Cao nguyên sáng

Với chương trình điện khí hóa nông thôn, ngành điện không chỉ tạo điều kiện cho công nghiệp Đắk Lắk phát triển bền vững...

Đem lại ánh sáng niềm tin

Trên vùng đất cao nguyên hùng vĩ, Đắk Lắk đang vươn mình đứng dậy, đảm nhiệm đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa trong khu vực và cả nước. Kết quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, trong đó có sự đóng góp của cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Đắk Lắk - những người đã và đang thực hiện sứ mệnh “đi trước, đón đầu” để giữ vững và phát triển nguồn năng lượng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh của tỉnh nhà.

Với chương trình điện khí hóa nông thôn, ngành điện không chỉ tạo điều kiện cho công nghiệp Đắk Lắk phát triển bền vững, mà còn đem lại ánh sáng niềm tin cho bà con các dân tộc. Ánh sáng văn minh được thắp lên đã đẩy lùi bóng tối ngàn năm của lối mòn, nếp nghĩ và cách làm ăn tạm bợ giữa núi rừng. Có những buôn làng trước đây nghèo đến mức không thể nghèo thêm được nữa, nhưng giờ đây, ngay trên mảnh đất này, bà con đã vững vàng với cuộc sống mới.

H’Yến - cô gái dân tộc Ja Rai, khi vừa cất tiếng chào đời cũng là lúc quê hương hoàn toàn giải phóng. Bởi vậy, cô không hiểu hết được chiến tranh là gì, nhưng qua học tập, sinh hoạt và những câu chuyện kể của các cô, chú, các già làng, cô hiểu được phần nào nỗi khổ cực của người dân mất nước và sự nhọc nhằn của bà con dân bản khi phải lang thang trong cảnh du canh du cư với phương thức canh tác chọc lỗ trỉa hạt. Bây giờ sống trong cảnh hòa bình xây dựng, bà con Buôn Đôn quê hương cô đã làm quen với cái chữ, con mắt đã làm quen với ánh điện và tiến bộ hơn là đã biết dùng điện bơm nước tưới cho cây trồng, cho xay xát lương thực, chế biến thực phẩm...

Ở tuổi 37, chàng trai Ê đê Ya Sao chắc như hòn đá cuội, nhanh như con sóc rừng, anh có khá nhiều biệt tài, nhưng tài hơn cả là biết trồng và chăm sóc cây cà phê cho ra nhiều quả, trồng cây bắp cho bắp to, hạt mẩy. Từ hai bàn tay trắng, anh đã trở thành tỷ phú của buôn làng. Ya Sao thật thà: “Mình không giỏi đâu, mọi thứ là nhờ cái “anh điện” cả đấy. Cái “anh điện” theo cách nói của anh, đó là nhờ có điện ổn định, nên đã chủ động được nguồn tưới, do đó, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây cà phê và đầu tư mua máy cày, máy bơm nước, máy sấy. Vì thế, rẫy của anh lúc nào cây cũng tươi tốt, năng suất cây trồng cao, sản lượng lớn và chất lượng tốt nên khách hàng tìm đến tận nhà để mua.

Để tìm hiểu thêm về những đóng góp của ngành điện đối với sự phát triển của Đắk Lắk cũng như của chính ngành điện, chúng tôi đã đến Công ty Điện lực Đắk Lắk. Anh Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Ngày đầu mới thành lập (28/12/1976), nguồn điện của tỉnh chưa được 3,5MW với 2 trạm thủy điện nhỏ là Đrây-H’Linh và Ea Nao cùng các tổ máy diesel cũ kỹ, chắp vá ở trung tâm Buôn Ma Thuột và một số huyện lân cận. Tổng số đường dây trung áp lúc bấy giờ chưa đến 70km cùng với 50 trạm biến áp phụ tải. Sản lượng điện khoảng 1 triệu kW/h của năm đầu và tăng lên 2 triệu vào những năm 1979 - 1980. Lúc này, nhu cầu phụ tải tăng mạnh, vì vậy, phải áp dụng “1 có, 1 không” mới đủ cân đối được nguồn - tải, nhưng cũng chủ yếu cho các trung tâm và những vùng lân cận. Để giải quyết thực trạng này, Công ty Điện lực miền Trung đã huy động nguồn diesel từ các đơn vị bạn trong EVNCPC về cho Đắk Lắk xây dựng thành Trạm diesel Ea Tam với công suất lắp đặt ban đầu từ 3x315 kW sau tăng thêm 6x720kW, nhờ vậy đã giải quyết được cơ bản bài toán thiếu điện trong giai đoạn 1980 - 1984.

Đầu tư cho tương lai của dân

Cũng từ năm 1984, để khai thác tiềm năng thủy điện trong tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, EVNCPC đã phối hợp với tỉnh Đắk Lắk khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Đrây H’linh. Tuy chỉ có 3 tổ máy với công suất 12MW, nhưng vào thời điểm đó, Nhà máy thủy điện Đrây H’linh được thiết kế thuộc loại lớn nhất Tây Nguyên. Sau 5 năm thi công, tháng 10/1989, tổ máy số 1 và trong vòng 6 tháng sau đó, 2 tổ máy còn lại lần lượt đưa vào vận hành làm nức lòng tầng lớp nhân dân địa phương và của những người thợ điện. Đến năm 1989, sản lượng điện của Đắk Lắk đã đạt trên 23 triệu kW/h, tăng gần 20 lần sản lượng của năm 1976. Đặc biệt là sau khi Nhà máy thủy điện Đrây H’linh đưa vào vận hành, tỉnh Đắk Lắk không phải cắt điện luân phiên như những năm trước và sản lượng điện lúc này đã tăng vọt từ 23 triệu kWh của năm 1989 lên gần 40 triệu kWh năm 1991.

Hiện nay, Cty Điện lực Đắk Lắk đang quản lý và vận hành hơn 4.300km đường dây trung áp; 5.700km đường dây hạ áp; 4.500 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng là 954.200 kVA. Điện lưới Quốc gia đã về tận 184/184 xã, phường, thị trấn với 520.000 khách hàng được dùng điện. Năm 2017 vừa qua, sản lượng điện thương phẩm đã đạt gần 1,5 tỷ kWh, doanh thu tiền điện đạt 2.400 tỷ đồng và năm 2018 này, dự kiến sẽ đạt và vượt con số 1,5 tỷ kWh. Cùng với việc triển khai nhiều biện pháp để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, Cty Điện lực Đắk Lắk luôn chú trọng đến các hoạt động xã hội, từ thiện đặc biệt là công tác đền ơn đáp nghĩa... Hằng năm, Cty đã chi 1 tỷ đồng cho công tác này.

Hiện tại, Cty Điện lực Đắk Lắk đang triển khai thực hiện các dự án đưa điện lưới Quốc gia về 31 thôn, buôn của 9 xã thuộc 11 huyện. Đây là tiểu Dự án cấp lưới điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018 - 2020 do EU tài trợ, UBND tỉnh làm chủ đầu tư, số hộ được hưởng lợi trực tiếp trong các Dự án này là 6.890 hộ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng thanh tra bảo vệ và Pháp chế Công ty Điện lực Đắk Lắk chia sẻ: “Tiền đầu tư để đưa điện về cho bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có khi còn thừa để mua cho mỗi hộ một cái máy phát điện nhỏ, bởi kéo cho được hàng chục km đường dây, hạ cho được cái máy biến áp 25kVA ở những nơi khó khăn ấy là rất tốn kém và có thể vài ba chục năm sau, thậm chí là lâu hơn mới thu hồi được vốn, nhưng vì cuộc sống, vì sự phát triển của bà con các dân tộc nên vẫn phải đầu tư”.

Tấm Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng tập thể cán bộ nhân viên Công ty Điện lực Đắk Lắk chính là sự ghi nhận những cố gắng vượt bậc, những đóng góp to lớn và quan trọng của Công ty Điện lực Đắk Lắk trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của địa phương, làm sáng đẹp vùng đất cao nguyên./.

Box:

Hệ thống lưới điện phát triển hợp lý nên tỷ trọng công nghiệp của Đắk Lắk ngày một tăng cao, góp phần đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tỉnh tăng bình quân hằng năm là 9,7%, đời sống của bà con các dân tộc từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 204USD năm 1990 lên 450USD năm 2005 và 750USD năm 2017.

Bình luận

    Chưa có bình luận