Những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

Sự vào cuộc quyết liệt và nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y đã giúp công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao.

 

Cả 16/16 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam đã xuất viện. Sự vào cuộc quyết liệt và nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y đã giúp công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao.

Covid-19 xuất hiện, đến nay cả ngành y tế và đặc biệt các bác sĩ trong lĩnh vực truyền nhiễm đã khống chế và điều trị cho cả 16 bệnh nhân. Nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định "Đến giờ phút này, chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn nhưng chưa thắng cả cuộc chiến”.

Làm việc không có Tết

Đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, số ca mắc và tử vong ở Vũ Hán ngày một tăng, thì TP.HCM phát hiện 2 trường hợp đầu tiên ở Việt Nam dương tính Covid-19 đó là 2 cha con người Trung Quốc sinh sống tại Vũ Hán. Lập tức, ngay hôm đó (29 Tết) Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc ký ban hành công điện về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra. Trên tinh thần chống dịch như chống giặc.

Các bác sĩ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm không có Tết và ngày nghỉ mong có kết quả nhanh và chính xác nhất.

Là bác sĩ trực chiến ngay tuyến đầu chống dịch, TS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: BV thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân (BN) về truyền nhiễm, nhưng khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi là đơn vị tiếp nhận, cách ly, sàng lọc điều trị cho BN nhiễm Covid-19. Từ khi xuất hiện dịch đến nay BV chúng tôi tiếp nhận trên 200 BN thuộc diện nguy cơ để sàng lọc và trong số đó có 5 BN được xác nhận nhiễm Covid-19 đã được điều trị thành công và ra viện. Trong công tác chống dịch, chúng tôi có khá nhiều việc phải làm. Dù so với dịch SARS cách đây 17 năm, các BN này nhẹ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đằng sau những công việc chữa trị, chúng tôi phải làm rất nhiều việc khác để tránh những điều không mong muốn cho cả người bệnh, cán bộ nhân viên y tế và cộng đồng khi có dịch”.

Ngoài điều trị và khám sàng lọc cho hàng trăm BN mỗi ngày, ngay từ khi có dấu hiệu bùng phát dịch với những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên đến nay, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải đảm nhiệm rất nhiều công việc để ứng phó với dịch như: tổ chức hoạt động cách ly, tổ chức khám và điều trị và áp dụng vào công tác chữa bệnh… Những công việc được thực hiện trong thời gian gấp rút với mong muốn khống chế được dịch bệnh càng sớm càng tốt.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi 3 tháng tuổi mắc Covid-19 (Ảnh: Xuân Tùng)

TS.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Kinh nghiệm từ đối phó dịch SARS rất quý giá đối với chúng tôi. Bình tĩnh để có chiến lược trong việc phân loại và sàng lọc, tổ chức điều trị ngay từ bước đầu sẽ tránh được điểm bất cập. Chính vì vậy, mặc dù quá trình điều trị của các BN khá lâu dài, cộng với số BN đến khám và sàng lọc ở BV rất đông nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cho đến giờ chưa có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm”.

Trước sự nguy nan của dịch bệnh, cả ngành y tế và đặc biệt là các bác sĩ trong lĩnh vực truyền nhiễm đã làm việc không có Tết và không có ngày nghỉ với những kịch bản đối phó với Covid-19. Các ca nhiễm mới liên tục xuất hiện ở Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Khánh Hòa, trong đó xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) trở thành điểm nóng của cả nước về dịch bệnh. Bộ Y tế đã cử đội đáp ứng nhanh gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai và BV Nhi Trung ương đến tăng cường hỗ trợ tập huấn, kiểm tra giám sát và khoanh vùng dập dịch để không lây lan ra cộng đồng. Ngay lập tức, 12 chốt liên ngành được đặt tại xã Sơn Lôi.

Dốc sức dập dịch

Là người trực tiếp tham gia đội đáp ứng nhanh tại xã Sơn Lôi, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viên Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, nhờ sự vào cuộc của ngành y tế và nhân dân trong xã, việc giám sát, cách ly, kiểm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đến nay Sơn Lôi chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới.

Bác sỹ thăm khám bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

“Với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, và hậu cần tại chỗ), việc cách ly cả một vùng có dịch được thực hiện khi tại vùng dịch đó đã có biểu hiện dịch lây lan cho cộng đồng, và có khả năng cao phát tán lây lan nguồn bệnh sang các nơi khác. Biện pháp này chính là cô lập toàn bộ nguồn lây, để dập dịch triệt để. Do đó, những BN dương tính với Covid-19 ở xã Sơn Lôi đã được cách ly và điều trị thành công ngay tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc”, ông Dương khẳng định.

Chia sẻ về thành công khi điều trị cho em bé nhỏ tuổi nhất mắc Covid-19, ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “BV đã thực hiện đúng hướng dẫn việc tiếp nhận, cách ly và điều trị của Bộ Y tế. Với em bé này chúng tôi xác định giới hạn đầu tiên có viêm long hô hấp trên cộng với bạch cầu cao. Do vậy chúng tôi đã cho kháng sinh đường uống. Mẹ cháu bé cũng được thực hiện cách ly và sau 3 lần xét nghiệm đều âm tính với Covid-19”.

Niềm vui của y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khi bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị thành công và xuất viện.

Hiện nay mỗi ngày BV Nhi TƯ có khoảng 2.000 bệnh nhi đến khám, tổng số bệnh nhi khám, điều trị và người nhà ở bệnh viện hằng ngày khoảng hơn 10.000 người. Chính trong thời gian cháu bé điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Nhi Trung ương, BV đã thực hiện nghiêm túc và theo dõi sát sao quy trình điều trị và cách ly nghiêm ngặt, để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Là người có thâm niên trong chuyên ngành truyền nhiễm, trong những ngày qua, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng nhận nhiệm vụ cùng Ban giám đốc tham gia chống dịch Covid-19. Ông nhận định, với tình trạng Covid-19, mặc dù tỷ lệ ca nặng không nhiều lắm nhưng sự lan tràn ra cộng đồng rất mạnh mẽ khi trên thế giới các ca mắc mới tăng hằng ngày và số tử vong cũng tăng. Các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ vừa phải điều tra dịch tễ, xét nghiệm và sàng lọc hàng trăm mẫu bệnh phẩm ở khu vực phía Bắc gửi về, vừa phải ngày đêm miệt mài nghiên cứu và phân lập chủng mới virus corona. “72 giờ thức trắng theo dõi từng phút từng giờ để rồi cảm xúc vỡ òa khi hình ảnh virus corona hiện ra. Đây cũng là sự hy sinh thầm lặng và nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế dự phòng giai đoạn này - là tiền đề cho việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng ngừa Covid-19 trong thời gian tới”, bác sĩ Hồng Hà nhận xét.

Ths Trần Thị Thu Hương, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết: “Việc làm không có ngày nghỉ liên tục từ Tết đến nay không áp lực bằng việc làm sao cho ra kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác nhất, trong khi khối lượng mẫu xét nghiệm tăng hơn chục lần so với ngày thường. Chưa kể, chúng tôi còn phân công khoa học để đến cơ sở y tế tiếp nhận bệnh phẩm, khai thác dịch tễ… Có lúc ăn bữa trưa đã 1-2 giờ chiều”.

Niềm vui của ngành y tế khi bệnh nhân mắc Covid cuối cùng được điều trị thành công tại cơ sở y tế huyện.

“Mẫu xét nghiệm quá tải trong khi chưa có kit chẩn đoán về Covid-19, do vậy chúng tôi càng quyết tâm để phân lập thành công chủng corona mới này”, Ths. Trần Thị Thu Hương.

Không được lơi lỏng…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra ngày 25/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị mọi người có mặt tại Hội nghị và các điểm cầu dành 1 phút tri ân đến những người thầy thuốc đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có những y bác sĩ đã hy sinh trong dịch SARS năm 2003 còn để lại cho chúng ta tấm gương và rất nhiều bài học đến ngày hôm nay.

“Ngày 27/2 năm nay là năm rất đặc biệt, không có hoa, và cả huân huy chương tôn vinh… nhưng chúng ta dành cho những người thầy thuốc những tràng pháo tay dài để tri ân, nhớ ơn họ. Cho đến thời điểm hiện tại, nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt, thậm chí, tốt hơn rất nhiều các quốc gia khác. Việt Nam đã thực hiện phòng, chống dịch cao hơn so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và sau này, chính WHO cũng nhận định rằng, những giải pháp sớm hơn và cao hơn mức khuyến nghị của WHO mà Việt Nam đã thực hiện là hết sức đúng đắn", ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cho đến thời điểm hiện tại, nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đã điều trị khỏi cho cả 16 bệnh nhân, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: "Đến giờ phút này, chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn nhưng chưa thắng cả cuộc chiến. Tình hình sẽ còn thay đổi rất khó lường, nhưng điều quan trọng là chúng ta có lòng tin, bám sát các nguyên tắc chúng ta đã chỉ đạo. Chúng ta kiên định, kiên trì, không vì bất kỳ một sức ép nào mà từ bỏ những nguyên tắc căn bản trong chống dịch và không được lơi lỏng phút nào".

Đây cũng là nhiệm vụ vinh quang của những chiến sĩ áo trắng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong thời điểm có dịch bệnh Covid-19 như hiện nay./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận