Thăm 'Nhà Bác Hồ' - nơi từ đó Bác ra đi

Căn nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước nay được gọi là 'Nhà Bác Hồ'.

 

Căn nhà số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn, nay là số 5 đường Châu Văn Liêm thuộc phường 14, quận 5, TP.HCM là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở 9 tháng trước khi Người rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Nay căn nhà nhỏ ấy được gọi bằng cái tên gần gũi: “Nhà Bác Hồ”.

Nơi dừng chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành

Là người yêu thích môn lịch sử, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng Ban an ninh quốc phòng địa bàn dân cư của Quận đoàn 5 thường dành thời gian đến các bảo tàng tại TP.HCM để tham quan và tìm hiểu thông tin. Đặc biệt, những bảo tàng trưng bày thông tin, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chị tìm đến rất nhiều lần bởi “càng xem càng thấy hay và học hỏi được rất nhiều”. Trong đó, Di tích số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 là điểm đến quen thuộc của chị Thảo bởi Quận đoàn 5 thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động dành cho thanh thiếu niên. Đây cũng là nơi chị từng tham dự cuộc thi “Thuyết minh viên không chuyên” của quận hơn 10 năm trước và lọt vào vòng chung kết.

Di tích số 5 Châu Văn Liêm được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Chị Phương Thảo chia sẻ, mỗi lần đến đây, chị luôn có cảm giác thân quen, gần gũi với nhiều kỷ niệm từ khi còn là một học sinh cho đến khi trở thành cán bộ Đoàn. Đáng mừng hơn là từ những hoạt động của Quận đoàn 5, nơi Bác Hồ từng sống 110 năm trước được biết đến nhiều hơn, trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Người. “Tìm hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng em ấn tượng nhất là ý chí kiên cường và quyết tâm thực hiện mục tiêu ở Bác”.

Tên đầy đủ của Di tích số 5 Châu Văn Liêm là “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, thuyết minh viên của di tích này cho biết, theo tư liệu lịch sử, căn nhà xưa kia là trụ sở của Liên Thành phân cuộc, một chi nhánh của Liên Thành thương quán. Liên Thành thương quán lại là 1 trong 3 bộ phận, gồm Liên Thành thương quán, Liên Thành thư xã và Dục Thanh Học hiệu của Công ty Liên Thành - một tổ chức kinh doanh do sĩ phu yêu nước ở tỉnh Bình Thuận thành lập năm 1906, trụ sở chính tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Trong đó, Trường Dục Thanh là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dạy học trước khi vào Sài Gòn. Sau một thời gian giảng dạy ở đây, vẫn trăn trở về con đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành quyết định rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Ngày 19/9/1910, được sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Ba, cùng đi có cụ Trương Gia Mô và Hồ Bá Tang - hai vị nhân sĩ nổi tiếng ở Nam Bộ và là thành viên Ban quản trị Liên Thành thương quán. Nguyễn Văn Ba đã sống ở căn nhà số 1-2-3 Quai Testard Chợ Lớn, nay là số 1-3-5 Châu Văn Liêm làm việc và chờ dịp ra nước ngoài.

Trong thời gian ở Liên Thành phân cuộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ba đi làm ở một trường thợ máy, bán báo ở Thương cảng quận 5 để kiếm sống, tìm hiểu đời sống của người dân và tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động Nam kỳ. Đầu năm 1911, sau khi quen biết thêm một số sĩ phu yêu nước, Nguyễn Văn Ba vui mừng nhận thấy người dân từ Bắc vào Nam đều một lòng muốn đánh đuổi thực dân Pháp, tuy nhiên, trong đường lối đấu tranh của các cụ đi trước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu hay Hoàng Hoa Thám đều có một số điểm chưa phù hợp.
Sau này, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Với khát vọng đó, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên giấy tờ Văn Ba lên tàu Latouche Tréville với vai trò phụ bếp, rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Ngày nay, trên con đường Châu Văn Liêm tấp nập, ngôi nhà nơi Người sống thuở xưa giản dị nép mình ở một ngã tư và dễ dàng khuất vào những hàng quán nhộn nhịp. Nếu không chú ý kỹ thì có thể lướt qua nhanh chóng, vì vậy, chị Thu Thủy cho biết thêm, nhiều người đến đây lần đầu tiên không khỏi bất ngờ khi biết rằng nơi này là di tích đặc biệt.

Đến “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Cuối năm 1988, Bộ Văn hóa quyết định công nhận nhà số 5 đường Châu Văn Liêm là Di tích lịch sử quốc gia và được gọi với cái tên gần gũi: “Nhà Bác Hồ”. Những năm qua, nơi đây được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc của ngôi nhà phố theo phong cách cổ. Ở tầng trệt, từ cửa chính đi vào, bàn thờ và tượng Bác được đặt trang trọng giữa nhà. Đây cũng là nơi các đoàn, thể chính trị xã hội và người dân đến dâng hoa, thắp hương và báo công với Bác. Hai bên vách tường trưng bày hình ảnh làng Sen quê Bác, các cơ sở của Liên Thành thương quán và bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911. Gian sau có một cầu thang gỗ dẫn lên tầng 1, nơi bài trí các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả được sắp xếp, trưng bày một cách khoa học để mỗi khách tham quan có cái nhìn tổng thể về cuộc đời của Bác qua nhiều giai đoạn.

Di tích lịch sử số 5 Châu Văn Liêm là điểm đến quen thuộc của đoàn viên thanh niên.

Là người trực tiếp phụ trách việc lập hồ sơ cho Di tích số 5 Châu Văn Liêm, Thạc sĩ văn hóa Trần Thị Lan, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu lập hồ sơ di tích của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho rằng, di tích này có giá trị rất đặc biệt, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. So với thời gian bôn ba hải ngoại sau này, khoảng thời gian 9 tháng không dài nhưng là nơi Người đã có cái nhìn thực tế về tình hình đấu tranh cách mạng trong nước. Sau này khi trở về nước, bận việc chính sự và chưa một lần trở lại mảnh đất Sài Gòn - Gia Định xưa, ngoài sự trăn trở với cách mạng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành cho nơi đây tình cảm thiết tha, gần gũi.

Với ý thức bảo tồn di tích lịch sử, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền quận 5 và ngành Văn hóa thông tin đã nhiều lần sửa chữa, trùng tu căn nhà, sưu tầm và trưng bày những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là quãng đời thanh niên của Người. Ông Huỳnh Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ của Trung tâm văn hóa Quận 5 - đơn vị quản lý trực tiếp của di tích này cho biết, vài năm nay, vào các ngày lễ lớn như 3/2, 30/4 và đặc biệt là 19/5, “Nhà Bác Hồ” thu hút đông người đến tham quan, thắp hương. Nhiều bạn trẻ vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại địa điểm ý nghĩa này. “Nhà Bác Hồ được trùng tu nhiều lần. Mới đây nhất là năm 2019, ngôi nhà được sửa sang lại trang nghiêm hơn, mặt ngoài thì vẫn giữ nguyên, ở trong thì làm đẹp hơn. Mỗi năm, Trung tâm văn hóa quận 5 đều tổ chức Hành trình công dân đến với lịch sử văn hóa và 2 điểm đến thường xuyên là di tích số 5 Châu Văn Liêm và Bệnh viện Nhiệt đới - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh”, ông Tuấn cho hay.

Hiện ngành văn hóa TP.HCM đang tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu để đưa Di tích số 5 Châu Văn Liêm đến với đông đảo người dân hơn. Mới đây nhất, một bộ đồ kaki trắng, đôi dép nhựa và chiếc điện thoại người từng sử dụng cũng được bổ sung và trưng bày ở tầng 1 để không gian trưng bày thêm sinh động và thu hút. Căn nhà luôn được mở cửa và có thuyết minh viên để đón khách tham quan. Theo dòng chảy thời gian, di tích này càng có sức lan tỏa hơn, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Người./.

 

“Cả nước có rất nhiều di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng với di tích này, tuy diện tích không lớn nhưng giá trị và ý nghĩa rất quan trọng. Bác đã ở đây và sống trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chỉ có những người thân thiết hỗ trợ thôi nhưng đã khắc phục tất cả và hiểu thấu được con đường cứu nước của mình”.

Chị Trần Thị Lan, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu lập hồ sơ di tích của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận