Sức trẻ Việt trên xứ sở Bạch Dương

Các sinh viên Việt Nam đang học ở Nga đã giới thiệu một hình ảnh giới trẻ Việt Nam tự tin, năng động và sẵn sàng hội nhập với bạn bè quốc tế…

 

Trẻ trung, tự tin, năng động, hăng say học tập rèn luyện và nhiệt tình với các phong trào tình nguyện… là những nét khái quát về các thế hệ sinh viên Việt Nam đang học tập tại LB Nga.

Luôn cháy hết mình

Dường như đối với những chàng trai, cô gái đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi này, được “cháy hết mình” với những đam mê và cống hiến cho cộng đồng, xã hội là ước muốn tự thân và hiển nhiên.

Trần Phước Anh hiện là sinh viên năm cuối ngành Thiết kế, xây dựng và vận hành Nhà máy điện nguyên tử Trường ĐH Nghiên cứu Quốc gia Hạt nhân MEPhI - LB Nga. Những bỡ ngỡ của ngày đầu đặt chân đến đất nước xa xôi, mùa đông tuyết phủ trắng khắp nơi, cái lạnh kéo dài tới 6 tháng trong năm đã nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho những khám khá về một môi trường học tập văn minh và thân thiện.

Phước Anh (người đứng giữa hàng thứ 2) trong chương trình thăm các cụ ở Viện dưỡng lão Dubna - tỉnh Kaluga.Phước Anh chia sẻ, đối với chuyên ngành mà em theo học thì Nga là một trong những nước có trình độ đào tạo hạt nhân tốt nhất trên thế giới, và có nhiều nhà máy điện hạt nhân nên việc vận dụng những kiến thức khi được thực tập trong các nhà máy giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế, nhớ lâu kiến thức trên giảng đường.

“Với kiến thức học được tại Nga, tôi muốn được trở về quê hương đóng góp một phần vào sự phát triển ngành Vật lý hạt nhân của Việt Nam. Tôi cho rằng, dù đã ngừng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng rất nhiều ngành nghề cần đến tính ứng dụng của Vật lý hạt nhân như trong y tế, bảo quản thực phẩm, công nghiệp...”, Phước Anh chia sẻ.

Không chỉ tích cực trong học tập, Phước Anh còn là thành viên năng động, nhiệt tình của Ban tổ chức đoàn. Gần như sự kiện nào của đoàn thanh niên hay sinh viên các trường ĐH ở Nga tổ chức, Phước Anh đều có mặt. Phước Anh tâm sự: “Từ nhỏ em đã “nghiện” hoạt động tập thể. Hoạt động Đoàn đã ngấm vào trong máu, nên dù ở đâu em vẫn nhiệt tình tham gia”.

Em đã trải qua các chức vụ từ bí thư chi đoàn đến bí thư Liên chi Đoàn thành phố Obnhinsk - là nơi đặt trường ĐH Nghiên cứu Quốc gia Hạt nhân MEPhI, rồi đến Ủy viên Ban cán sự Đoàn tại LB Nga. Đặc biệt, em là thành viên Ban tổ chức của tất cả các mùa hội trại của sinh viên Việt Nam tại LB Nga mang tên “Obnhinsk summer camps”. Trên mỗi cương vị, Phước Anh đều thể hiện vai trò tiên phong, kêu gọi các bạn đoàn viên, sinh viên tham gia, tạo nhiều sân chơi văn hóa, văn nghệ lành mạnh cho các bạn để bù đắp phần nào nỗi nhớ gia đình, quê hương.

Phước Anh là Phó trưởng BTC hội trại Obnhinsk camps 2019 (thứ 7 từ phải sang ở hàng đứng phía sau).Chàng sinh viên quê Đà Nẵng này còn sáng lập hội từ thiện “Vòng tay Việt - Nga”. Hằng tháng Phước Anh cùng nhóm bạn tổ chức những chuyến thăm đến các viện dưỡng lão để giúp đỡ những người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đến một số nhà trẻ để giao lưu, giúp đỡ và động viên các em nhỏ mắc các bệnh hiểm nghèo. Các em còn kết nối được một vài tổ chức từ thiện của Nga để cùng tham gia các chuyến từ thiện.

Qua những hoạt động tập thể vì cộng đồng này, Phước Anh và các bạn trở nên trưởng thành hơn, tích lũy được kinh nghiệm làm việc nhóm, học hỏi được nhiều điều từ thực tế cuộc sống và góp một phần nhỏ bé vào việc vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Nga.

Hiện có khoảng 6.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại 180 trường đại học ở 60 thành phố của LB Nga, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Matxcơva và Saint Peterburg.

“Lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”!

Tương tự Phước Anh, Nguyễn Thị Nhật Linh, nghiên cứu sinh năm thứ nhất chuyên ngành Quản lý truyền thông kinh doanh - trường Đại học Hữu nghị các dân tộc của Nga, là một trong những gương mặt tiêu biểu của sinh viên Việt Nam tại Nga trong các hoạt động tình nguyện.

Nhật Linh (thứ 4 từ trái sang) là đại biểu của Việt Nam trong chương trình trường hè quốc tế: giáo dục về môi trường và phát triển tại Iran năm 2018.Thành tích của Nhật Linh rất đáng nể: Em từng được chọn là đại biểu trẻ của Việt Nam tại nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, trong đó có thể kể đến Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới năm 2017 tại Sochi - Nga; Diễn đàn Người trẻ Thế giới 2018 tại Ai Cập; Em là một trong hai đại biểu người nước ngoài duy nhất thuộc phái đoàn của nước Cộng hoà Tatarstan (khi em còn là sinh viên Khoa báo chí tại trường ĐH Tổng hợp Kazan-Tatarstan) tham dự Diễn đàn Tình nguyện viên Quốc tế 2018 tại Nga; đại biểu Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh các giải pháp toàn cầu - Diễn đàn Chính sách Thế giới 2019 tại Berlin - Đức; tình nguyện viên người Việt duy nhất của FIFA tại World Cup 2018; đại biểu Việt Nam tại Tuần lễ châu Á - Thái Bình Dương 2018 tại Đại học quốc gia Úc; đại biểu Việt Nam tại Diễn đàn Tình nguyện viên Quốc tế 2019…

Nhật Linh tâm sự: “Tôi luôn tự ý thức rằng, mỗi du học sinh Việt Nam ở nước ngoài chính là một hình ảnh đại diện của dân tộc Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Mỗi du học sinh cần nhận thức được trách nhiệm và vai trò của mình như là những đại sứ trẻ của đất nước để tích cực quảng bá văn hoá và con người Việt Nam ra khắp năm châu.

Chính vì thế, trong suốt quãng thời gian theo học tại Nga, tôi luôn tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện và giao lưu, trao đổi với sinh viên quốc tế. Thông qua các hoạt động này, tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh con người Việt Nam nói chung và người trẻ Việt Nam nói riêng năng động, giàu nghị lực, bản lĩnh, có đầy đủ khả năng và kỹ năng để tự tin hội nhập quốc tế, sánh vai cùng bạn bè năm châu”.

Nhật Linh - diễn giả khách mời kiêm giải thưởng đại sứ xuất sắc nhất của Trường hè quốc tế RANEPA 2019.

Trong học tập, Nhật Linh nhận thấy, các trường ĐH của Nga chú trọng phát triển kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành chuyên môn và cả kỹ năng mềm cho sinh viên. Ngoài các giờ học chính trên lớp, sinh viên luôn được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khoá như trình bày tham luận tại các hội nghị nghiên cứu khoa học, tham gia vào các cuộc thi dành cho sinh viên và người trẻ, tham gia vào các tổ chức sinh viên, các hoạt động tình nguyện và nhiều hoạt động khác.

Môi trường giáo dục ĐH năng động của nước Nga đã giúp em phát triển bản thân một cách toàn diện hơn. Với những thành tích trong học tập và tham gia các hoạt động tình nguyện, nữ sinh quê Đồng Nai này đã giành được suất học bổng để học tiếp lên thạc sĩ, ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí tại trường Đại học Tổng hợp Kazan-thuộc nước cộng hòa Tatarstan-LB Nga, năm 2019. Trong tương lai, Nhật Linh có mong muốn được vận dụng những kiến thức và kỹ năng về báo chí và truyền thông mà em đã tích luỹ được trong quá trình học tập và rèn luyện tại Nga để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực ngoại giao công chúng, truyền thông và báo chí quốc tế. Em tin rằng, với công việc này, em sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trở thành hướng dẫn viên du lịch tiếng Nga là mong muốn của bạn Văn Thị Bảo Ngọc, quê ở Hội An, Quảng Nam, hiện đang học thạc sỹ năm thứ 2 chuyên ngành Ngữ Văn tại trường đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva. Bảo Ngọc chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, em sẽ về nước để truyền tình yêu Việt Nam của mình cho khách du lịch, để Việt Nam của em có thể chưa đẹp nhất, nhưng sẽ không thể nào quên trong trái tim những người đã từng đặt chân tới đất nước này”.

Bảo Ngọc tham gia hội trại Obninsk summer camps 2019.Bảo Ngọc cảm nhận rằng, có những người Nga mới chỉ biết Việt Nam qua các danh lam, thắng cảnh, bãi biển đẹp nổi tiếng như Phan Thiết, Nha Trang, hay Phú Quốc, nhưng em muốn họ biết đến Việt Nam là một đất nước với bề dày văn hóa, nghệ thuật ẩm thực tinh tế và con người gần gũi, bình dị, yêu nụ cười.

Còn đối với bạn Bùi Quốc Vương, đang học chương trình thạc sĩ năm cuối cũng tại trường Đại học Sư phạm Quốc gia Mátxcơva, chuyên ngành chính trị học, thì sau khi tốt nghiệp, em sẽ trở về Việt Nam, tiếp tục công tác tại Học viện An ninh nhân dân. Chiến sĩ an ninh trẻ luôn xác định cho mình một nhiệm vụ cao cả, đó là “tích cực đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phản động, bôi nhọ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Bùi Quốc Vương dẫn chương trình Đường đến nước Nga 8/12/2019.

Bùi Quốc Vương hiện là Phó bí thư Ban cán sự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại LB Nga. Bên cạnh việc nỗ lực học tập, em luôn hăng hái và có nhiều sáng kiến trong các hoạt động đoàn. Cuộc thi “Đường đến nước Nga” do Ban cán sự Đoàn tại LB Nga vừa tổ chức thành công tại trường ĐH Sư phạm Quốc gia Mátxcơva có sự đóng góp của Phó bí thư Bùi Quốc Vương.

Có thể nói, các SV Việt Nam đang học tập tại các trường ĐH ở LB Nga đã thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Các em đã giới thiệu một hình ảnh giới trẻ Việt Nam tự tin, năng động và sẵn sàng hội nhập với bạn bè quốc tế./.

Anh Tú/VOV LB Nga

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận