Năm nay, nắng nóng đến sớm, tình trạng hạn hán nghiêm trọng hơn cả năm 2016. Từ giữa tháng 12/2019, mực nước trên các lưu vực hạ nguồn sông Mê Kông giảm mạnh, thủy triều dâng cao, các dòng sông, kênh, rạch đều bị nhiễm mặn từ 2 - 4mg/lít. Cho dù đã có đập ngăn mặn trên sông Ba Lai, nhưng hệ thống sông chằng chịt lại thông với nhau, nên nước mặn ở các sông cửa Đại, sông Chẹt Sậy vẫn có thể đổ vào, khiến cho toàn bộ hệ thống sông của Bến Tre bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Hồ chứa nước ngọt lớn nhất khu vực miền Tây nằm ở 3 xã Tân Xuân, Phú Ngãi, Phước Tuy thuộc huyện Ba Tri, với sức chứa 800.000m3 nay đã nhiễm mặn hoàn toàn.
5.000ha lúa vụ Đông Xuân ở Bến Tre có thể mất trắng, hơn 20.000ha cây ăn trái có thể bị chết và thất thu. Người dân phải mua nước ngọt với mức giá từ 100.000 - 150.000/m3. Dù đã có chương trình hỗ trợ nước ngọt của Nhà nước nhưng nước cung cấp cho sinh hoạt vẫn không đủ. Nước máy sau xử lý ở các huyện Giồng Trôm và Ba Tri vẫn rất mặn, khiến cho việc sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Rất cần sớm có những chính sách, giải pháp xử lý tình trạng nhiễm mặn đất từ phía Nhà nước và chính quyền các cấp, bởi theo thời gian, việc xử lý mặn sẽ ngày một khó khăn hơn.