Sự sáng tạo cùng tinh thần “sống xanh” ấy còn được các bạn lan tỏa thông qua nhiều kênh tương tác trên mạng xã hội.
Những ý tưởng hay
Chế tạo kệ sách từ chai nhựa và ni-lông, làm dụng cụ học tập từ ống hút, giấy vụn hay đèn học từ rác… là cách mà Nguyễn Tiên Khánh Tuyền cùng bốn bạn HS lớp 12A6 của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đã triển khai để bảo vệ môi trường. Cách đây không lâu, sau khi tình cờ xem đoạn video trên mạng, thấy một sinh viên Ấn Độ làm gạch từ ni-lông, Tuyền tấm tắc khen và nghĩ: “Sao mình không làm gì với số rác thải ngày càng tăng trong cuộc sống?”. Vậy là ý tưởng làm kệ sách từ chai nhựa và túi ni-lông ra đời. Những ngày đầu đi… xin rác thải rắn trong trường bằng cách đặt thùng rác tại mỗi lớp, nhóm Tuyền gặp khá nhiều khó khăn do các bạn chưa hợp tác. “Nhưng thuyết phục dần thì các bạn quen, số chai nhựa và túi ni-lông đã qua sử dụng thu được ngày một nhiều. Có rác rồi, chúng em tiến hành làm sạch và nén ni-lông vào chai để tạo ra những viên gạch đặc biệt. Không máy móc gì cả, tụi em ép tay toàn bộ nhưng “gạch” nặng và chắc lắm, đủ để làm ghế ngồi, kệ sách”, Tuyền cho hay.
Cũng như nhóm Tuyền, một ngày khi đi trên đường thấy chủ xe nước giải khát phải đốt bã mía vì số lượng quá nhiều, Lương Tâm Như (quận Thủ Đức) muốn nghĩ ra cách gì đó để hạn chế loại rác thải này. Giấy làm từ bã mía, tại sao lại không? May mắn thay, lúc đó giáo viên bộ môn Hóa học trên lớp triển khai dự án sáng tạo từ rác thải, Như bắt tay ngay vào việc. Lương Tâm Như nhớ lại: “Việc xin bã mía vô cùng đơn giản vì nơi đâu cũng có. Có bã mía rồi, em xay nhuyễn ra và đến các lớp xin giấy vụn đã qua sử dụng về tạo chất kết dính. Khi em đem giấy lên giới thiệu trước lớp, các bạn ngạc nhiên và thích thú lắm. Sau đó em rủ thêm vài bạn cùng làm với mình để cải tiến sản phẩm”.
Không chỉ làm giấy thô, nhóm của Như còn trang trí thêm hoa lá khô, vẽ họa tiết để “hô biến” giấy tái chế thành những bức tranh, khung hình xinh xắn. Những cuốn sổ tay nhỏ nhắn với tông giấy màu nâu nhạt tiếp tục ra đời trong sự cổ vũ của bạn bè. Ý tưởng sáng tạo này của Như và các bạn trong nhóm đã giành được giải thưởng cao nhất tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo học sinh và sinh viên Mastermind 2019 với chủ đề “Mục tiêu phát triển bền vững”. Hiện tại, số tiền thưởng từ cuộc thi được nhóm sử dụng để đầu tư cải thiện, phát triển sản phẩm nhằm sớm giới thiệu ra thị trường.
Lan tỏa hành động đẹp
Bên cạnh việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng, độ thẩm mỹ cho các sản phẩm tái chế, nhóm của Tuyền còn tạo nhiều video hướng dẫn làm đồ dùng từ rác theo phong cách trẻ trung, vui nhộn rồi chia sẻ trên mạng. Tuyền cho biết, các bạn tận dụng nhiều kênh kết nối trong trường để lan tỏa những ý tưởng thú vị từ rác thải nhựa. Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết: “Nhà trường rất vui và luôn tạo điều kiện để các em học sinh phát triển óc sáng tạo của mình. Chúng tôi có nhiều câu lạc bộ với các khu vực thực hành nhằm hiện thực hóa ý tưởng của các em. Việc tận dụng nguồn rác thải nhựa này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của nhiều người trong cộng đồng. Càng vui hơn khi số tiền bán sản phẩm tái chế này được các em trích ra một phần tặng những học sinh khó khăn trong trường”.
Nhiều dự án “0 đồng” với nguyên liệu chính là rác thải rắn đang được nhiều bạn trẻ tại TP.HCM triển khai và tạo nên hiệu ứng tốt trong cộng đồng. Một số bạn trẻ còn tạo kênh thu gom phế liệu, rác thải nhựa tận nhà cho người dân. Số rác thu về được phân chia rồi đem bán lấy tiền hỗ trợ gạo sữa, quà thiết thực cho người vô gia cư. Nguyễn Việt Anh, một bạn trẻ tại quận Gò Vấp đang triển khai hoạt động này chia sẻ: “Số tiền thu về không nhiều so với công sức bỏ ra nhưng tụi em vẫn hay nói là “một công đôi chuyện” vì giúp giảm rác thải trong môi trường và mang lại niềm vui cho người vô gia cư trong các dịp lễ, Tết như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… Thời gian tới tụi em sẽ nghĩ thêm nhiều cách để nâng cao giá trị của các loại rác thải, nhất là nhựa sử dụng một lần vì đây là loại phế liệu đang quá tải trong môi trường”.
Bên cạnh sự sáng tạo, nhiệt tình của người trẻ là những giải pháp thiết thực khác từ các tổ chức xã hội với mong muốn hạn chế thấp nhất số lượng nhựa sử dụng một lần thải ra môi trường. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ phấn khởi khoe: Nhiều tháng nay, Chợ quê giữa phố do hội quán tổ chức đã “nói không” với túi ni-lông. “Rau củ được chúng tôi gói trong lá chuối, cột bằng dây chuối hoặc cói mềm, khách tới mua cầm theo giỏ, hộp nhựa, ai quên thì chúng tôi tặng túi giấy. Chợ cũng bày bán nhiều giỏ bằng mây tre lá để ai cần mua là có. Mỗi tháng luôn có hoạt động cùng chơi cho các gia đình nhỏ. chúng tôi sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường trong những chương trình như thế này và lồng vào đó kiến thức cần thiết cho các em nhỏ. Đó là chương trình cùng nhau trồng cây, tặng cây; xếp châu chấu bằng lá dừa; tìm hiểu về nguồn nước sạch, cách phân loại rác thải từ nguồn…”, chị Thúy cho hay.
Mỗi người một cách, mỗi nhóm một ý tưởng khác nhau liên quan đến việc tận dụng rác thải nhưng kết quả mang lại đều tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Rác - thứ tưởng chừng chỉ bỏ đi - nay đã có thể trở thành những món hàng thu về lợi nhuận, giúp các nhóm thiện nguyện làm thêm nhiều việc có ích cho đời./.