Hơn 35 năm nỗ lực, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng - đội quân sản xuất trên biên giới Bắc Tây Nguyên - đã xây dựng nên một thành lũy xanh trấn giữ biên giới quốc gia, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc an cư lạc nghiệp trên vùng đất vốn khắc nghiệt, khô cằn.
Đất hoang có hơi người
Chúng tôi lên biên giới Ia H’Đrai, tỉnh Kon Tum một ngày tháng Tư, khi những trạm kiểm soát dịch Covid-19 vẫn chốt suốt dọc đường. 10 giờ sáng thì qua trạm cuối, bắt đầu tới địa bàn sản xuất của Công ty 78, Binh đoàn 15.
Khí trời oi bức đến lạ. Thỉnh thoảng gió ùa tới thì cũng mang hơi nóng rát như vừa thổi qua một đám cháy rừng. Đại úy Trần Đức Luyện, “cán bộ đường lối” Phòng Hậu cần, Binh đoàn 15 cho biết, hơn 20 năm trải hết các địa bàn trên vùng biên giới này cùng anh em trong binh đoàn, anh đã khắc sâu những kiểu khí hậu - thủy văn lạ kỳ. Như ở vùng Mô Rai (huyện Sa Thầy) và huyện Ia H’Đrai thì ngày nóng chảy bạt nhựa, đêm lạnh phát run. Khu vực biên giới giáp ranh Đức Cơ - Ia Grai (Gia Lai) lại quanh năm gió lồng lộn, mỗi khi chuyển mùa là lốc xoáy, gãy cây, tốc mái nhà; có nơi mỗi trận mưa là sấm sét vang dội; có nơi lại động mưa là ngập, động nắng là khô, suốt mấy chục năm vẫn chưa tìm ra cây trồng phù hợp...
"Năm 1996 thì bắt đầu mở đường vào đây. Hồi ấy, để dựng lán nhanh, chúng tôi phải mua loại tôn thật mỏng để dễ cuộn lại, vận chuyển được nhiều. Nhưng tôn mỏng thấm sương đêm, khiến ai cũng rét run lẩy bẩy, phải dậy đốt lửa cùng thức với nhau", Đại úy Trần Đức Luyện kể.
Giờ thì xứ Mô Rai heo hút, khắc nghiệt trên biên giới phía Tây của Kon Tum đã trở thành vùng cao su trù phú nhất của Binh đoàn 15, với năng suất 2,5 tấn/ha Những vườn cao su trẻ đạt tới 3 tấn/ha, dẫn đầu toàn ngành cao su Việt Nam. Những làng công nhân cao su nhỏ xinh đầy hoa tươi đã xuất hiện nhiều bên những con đường xuyên qua rừng cao su bát ngát.
Chị Vũ Thị Bắc, đội 5, thôn Ia Xoăn, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy làm công nhân từ năm 2000, khi vườn cao su đầu tiên ở đây mở miệng cạo. Chồng làm công nhân xí nghiệp chế biến, vợ nhận khoán và cạo mủ vườn cây, thu nhập của gia đình, năm ngoái đạt 200 triệu đồng. Theo chị Bắc, mức thu nhập này không cao so với xã hội, nhưng bù lại các cháu nhỏ được công ty chăm sóc từ khi gửi trẻ đến học hết phổ thông. Công ty còn cử người nấu ăn và hỗ trợ 1/3 suất ăn của mỗi em.
Theo lời chị Bắc, thợ cạo mủ hầu như phải làm việc trong bóng đêm (từ 1 đến 5 giờ sáng), giữa rừng cao su hoang vắng. Muỗi rợp trời, tấn công thợ từ đầu đến chân. Nhưng khổ nhất là đi cạo vào những buổi mưa. Vết cạo trên cao nên người thợ phải ngẩng cổ, nước mưa rỏ xuống theo đèn pin chảy đầy mặt, đầy mắt. Muỗi, lạnh, ướt, mắt cay không rõ đường cạo, khiến cảm giác khổ sở tăng lên gấp bội. Nhưng mãi rồi cũng quen.
Chúng tôi xin được xem con dao cạo mủ mà chị Bắc mang theo. Dao cán gỗ dài hơn gang tay, thân dao bằng thép 6 cạnh dài khoảng một gang tay nữa, nhưng phần lưỡi dao chỉ khoảng một lóng tay, giấu kín trong vỏ nhựa. Thấy tôi loay hoay tháo vỏ bọc, chị Bắc nhắc: “Cẩn thận, dao sắc lắm và rất nguy hiểm”. Khi vỏ được mở ra an toàn lưỡi dao lộ ra như con bướm bạc mới xòe một bên cánh sắc như nước. Với cấu tạo gấp khúc, mài sắc cả 3 hướng, dù đẩy tới, kéo lui hay gạt sang bên, dao đều có thể dễ dàng cắt đứt mọi thứ. Binh đoàn 15 có 17 nghìn lao động, nghĩa là sẽ có khoảng 10 nghìn con dao như thế này, cùng người lao động cần mẫn hàng đêm, đem lại thịnh vượng cho cả một dải biên cương gần 400km.
Khúc quân hành xanh tươi
Đại úy Nguyễn Quang Tiến là Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ của Công ty 78, Binh đoàn 15. Anh cũng là thầy dạy kỹ thuật cạo mủ cao su cho hầu hết công nhân mới của công ty trong những năm gần đây.
Theo đại úy Tiến, để làm một người thợ cao su, trước hết cần hiểu cấu tạo từng lớp của vỏ cây; hiểu rõ yêu cầu khai thác vừa hướng tới năng suất cao, vừa đảm bảo sức khỏe vườn cây; hiểu rõ kết cấu và công dụng từng phần trên lưỡi dao cạo, kỹ thuật mài... sau đó mới rèn luyện tay nghề. Truyền dạy ngần ấy nội dung cho những công nhân vốn chưa biết gì về cây cao su, thậm chí chưa biết chữ, hạn chế về tiếng phổ thông, là điều không đơn giản.
Theo Trung tá Nguyễn Chí Kiên, Chính ủy Công ty 78, ngành cao su có nhiều khâu gần như không thể cơ giới hóa, tự động hóa. Trong đó, cạo mủ là khâu quyết định vẫn chiếm hơn một nửa chi phí sản xuất, vẫn hoàn toàn là lao động thủ công. Bởi vậy, công nhân trong đơn vị có vị thế rất quan trọng.
Lãnh đạo Công ty và Binh đoàn đã đặt cho mình trách nhiệm đồng hành, chia sẻ những vất vả, gian lao với công nhân. Chính sự đồng cam cộng khổ này lý giải một phần cho năng suất bình quân hơn 2,5 tấn/ha, giá trị sản xuất hơn 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 220 tỷ đồng mà doanh nghiệp đạt được trong năm ngoái, khi toàn ngành cao su phải đương đầu với chồng chất khó khăn.
Thiếu tướng Hà Thiệu là tư lệnh thứ 2 của Binh đoàn 15, năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn vạm vỡ và tráng kiện. Sĩ quan Hà Thiệu đến Binh đoàn 15 từ khi binh đoàn mới thành lập (tháng 2/1985), khi ông đã mang quân hàm Trung tá. Nhiệm vụ được giao khi ấy là phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh trên dải biên giới phía tây tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Ngoài Công ty Cao su Đức Cơ và Trung đoàn hậu cần 732 (thành lập năm 1973), thì khi ấy biên giới Gia Lai - Kon Tum chỉ toàn các buôn làng xơ xác, tàn dư bom đạn và phỉ Fulro.
Theo tướng Hà Thiệu, bom đạn, giặc phỉ có gây không ít cản trở nhưng việc giải quyết vẫn trong tầm tay. Cái khó khiến lãnh đạo binh đoàn mất ngủ là “Làm kinh tế thế nào trên vùng biên giới nghèo kiệt và khắc nghiệt”. “Mất 3 năm, chúng tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi từng trải chiến tranh nhưng rỗng kiến thức về kinh tế. Phải đến năm thứ 4 mới định hướng được, là làm kinh tế thì phải gắn với các làng dân tộc thiểu số tại chỗ. Mà bà con quá nghèo và lạc hậu, nên muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải dìu dắt bà con tiến bộ lên. Ý tưởng đó dần cụ thể thành phương châm “Hộ người Kinh gắn với hộ dân tộc thiểu số, đội sản xuất gắn với buôn làng”, tiếp nối cho đến tận bây giờ và tạo nên những thành công”, thiếu tướng Hà Thiệu cho biết.
Nghỉ hưu đã hơn 20 năm và định cư ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng năm nào, khi cao su vào mùa thay lá, vị nguyên tư lệnh binh đoàn cũng trở về chốn cũ, “ngắm lại giang sơn” mà mình cùng đồng đội đã kiến tạo. Ông tự hào: “Địa bàn của đơn vị không còn người nghèo, đời sống rất lành mạnh. An ninh trật tự rất ổn. Khi xây dựng binh đoàn, chúng tôi không mong gì hơn thế và không tiền bạc, lợi nhuận nào có thể sánh bằng những kết quả này”.
Giờ đây, những người gánh vác nhiệm vụ của binh đoàn ngày một trẻ, phổ biến là lứa cán bộ - sĩ quan trên dưới tuổi 40. Khúc quân hành mà họ đang hát có tên là màu xanh. Màu xanh ấy mỗi năm lại điệp trùng, trở thành thành lũy trấn giữ biên giới quốc gia, trở thành nệm ấm chăn êm cho các xóm làng an cư lạc nghiệp./.
"Bộ phận kỹ thuật thì mở lớp dạy đêm cho công nhân mới tuyển; Công đoàn lo từ áo mũ, chăn màn, xoong nồi cho tới xe máy để đi làm. Lãnh đạo thức đêm cùng người lao động. Từ mấy năm nay, trong suốt mùa cạo, từ Tư lệnh Binh đoàn, Giám đốc, Chính ủy các công ty trong Binh đoàn dậy từ 1 - 2 giờ sáng, thăm và động viên công nhân làm viện trên các vườn cây. Thuận lợi cùng hưởng, khó khăn vất vả cùng gánh vác, cùng đoàn kết vươn lên"...
Trung tá Nguyễn Chí Kiên nói về “đặc sản” quản lý và dân vận của Công ty 78, Binh đoàn 15.
|