Thốt nốt là loài cây đặc trưng của vùng Bảy núi (thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang). Đến đây, có thể bắt gặp rất nhiều những hàng cây thốt nốt duyên dáng, huyền thoại: có nơi là những hàng cây mọc thẳng, vươn cao hàng chục mét; có nơi huyền bí như một khu rừng chìm trong sương sớm; có chỗ là những hàng cây uốn cong soi bóng trên mặt nước, tạo thành bức tranh phản chiếu rất đẹp.
Từ bao đời nay, cây thốt nốt đã gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Bảy Núi, nhất là bà con người dân tộc Khmer. Cây được trồng bằng hạt và hợp với vùng đồi núi khô hạn. Sau 20-25 năm trồng, cây trưởng thành cao từ 5- 7m, có đường kính thân cây từ 30 - 40cm, lá dài và xanh như lá dừa. Người Khmer trồng nhiều thốt nốt trong vườn và sau nhà để lấy nước uống, làm bánh hay làm đường để sử dụng trong gia đình.
Nước thốt nốt uống rất ngọt và tốt cho sức khỏe. Mất khá nhiều công sức để lấy nước thốt nốt: cắt vòi hoa, hứng nước qua đêm bằng chai nhựa từ chỗ cắt. Có thể thu hoạch được từ 1-2 lít nước thốt nốt/cây/đêm. Nước thốt nốt nguyên chất được thắng lại để có đường. Đường thắng xong cho vào hũ sành để dành. Người Khmer thường đổ đường đặc thành từng bánh tròn với sắc vàng tươi như nghệ, nhìn rất quyến rũ.
Người tiêu dùng không chỉ yêu thích đường thốt nốt vì sự ngon, thơm và mùi vị đặc biệt của nó. Từ nước thốt nốt, người dân trong vùng còn sản xuất món rượu thốt nốt thơm ngon hay các món ăn đặc sản vùng miền như bánh thốt nốt, hay chè thốt nốt...