Viết cuộc đời mình bằng... miệng

Cả tay và chân bị tật từ bé, anh Phùng Văn Trường ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã viết nên cuộc đời mình bằng... miệng.

 

Người thầy giáo làng ấy mở lớp học, thư viện sách miễn phí và giờ đây, anh còn có tâm nguyện được hiến xác cho y học.

 

Hành trình viết “cuộc đời” bằng... miệng

          Đến thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, chỉ cần hỏi nhà anh Trường, mọi người đều chỉ ngay đến căn nhà nhỏ cuối ngõ - nơi được gọi bằng cái tên thân thương là “thư viện làng”.

          Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng càng lớn, tay chân Phùng Văn Trường càng co quắp, yếu dần và không thể tự đi lại được. Căn bệnh thoái hóa cơ tiến triển đã khiến anh trải qua tuổi thơ không hề dễ dàng. Dù mang trong mình căn bệnh khó chữa, nhưng tinh thần hiếu học của anh Trường chưa bao giờ ngừng.

 

Với sự quyết tâm, kiên trì, anh Phùng Văn Trường đã chinh phục được những con chữ.

Đến năm học lớp 8, Trường buộc phải dừng việc học vì hai tay co cứng không thể cầm nổi bút. Từ đấy, cuộc đời Trường chỉ xoay quanh bốn bức tường, luôn cảm thấy tủi phận với các bạn cùng trang lứa. Những ngày tháng ngồi sau cánh cửa nhìn bạn bè đến trường, Trường đau đáu nỗi khao khát được như chúng bạn. Anh chỉ mong muốn được lành lặn, khỏe mạnh để học cao hơn nữa, hoàn thành mơ ước trở thành giáo viên của mình.

Khi tay không thể cầm bút, bàn chân cũng bị liệt, mọi hoạt động của Trường gắn liền với chiếc xe lăn. Nhưng anh chưa một lần từ bỏ khao khát được viết, được đọc sách. Một lần xem tivi, anh thấy có người dùng miệng để viết, thế là anh bật ra suy nghĩ: Tại sao mình không thử? Đặc biệt, tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký đã tiếp thêm động lực để anh tiếp tục hành trình chinh phục con chữ. Anh Trường bắt đầu tập dùng miệng để luyện chữ. Nhiều hôm bút đâm thẳng vào họng gây buồn nôn, thậm chí chảy cả máu nhưng anh chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.

Những nét chữ mềm mại, nắn nót được viết bằng miệng.

Sau thời gian dài luyện tập, anh biết cách dùng hàm làm điểm tựa khi chọc nghiêng, răng cửa là ngón tay, dùng cổ đưa những nét bút lên xuống giống như cổ tay của mình. Phải mất cả tháng trời anh mới viết được tên mình bằng nét vẽ xiên xẹo đầu tiên. Viết chưa đủ, Trường mong muốn mình phải viết đẹp hơn nữa. Bằng sự kiên trì, chăm chỉ luyện viết ngày đêm, anh đã chinh phục được những con chữ. Bây giờ, nhìn những nét chữ mềm mại, bay bổng của anh, không ai nghĩ dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng.

Lớp học nghèo và thư viện cộng đồng miễn phí

Không muốn cuộc đời mình phụ thuộc vào gia đình nên anh Trường đã quyết tâm tự lo cho bản thân bằng cách mở sạp nhỏ để bán hàng. Mơ ước được làm thầy giáo cũng chưa bao giờ phai mờ trong anh. Ban đầu anh chỉ kèm cặp thêm cho các cháu trong họ, tận tình uốn nắn cho các cháu từng nét chữ. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình trong xóm Nam Phương Tiến đều đưa con đến gửi gắm, mong có thể lấy anh làm tấm gương cho sắp nhỏ noi theo học hành chăm chỉ. Từ đó, chiều chiều, căn phòng đơn sơ của anh lại ríu rít tiếng học bài của các cháu nhỏ.

Lớp học của anh Trường chiều nào cũng ngập tràn tiếng đánh vần, cười đùa của các em học sinh.

Lớp học đặc biệt của thầy Trường không có bảng đen, phấn trắng như những lớp học bình thường khác. Chỉ chiếc bàn gỗ nhỏ, giá sách, nhưng nơi đây lại có một người thầy tâm huyết, chỉ bảo tận tình qua mỗi bài giảng và tràn đầy tình yêu thương dành cho học trò. Nét chữ đẹp, điêu luyện và chính xác từng ly được viết bởi người thầy tật nguyền cũng chính là động lực để những đứa trẻ cố gắng.

Gần 10 năm qua, lớp học miễn phí của anh lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ đánh vần và làm các phép toán. Tiếng ríu rít của bọn trẻ sau giờ tan trường là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mà anh có. Nhiều hôm trái gió trở trời, chân tay anh đau nhức không nhấc lên được nhưng chưa bao giờ anh vắng lớp.

Để sống một cuộc đời tàn nhưng không phế, chàng trai trẻ đã phải chống chọi với những đau đớn, khó khăn mỗi ngày để sống lạc quan và trở thành một người thầy truyền cảm hứng, mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em nghèo. Cũng từ đó, anh thấy cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa hơn.

Anh Trường hy vọngthư sách miễn phí có thể gieo tình yêu sách đến với vùng quê nghèo nơi đây.

Thấy những đứa trẻ ở làng quê mình ít có cơ hội tiếp xúc với sách anh nảy ý tưởng kết hợp với dự án thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) lập Tủ sách ước mơ tại ngôi nhà của mình để các em nhỏ mượn sách miễn phí mỗi ngày. Dưới sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và tổ chức từ thiện, anh Trường đã nhận được sự giúp đỡ thành lập thư viện cộng đồng. Với hơn 3.000 đầu sách về khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh mà thư viện đang có, anh tâm niệm có thể gieo tình yêu sách đến với vùng quê nghèo nơi đây. Với quan niệm mỗi trang sách là một kho tàng tri thức, anh hy vọng đọc sách sẽ giúp các em có thêm kiến thức mới, rèn luyện đức tính kiên trì, ham học hỏi.

Những cuốn sách được anh Trường phân loại cẩn thận, chia thành nhiều lĩnh vực để các em nhỏ dễ tìm hơn. Bên cạnh đó, anh còn xin thêm những bộ sách giáo khoa cũ để tặng cho các học sinh nghèo, khó khăn trong xã.

Bạn Nguyễn Văn Hảo (lớp 5, trường Tiểu học Nam Phương Tiến) hào hứng: “Thư viện của thầy Trường là nơi em ghé vào mỗi chiều trong suốt 3 năm qua. Em rất thích đọc những quyển sách văn học như Đất rừng Phương Nam, truyện ngắn Nam Cao… Trên lớp em chỉ được học những đoạn trích và không có sách để mượn về. Bởi vậy, khi thầy Trường lập thư viện miễn phí, chúng em rất vui, thường xuyên ghé thăm sau giờ tan học.

“Ai cũng sống một lần trong đời, hãy sống sao cho cuộc đời này thêm đẹp, thêm ý nghĩa hơn. Dù tôi bị khuyết tật nhưng trái tim tôi không khuyết. Còn thời gian, tôi vẫn tiếp tục hoàn thành những nguyện ước của mình”.

Anh Trường tâm sự.

Sống là cho, chết cũng là cho

Thời gian gần đây, sức khỏe anh Trường giảm sút rất nhiều, không thể tự lên xuống xe lăn, dạy học đều đặn như trước nữa. Anh luôn đau đáu một ước nguyện cuối cùng là được hiến tạng cho y học, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn khác. Anh mong rằng khi mất đi, trái tim mình vẫn đập, phổi vẫn thở và đôi mắt sáng mãi dõi theo cuộc đời này. “Chuyện hiến tạng vốn là ước nguyện của tôi. Nếu một người nào đó quanh năm sống trong bóng tối, nhờ có đôi mắt của tôi mà họ nhìn thấy ánh sáng thì tôi ra đi còn một chút ý nghĩa cho đời”, anh Trường tâm sự.

Hơn thế, anh còn mong muốn mình sẽ là người tiên phong để phong trào hiến tạng ở quê hương anh phát triển. “Thân mình là giả tạo, giống như cái áo, rách thì phải thay. Nhưng những phần nguyên vẹn còn sót lại trên chiếc áo đó còn có thể vá lại cho chiếc áo khác hoàn hảo hơn thì nên làm”. Đó cũng là cách mà anh muốn cảm ơn cuộc đời đã cho anh được sống mạnh mẽ.

Cậu con trai nhỏ chính là động lực cho anh tiếp tục thực hiện những nguyện ước cao cả, ý nghĩa cho cuộc đời.

Đến bây giờ, anh thật sự mãn nguyện vì có một người vợ hiền lành, nhân hậu, biết hy sinh và một cậu con trai 6 tuổi khôi ngô, ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ. Điều đặc biệt, anh Trường luôn được vợ con đồng hành trong những chặng đường sắp tới. Con trai như đôi chân, đôi tay của anh, là món quà quý giá nhất mà ông trời ban tặng cho số phận kém may mắn của anh. Anh luôn mong mình có thể trở thành niềm tự hào của con, cùng con nuôi dưỡng những đam mê bằng nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Hơn 40 năm cuộc đời, anh Phùng Văn Trường đã vượt qua bao trở ngại để viết nên những dòng chữ thật đẹp về cuộc đời mình. Với tôi, anh chính là ngôi sao sáng để nhiều người noi theo, cũng như lan tỏa thông điệp tình thương qua những hành động đẹp./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận