Nước biển đem phơi nắng rồi cho kết tinh lại là có muối. Đơn giản là thế, nhưng khi tận mắt nhìn mới thấy hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề.
Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khi trời nắng và khô ráo, người ta be bờ, đắp ruộng làm muối. Ruộng muối gồm nhiều ô (khuôn). Các khuôn được cào đất, lăn đất cho bề mặt nhẵn, chắc mịn trước khi cho nước biển vào.
Nước biển từ kênh rạch sẽ dẫn vào "khuôn lóng" trước, để lóng cặn hay bụi bẩn. Sau 2 - 3 ngày, thì cho nước từ "khuôn lóng" chảy vào "khuôn rang". Nước biển tại "khuôn rang" để lóng cặn và bốc hơi bớt, (khi nước biển ngót, lại được châm thêm cho đầy) rồi dẫn sang "khuôn chứa" để cho bốc hơi tiếp nhằm tăng độ mặn. Dùng trọng kế để đo độ mặn của nước biển. Khi chữ nước đạt con số 23 (nghĩa là muối sẽ kết tinh), nước biển được dẫn vào "khuôn ăn". Tại đây, muối "giống" được rải thêm vào để muối kết kinh tốt hơn. Lúc "khuôn ăn" đầy muối thì cào, gom thành từng gò nhỏ, rồi chuyển lên bờ để bán cho thương lái.
Trong suốt 13 - 15 ngày làm muối, nếu gặp mưa là hỏng, phải làm lại từ đầu. Dẫu biết nắng là làm việc sẽ mệt hơn nhưng người dân nơi đây chỉ mong cho con nắng thật to để muối thật ngon, thật đẹp.
Từ năm 2007, huyện Cần Giờ đã áp dụng mô hình kết tinh muối trên ruộng trải bạt, mang lại hiệu quả cao hơn, hạt muối đẹp và trắng hơn nên giá cũng cao hơn. Với diện tích 1.558ha (trong đó 1.079ha làm muối trải bạt), tổng sản lượng muối của Cần Giờ hiện nay là 80.000 tấn/năm. Thu nhập người dân nhờ vậy cũng tăng thêm, trung bình được 60 - 100 triệu đồng/ha.
Muối Cần Giờ nay không chỉ đáp ứng được thị trường trong nước mà còn chinh phục được thị trường châu Âu. Đời sống người dân cũng ngày một ổn định và khá giả hơn.