Những người viết tiếp bản hùng ca Điện Biên

Khi buông tay súng, những người lính Điện Biên tình nguyện trở lại để hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây mảnh đất lịch sử này.

 

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm về ngôi nhà ở tổ 16, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi ông Phạm Bá Miều - chiến sĩ Điện Biên năm xưa đang vui hưởng tuổi già sau khi cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho cách mạng. Người cựu chiến binh (CCB) ấy năm nay đã bước qua tuổi 90, mắt mờ chân yếu nhưng những ký ức hào hùng về trận đánh đồi A1 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí.

Kể lại diễn biến bốn cuộc tiến công vào đồi A1, bắt đầu từ ngày 30/3/1954 và kết thúc vào 4h30’ ngày 7/5/1954, ông Phạm Bá Miều nhiều lần ngưng chuyện. "Chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi nhưng rất nhiều đồng đội của tôi mãi nằm lại nơi này"!… Nói chưa hết lời, người CCB này bật khóc. Những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội đè nén tâm can trong mỗi lần kể chuyện…

Sứ mệnh “xanh” sau ngày đại thắng

Bốn năm sau ngày giải phóng Ðiện Biên Phủ, theo Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, Sư đoàn 316 được lệnh trở lại Ðiện Biên nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông trường; sửa chữa con đường từ Tuần Giáo đi Ðiện Biên; xây dựng lực lượng quân đội. Sau khi chính thức làm lễ "hạ sao" để trở thành công nhân Nông trường Ðiện Biên, mỗi đại đội là một đội sản xuất, được bố trí xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Ðiện Biên và hai đại đội được bố trí ở khu vực Mường Ảng. Với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình", hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã về quê đưa vợ, con lên xây dựng nông trường. Bằng tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, các chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa tiếp tục bước vào trận chiến mới, trận chiến "xóa đói nghèo" trên nền chiến trường mà họ từng chiến đấu kiên trung.

Nhắc lại "trận chiến" mới kéo dài 21 năm ở huyện nghèo biên giới Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ) với vô vàn gian nan, thử thách, ông Phạm Bá Miều nhớ nhất là quãng thời gian 5 năm (1958 - 1963) trực tiếp phụ trách phát triển kinh tế xã Hua Bum. Ông Miều kể: "Ðịa bàn lạ, tiếng mình bà con không biết mà tiếng bà con thì mình không hiểu; nhiều người thấy cán bộ người Kinh thì… bỏ chạy, nên đi tìm dân thôi cũng vất vả lắm rồi. Cảm thương khó khăn, thiệt thòi của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, mỗi ngày chúng tôi đều lên lịch đến từng nhà gặp gỡ bà con. Ban đầu là làm quen, sau thì tiếp xúc bằng việc làm, dần dà đồng bào quen với cán bộ người Kinh, họ cho cán bộ ở cùng và làm theo cán bộ. Sau này có thêm sự quan tâm của Đảng, Chính phủ bằng những chính sách xóa đói giảm nghèo nên đời sống đồng bào dân tộc ở Hua Bum dần khấm khá hơn”.

Cựu chiến binh Phạm Đức Cư (thứ hai từ trái sang) và Phạm Bá Miều kể lại những câu chuyển lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay.

Còn ông Lê Đăng Điệng - chiến sĩ Điện Biên thuộc Trung đoàn 176, Sư đoàn 316 - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Nông trường quốc doanh Điện Biên, tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn cẩn thận giữ cuốn sổ vàng truyền thống ghi lại những dấu mốc quan trọng của Nông trường Quân đội Điện Biên, sau này là Nông trường quốc doanh Điện Biên như một kỷ vật quý. Lật mở những trang sổ vàng truyền thống, ông Điệng cho biết: Nhiệm vụ của Trung đoàn khi ấy là thu dọn chiến trường, rà phá bom mìn, phát triển kinh tế; xây dựng căn cứ địa Tây Bắc để cùng cả miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Điệng nhớ lại: Ngày trở lại, chiến trường Điện Biên Phủ là một bãi hoang vu, cây cối um tùm, ngổn ngang bom đạn, hầm hào, dây thép gai… Chúng tôi bắt tay phục hoang đồng đất phải đi từng bước theo sát chân bộ đội công binh dò phá bom mìn. Vừa sản xuất, vừa khắc phục hạn hán…, những người lính chúng tôi lại tiếp tục đổ thêm nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Nhiều người mang thương tật vĩnh viễn để hồi sinh những mùa vàng trên cánh đồng Mường Thanh.

Sau 7 tháng trở lại Điện Biên, từ tháng 3 - 10/1958, những chiến sĩ của Trung đoàn 176, sư đoàn 316 đã thu hoạch vụ lúa đầu tiên trên cánh đồng Mường Thanh. Đây là sự hồi sinh thần kỳ của Điện Biên dưới bàn tay, khối óc của những người lính từng góp phần làm nên Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thế hệ trẻ Điện Biên lắng nghe câu chuyện lịch sử từ các cựu chiến binh.

66 năm đã qua đi, Điện Biên Phủ hôm nay khoác lên mình tấm áo mới. Chứng kiến sự đổi thay của chiến trường xưa, những CCB như ông Phạm Bá Miều, ông Lê Đăng Điệng không khỏi xúc động và rưng rưng niềm thương nhớ đồng đội. Ông Miều cho biết, cứ mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông lại tới Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, kể cho đồng đội nghe về những đổi thay của mảnh đất Điện Biên Phủ.

Xung kích viết tiếp bản hùng ca Điện Biên Phủ

Thời khắc lịch sử hào hùng ngày 7/5/1954 đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi. Trải qua 66 năm, tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại đó vẫn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với thế hệ tuổi trẻ Điện Biên hôm nay, đó còn là hành trang, “kim chỉ nam” vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương.

Ghi nhớ lời căn dặn của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cần phải phát huy tinh thần của chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”, chị Trần Thị Hoa hiện là cán bộ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên, bằng nhiệt huyết, trí tuệ luôn nỗ lực vận dụng những kiến thức, kỹ năng của bản thân, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và quản lý nhân sự tại đơn vị.

Mảnh đất Điện Biên Phủ đã trở thành điểm sáng nơi núi rừng Tây Bắc.

Qua gần 10 năm công tác, chị Hoa đã xây dựng và triển khai hiệu quả 6 đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn. Trong đó, nhiều sản phẩm đã đạt được giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh. Chị nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Ðiện Biên, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và là 1 trong 36 điển hình nhận Giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ 5, năm 2018. Mới đây, vào tháng 1/2020, chị Hoa lại vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019.

Nhiều đoàn viên thanh niên xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trở thành điển hình tiên tiến trong học và làm theo Bác. Trong số đó có thanh niên người dân tộc thiểu số Và A Lử ở bản Con Cang, xã Na Ư (huyện Ðiện Biên). A Lử cho biết: Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành xây dựng của một trường trung cấp, A Lử đã đi “làm công ăn lương” ở một số nơi. Thế nhưng bản thân luôn trăn trở với quyết tâm làm giàu bằng một mô hình kinh tế tổng hợp, trồng rừng kết hợp chăn nuôi lợn, gà và làm ao thả cá. Đam mê thôi thúc, năm 2011, A Lử chính thức xin nghỉ công việc xây dựng và bắt đầu theo đuổi đam mê làm kinh tế tổng hợp ngay tại quê hương mình.

Những người lính tạm gác lại nỗi niềm riêng để bước vào cuộc chiến đấu mới. Cuộc chiến sử dụng vũ khí là những chiếc cày, chiếc cuốc để cải tạo thiên nhiên khắc nghiệt, làm sống lại mảnh đất Điện Biên Phủ từng thấm bao máu của đồng đội mình.

Để có vốn ban đầu, Lử phải đi vay mượn khắp nơi mới tậu được 5 cặp bò và 1 cặp trâu về chăm sóc. A Lử rất tích cực học hỏi và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi về phòng trừ dịch bệnh cho gia súc do huyện, xã tổ chức. Năm 2019, bắt đầu có vốn tích lũy từ chăn nuôi những năm trước, A Lử tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại, mua thêm trâu, bò và 8 cặp nhím sinh sản... Hiện nay, trang trại của gia đình Lử đang nuôi gần 70 con trâu, bò và gần 30 con dê; gần 8.000m2 ruộng lúa… mỗi năm trừ chi phí, còn cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Năm 2018, anh Và A Lử vinh dự tham dự Ðại hội Thanh niên làm theo lời Bác và nhận Giải thưởng Lương Ðình Của do Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Với khát khao “Xây dựng một trận Ðiện Biên Phủ trong xu thế hội nhập và phát triển” tuổi trẻ Ðiện Biên bằng ý chí, nghị lực đã và đang góp phần viết tiếp bản hùng ca Điện Biên Phủ ngày mới, đưa Điện Biên trở thành điểm sáng nơi núi rừng Tây Bắc./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận