Những lời dạy của Bác là động lực để bà Chu Chà Me phấn đấu trở thành người con ưu tú của dân tộc Hà Nhì.
Bên bờ kênh tả thuộc phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, gia đình bà Chu Chà Me là số ít gia đình thuộc dân tộc Hà Nhì chuyển về sinh sống. Căn nhà khang trang, ấm cúng được bày trí hiện đại. Phòng khách được bà dành riêng một không gian trang trọng đặt bức ảnh lịch sử “Hồ Chủ tịch với đoàn đại biểu nữ các dân tộc Tây Bắc” (1959) - Tấm ảnh kỷ niệm sâu sắc nhất tuổi thanh xuân của bà Chu Chà Me khi lần đầu được gặp Bác Hồ.
Những ký ức không quên!
Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì, bà Me như trẻ lại khi hồi tưởng về kỷ niệm 2 lần vinh dự được gặp Bác. Ký ức về những tháng ngày thanh xuân sôi nổi và đầy tự hào ấy cứ lần lượt hiện ra qua lời kể xúc cảm của bà. Đầu năm 1959, được sự động viên của cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, cô gái Chu Chà Me - khi ấy 17 tuổi - quyết tâm vượt núi băng rừng về Trường Dân tộc khu tự trị Thái Mèo (sau này đổi tên thành Trường Dân tộc khu tự trị Tây Bắc) với khát khao được học cái chữ, rồi ước mơ trở về xây dựng quê hương và giúp đỡ bà con Hà Nhì.
Một ngày đầu tháng 5/1959, bầu trời cao, trong xanh, lòng người ai cũng phấn khởi trong dịp chào mừng ngày Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954), khi đó bà Me và nhiều học sinh khác được phân công dọn vệ sinh quanh khu vực trường. Công việc đang sôi nổi thì có hai chiếc xe con chạy thẳng đến sân Ban giám hiệu đón học sinh đi gặp Bác Hồ và bà là một trong số những học sinh có vinh dự đó. Khi nghe tin, bà không giấu nổi niềm vui, chỉ kịp vận lên mình bộ trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì đẹp nhất, hồ hởi bước lên xe đi về Ủy ban Khu tự trị. Nhìn thấy Bác, có chị dân tộc hô to “Páu Hồ xen pi!” (Bác Hồ muôn năm), rồi cả hội trường vang lên tiếng hô lớn “Bác Hồ muôn năm!”... Trước mặt Chà Me khi ấy, Bác Hồ thật đẹp, da Bác hồng hào khỏe mạnh và Bác đẹp hơn trong ảnh rất nhiều.
“Khi còn ở nhà, các anh bộ đội biên phòng vẫn thường kể cho dân bản tôi nghe về Bác. Bác rất thương các dân tộc vùng cao. Gặp Bác, tôi cứ ngây người ra. Trước mặt tôi là Bác trong bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su… Bác Hồ - vị lãnh tụ của cả dân tộc Việt Nam mà sao bình dị, gần gũi quá!” - bà Me kể.
Trong tất cả chị em đi đón Bác hôm đó, bà Me là người ít tuổi nhất và đến từ nơi xa xôi nhất - cực Tây Tổ quốc nên được Bác Hồ dành nhiều tình cảm và ân cần hỏi thăm đầu tiên. Bà Me dưng dưng nhớ lại: “Bác thấy tôi và mỉm cười hiền hậu. Rồi Bác hỏi thăm về tôi, về dân tộc Hà Nhì… Khi ấy cảm xúc tôi dâng trào trong niềm vui lẫn lộn, cổ họng nghẹn lại, nước mắt cứ trào ra... Khi đó tôi bỗng nhớ đến dân tộc Hà Nhì, nhớ mẹ và đặc biệt nhớ người cha đã chết vì ách thống trị, sự chà đạp của chế độ cũ mà không còn được sống đến ngày nay để biết tới niềm vinh dự được gặp Bác”.
Chờ phút giây xúc động trôi qua, Bác ân cần dặn Chà Me: Cháu còn trẻ, tương lai còn ở phía trước. Cháu cố gắng học tập cho tốt và phải học thêm nữa. Cháu về nhà vận động thanh niên dân tộc Hà Nhì đi học, đi học nhiều mới có hiểu biết, có hiểu biết mới làm chủ được cách mạng, làm chủ được quê hương cháu, miền núi mới tiến kịp được miền xuôi…
Vẫn còn bồi hồi xúc động thì cuối buổi gặp mặt, bà Me lại vinh dự được đứng chụp ảnh cùng Bác. “Tôi đứng đối diện với Bác, vui cười, mắt nhìn thẳng vào Bác. Sau này khoảnh khắc ấy đã trở thành một ký ức đẹp đẽ nhất tuổi thanh xuân của tôi” - bà nhớ lại.
Hơn 1 năm sau, bà Me được Huyện ủy Mường Tè chọn đi dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1960 tại Hà Nội, cùng với đoàn đại biểu phụ nữ khu tự trị Thái - Mèo. Sau khi dự lễ mít tinh xong, trước nguyện vọng thiết tha của cán bộ, hội viên đoàn phụ nữ, 8 giờ sáng ngày 4/9/1960, Bác Hồ tới thăm chị em ở nhà khách của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong hàng trăm phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Bác Hồ vẫn nhận ra Chu Chà Me - cô gái Hà Nhì dũng cảm rời ngã ba biên giới để đi học cái chữ. Bác tiến lại gần và hỏi: “Cháu Chà Me à! Cháu đã học lớp mấy rồi? Cháu về quê thấy thanh, thiếu niên dân tộc Hà Nhì đã đi học nhiều chưa?... Bác khen Chà Me có tiến bộ, nhưng vẫn cần nâng cao trình độ văn hóa thì mới đóng góp cho dân tộc mình, cho xã hội tốt được…”. Bất ngờ xen lẫn xúc động, khi ấy bà không thể ngờ rằng vị lãnh tụ của dân tộc bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn nhớ tới bà, vẫn quan tâm tới việc học của những người Hà Nhì ở miền biên viễn… Tiếp lời Bác, Chà Me nói: “Thưa Bác! Thanh niên Hà Nhì đã đi học nhiều hơn trước rồi ạ”. Bác khen: “Thế thì tốt lắm! Cháu về nhà nói lại với thanh niên Hà Nhì là Bác rất mong các cháu tiến bộ nhanh”.
“Lời căn dạy của Bác cho đến hôm nay, từng câu, từng chữ vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi. Bác là ngọn đuốc soi đường cho tôi và dân tộc Hà Nhì tìm đến văn minh, ấm no và hạnh phúc. Mỗi lần ngồi ngắm lại bức ảnh lịch sử, tôi ngỡ Bác vẫn ở bên tôi, sống mãi với đời tôi, luôn gần gũi như cha, như mẹ động viên, khích lệ tôi trong công việc hằng ngày”.
Bà Chu Chà Me
|
Cũng trong buổi gặp gỡ ấy, Bác còn căn dặn chị em dân tộc thiểu số phải tự cố gắng, phấn đấu vươn lên, cố gắng học tập, nâng cao trình độ văn hóa để rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ. Nam giới có kỹ sư, bác sĩ thì nữ giới cũng phải có kỹ sư, bác sĩ, như thế mới bình đẳng được…
Luôn phấn đấu để xứng lời Bác dạy
Vâng lời Bác dạy, Chà Me cố gắng học hết lớp 2 và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới tròn 18 tuổi. Tháng 9/1959, sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Dân tộc khu tự trị Thái Mèo, Chu Chà Me trở về quê hương nhận công tác tại Đoàn Thanh niên huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ). Khi ấy trong thâm tâm bà tự nhủ, đây chính là môi trường thuận lợi để thực hiện lời dạy của Bác. Ngoài công tác, bà Me tích cực vận động thanh niên Hà Nhì đi học.
Sau nhiều năm lăn lộn, đặt chân đến hết các bản xa xôi ở các xã biên giới tuyên truyền vận động, hàng trăm thanh niên Hà Nhì đã quyết tâm đi học đại học. Ra trường, những thanh niên ấy tiếp tục trở lại xây dựng quê hương.
Trong thời gian năm 1962, khi công tác tại vùng biên giới khó khăn, ảnh hưởng bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bà Me vừa làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, vẫn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ và trau dồi kiến thức. Bà tự nhủ cần gương mẫu trong công tác, trong học tập thì mới có vinh dự được gặp lại Bác, làm Bác vui lòng. Lời dạy của Bác thôi thúc bà Me vượt qua những khó khăn, không tự ti bản thân là người dân tộc thiểu số. Sự cố gắng và lòng quyết tâm giúp bà Me học lên, thành cán bộ người dân tộc Hà Nhì đầu tiên có trình độ đại học.
Sau này trải qua nhiều đơn vị công tác và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, khi làm giáo viên, khi luân chuyển làm cán bộ dân vận hay phát thanh viên tiếng dân tộc… ở cương vị nào bà Me cũng được tổ chức tin tưởng, bản thân nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến bây giờ khi tuổi đã cao nhưng hằng ngày bà vẫn không bỏ thói quen đọc sách, báo và răn dạy con cháu điều hay lẽ phải… Noi gương bà, con em dân tộc Hà Nhì nói chung và các con cháu của bà đã phấn đấu học tập, trở thành những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Nhiều người đứng trong hàng ngũ của Đảng và tham gia vào nhiều vị trí quan trọng trong cấp ủy, chính quyền, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của địa phương./.