Cách trung tâm TP.HCM 50km là một thảm xanh ngút ngàn, một địa điểm mà ai cũng nên một lần đặt chân đến trải nghiệm bởi những đặc trưng khác biệt và độc đáo - đó là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2000.
Có 4 mặt là sông nước, 56,7% diện tích ngập mặn, huyện đảo Cần Giờ giống như một hòn đảo tách biệt với thành phố, với hệ động thực vật phong phú và đa dạng, 75.740ha rừng Cần Giờ được xem là lá phổi xanh của TP.HCM. Không ồn ào, không náo nhiệt, nơi đây rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng.
Sắc thái riêng của huyện đảo Cần Giờ là hệ thống sông rạch chằng chịt đan xen trong rừng ngập mặn rộng lớn, với đầm Dơi, khu bảo tồn chim, trại cá sấu, đảo khỉ... Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch ở huyện đảo Cần Giờ như vẫn còn bỏ ngỏ, bởi việc di chuyển qua phà Bình Khánh còn mất nhiều thời gian...
Cùng với việc kêu gọi đầu tư và quy hoạch đồng bộ, thì phát triển giao thông sẽ mang đến cú hích cho kinh tế du lịch đang được xem là hướng đi tích cực của Cần Giờ, nhất là từ khi trục đường chính rừng Sác với 6 làn xe, tổng kinh phí 1.561 tỷ đồng được hoàn thành.
Các tuyến giao thông đến huyện đảo Cần Giờ:
- Tuyến đường thủy bằng tàu ca tốc nối Cần Giờ với quận 1.
- Tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu: khởi công từ 8/5, dự kiến hàn thành vào 2/9/2020.
- Tuyến ca tốc Bến Lức - Long Thành đi ngang qua Cần Giờ (cầu Bình Khánh với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng đang thi công để thay thế cho phà Bình Khánh).
- Riêng cầu Cần Giờ với kinh phí 5.300 tỷ đồng, đã được phê duyệt phương án thiết kế ngày 4/3/2020, hiện đang trng giai đoạn kêu gọi nhà đầu tư.
Nếu năm 2010, ngành du lịch Cần Giờ đón 410.000 lượt khách, đem lại doanh thu 123 tỷ đồng, thì lượng khách năm 2018 đạt gần 2 triệu lượt, tổng doanh thu hơn 900 tỷ đồng.
Rừng ở Cần Giờ chủ yếu có cây nước mặn như đước, sú,vẹt, bần, mắm...