tập để trưng bày nhiều hiện vật, chuyển tải nhiều câu chuyện thú vị cho nhiều người hiểu về Sài Gòn thời ấy. Nhiều triển lãm mini theo các chủ đề như cải lương, điện ảnh, nét văn hóa Sài Gòn xưa cũng được anh giới thiệu miễn phí đến mọi người tại chính không gian hoài cổ độc đáo này. “Việc sưu tầm hiện vật xưa giúp mình không chỉ được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người mà khi tìm hiểu các hiện vật, kiến thức về văn hóa, lịch sử của bản thân cũng dày thêm. Mình hy vọng sẽ có thêm nhiều người trẻ đến quán tìm hiểu về Sài Gòn xưa, một Sài Gòn rất đẹp”, anh Hiệp trải lòng.

Miệt mài sưu tầm và không ngại chia sẻ các bộ sưu tập quý với người khác, điều anh Hiệp mong muốn là lan tỏa tình yêu Sài Gòn và văn hóa miền Nam. Trong thời gian tới, anh sẽ mở thêm một không gian chia sẻ hiện vật như Lúa tại khu vực trung tâm thành phố để không chỉ người dân trong nước mà cả du khách cũng có dịp tiếp cận, tìm hiểu về Sài Gòn ngày trước./.

“Việc sưu tầm hiện vật xưa không chỉ giúp mình được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người mà khi tìm hiểu các hiện vật, kiến thức về văn hóa, lịch sử của bản thân cũng dày thêm. Mình hy vọng sẽ có thêm nhiều người trẻ đến quán tìm hiểu về Sài Gòn xưa, một Sài Gòn rất đẹp”.

Huỳnh Minh Hiệp, Phó Chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận