Quảng Ninh: Những người 'Vác tù và hàng tổng' ở vùng cao

Phụ cấp hoạt động không đáng kể, nhưng cán bộ ở thôn, bản và cộng đồng dân cư ở Quảng Ninh cần mẫn, thầm lặng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người dân.

 

Sinh năm 1984, chị Lý Thị Xuân được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn khi mới 33 tuổi. Thôn Thác Cát, xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ nơi chị sinh sống có gần 700 nhân khẩu, phần lớn là người Dao Thanh Phán, đời sống và nhận thức còn hạn chế. Chính vì vậy ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ, chị Lý Thị Xuân đã kiên trì, chủ động gặp gỡ từng người, tận dụng các mối quan hệ thân thiết để giúp đỡ, thuyết phục bà con làm theo chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống cộng đồng.

Chị Lý Thị Xuân chia sẻ: “Đi vận động không phải mình cứ đi nói là người dân thực hiện theo luôn. Chúng tôi tổ chức họp dân, đi vận động từng hộ gia đình. Dù đêm hôm nhưng có công việc đột xuất của thôn, bà con gọi là mình có mặt, thậm chí không gửi được con nhỏ cho ai, mình phải đưa cả con đi xử lý những công việc ấy”.

Anh Lỷ A Tài hướng dẫn bà con khôi phục nghề đan nón truyền thống, tạo việc làm lúc nông nhàn.

Với anh Lỷ A Tài, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An, huyện Đầm Hà thì không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương, anh còn trăn trở, làm sao để kết nối được những người trẻ mở lối đi riêng. Từ khi làm Bí thư chi đoàn, anh đã rất tâm huyết với mô hình chăn nuôi vườn đồi. Mô hình này đã được nhiều thanh niên của bản Dao học hỏi, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình và bản làng, vừa giảm bớt các tệ nạn xã hội.

Lỷ A Tài còn nghiên cứu thị trường, mạnh dạn thành lập Hợp tác xã, khôi phục nghề đan nón truyền thống thắp lên tinh thần khởi nghiệp bằng chính những sản phẩm của mảnh đất quê hương. “Chúng tôi tập hợp thanh niên phát triển kinh tế giỏi để tạo cơ hội cho anh em phát triển tư duy lập nghiệp, mong muốn đóng góp, truyền lửa cho thế hệ thanh niên dân tộc thiểu số, lan tỏa tinh thần lập nghiệp, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, anh Lỷ A Tài chia sẻ.

Những tấm gương tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò đầu tàu, đoàn kết cộng đồng.

Ông Hoàng Mít, dân tộc Tày, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Ở Ba Chẽ, các già làng, trưởng bản, trưởng họ, các nghệ nhân dân gian cùng hơn 1.800 người cao tuổi được nhân dân tôn trọng, mến phục từ lời nói đến thái độ, việc làm. Chính vì vậy, hoạt động của đội ngũ này đã góp phần không nhỏ vào công tác vận động, hướng dẫn bà con các dân tộc đoàn kết, chung sức phát triển kinh tế - xã hội thôn bản, quê hương. Chỉ tính riêng năm 2018, huyện Ba Chẽ có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số viết đơn xin thoát nghèo, bà con đóng góp hàng vạn ngày công, hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng đường giao thông và các công trình công cộng.

Ông Hoàng Mít khẳng định: “Với vai trò trách nhiệm của người có uy tín trong nhân dân, trước hết anh phải là người gương mẫu, miệng nói tay làm. Để mọi người theo mình thì mình phải luôn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân có ổn định tư tưởng, mỗi gia đình và việc sản xuất có ổn định hay không, có lực lượng này chính là "tai mắt" của Đảng, Nhà nước.

Dù ở vị trí công tác nào, những cán bộ ở cơ sở luôn là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, là hạt nhân tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp và trật tự, quốc phòng an ninh. Họ chính là "chất keo" gắn kết, củng cố tình đoàn kết của 22 dân tộc anh em tại địa phương, tạo nguồn lực to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận