Lặng thầm làm bạn với... khỉ

Ngoài việc ngày đêm lặng thầm chăm sóc, còn phải hiểu biết về đặc tính sinh học của khỉ mới có thể làm tốt việc chăm sóc cho chúng phát triển.

 

Suốt gần 60 năm qua, trên hòn đảo hoàn toàn cách biệt với đất liền có những con người ngày đêm lặng thầm chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho đàn khỉ vàng để phục vụ nghiên cứu và sản xuất vắc-xin.

Vương quốc “cấm” của khỉ

Từ bến thủy nội địa Vũng Đục (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) đi xuồng cao tốc khoảng 3km mất 15 phút sẽ đến "Hoa quả sơn" (tên gọi khác của đảo Rều) thanh bình - bản doanh chính của bầy khỉ vàng Macaca mullata. Đón chúng tôi từ đất liền, Trưởng đảo Vũ Công Long (SN 1964) nhắc nhở mọi người bước vào máng nước khử trùng để giữ môi trường tốt cho đàn khỉ.

Những chú khỉ vàng Macaca mullata - nguồn gen quý hiếm ở đảo Rều. (Ảnh: Quý Hoài)

Xưa kia, nơi đây chỉ là đảo hoang. Năm 1962, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập đảo Rều đất (rộng 22ha) và đảo Rều đá (rộng 17ha) để đầu tư phát triển đàn khỉ vàng phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (nay thuộc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế).

Tận mắt thấy những sàn nhà lát đá hoa sạch bóng, những chú khỉ lông vàng óng mượt, vin cành bẻ cây thoăn thoắt, mới biết được sự tận tụy và trách nhiệm của những cán bộ nuôi khỉ trên đảo Rều. Khỉ rất tinh nghịch, có khi uống nước xong là nhảy vào máng nước tắm hay vặn vòi cho chảy nước lênh láng nên nhân viên ở đây phải luôn mắt, luôn tay mới đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhưng “công dân” của đảo Rều chuẩn bị lương thực nấu ăn cho khỉ.Khi kẻng báo hiệu, từng đàn khỉ lông vàng đít đỏ lũ lượt kéo về và tự chia ranh giới ra 3 khu nhà ăn. Những thức ăn đầu tiên luôn được đồng loại nhường khỉ chúa đầu đàn thưởng thức. TS.BS Vũ Công Long, "ông khỉ chúa" của đảo Rều cho biết: “Việc nuôi dưỡng, phát triển đàn khỉ có tầm quan trọng đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, do vậy nơi đây được cách ly hoàn toàn với đất liền và tuyệt đối không tiếp nhận khách du lịch. Các nhà khoa học trong và ngoài nước ra đây đều đánh giá đây là giống khỉ quý hiếm và phát triển tốt bởi đàn khỉ không chỉ đông mà có cả già, trẻ, lớn, nhỏ, lông óng mượt và nhanh nhẹn”.

Chăm khỉ như chăm con

Từ một nhân viên chăm sóc bầy khỉ, rồi theo học đại học và trở thành bác sĩ chuyên ngành linh trưởng, với 36 năm trong nghề, TS.BS Vũ Công Long hiểu rất rõ đặc tính sinh học của loài khỉ, và coi chúng như những đứa con. Anh bảo, để có đàn khỉ hôm nay, ngoài việc theo dõi bảo vệ an ninh, môi trường, chu cấp thức ăn, còn phải hiểu biết về đặc tính sinh học của khỉ mới có thể làm tốt việc chăm sóc cho chúng phát triển.

Phó đảo Nguyễn Duy Phương bổ sung thức ăn cho khỉ trước khi đưa vào làm thí nghiệm. “Để phục vụ cho sản xuất vắc-xin và thử nghiệm khoa học, con khỉ tiêu chuẩn phải đạt từ 1,5 - 2 tuổi, cân nặng từ 2 - 2,5kg. Sau 1 tháng chăm sóc đặc biệt để qua “giai đoạn cửa sổ” mới đưa đi làm xét nghiệm, nếu khỉ đạt tiêu chuẩn “sạch” mới sử dụng. Khỉ trưởng thành từ khi lên 4 tuổi và có tuổi thọ trung bình 25 năm, với chừng 7-12 lứa sinh sản, mỗi lứa 1 con. Từ ngày lập đảo đến nay mới chỉ có 3 trường hợp sinh đôi. Mùa yêu đương của khỉ trùng với mùa cưới của con người. Do vậy, thời điểm này cần bổ sung dinh dưỡng và rau củ quả để đàn khỉ sinh sôi phát triển" - TS. Long kể.

Theo lời của Phạm Minh Tuấn, chàng trai sinh năm 1971 và là đời thứ 3 sinh ra và lớn lên ở đảo, nay chuyên nghề lái tàu phục vụ đưa đón nhân viên, cán bộ ra vào đảo, và vận chuyển nhu yếu phẩm của người và khỉ, việc nuôi khỉ phục vụ nghiên cứu khoa học khi ở đảo chưa có nước và điện lưới là một cản trở lớn. 20 năm trước chưa có giếng khoan, anh em ở đảo Rều phải chèo thuyền đi các nơi để kiếm củi và lấy nước ngọt ở khe núi về dự phòng vì mọi sinh hoạt của người và khỉ chỉ trông chờ vào mấy bể nước mưa.

Hơn 1 năm trước (từ 30/10/2018) ở đây mới có điện lưới, còn trước đó điện máy nổ chỉ có từ 18 -23h. Khỉ đàn nuôi theo phương pháp bán tự nhiên thì chúng tự thích nghi nhưng với những con khỉ “sạch” nuôi nhốt trong lồng dùng để sản xuất vắc-xin và thử nghiệm khoa học thì những ngày thời tiết nồm, ẩm, rét hay nóng nực không có quạt mát hay điện sưởi sẽ rất dễ mắc bệnh. Nếu chẳng may một con bị bệnh hô hấp hay đường ruột sẽ có nguy cơ lây lan ra cả đàn.

Gắn bó với đàn khỉ đã 22 năm, chị Phạm Thị Hà (SN 1970) hằng ngày đi gom củi nấu 2 bữa ăn/ngày vào 9h30 và 13h30 cho đàn khỉ (mỗi bữa dùng hết 21kg gồm gạo, đỗ, lạc và hoa quả theo mùa). Chị tâm sự: “Khi chưa có giếng khoan, việc ăn uống, tắm giặt khổ lắm, vì nước ngọt phải chia nhau. Chúng tôi phải giặt giũ, tắm gội dưới biển, rồi về tráng lại bằng nước ngọt. Lúc chưa có điện lưới, nửa đêm nóng quá phải xuống biển ngâm người rồi mới ngủ được. Nước ngọt thì chỉ trông chờ vào mấy bể nước mưa, nên việc lau rửa chuồng trại và máng nước bị hạn chế, khỉ hay bị tiêu chảy và mắc bệnh hô hấp, mỗi năm chỉ phát triển được 30 - 40 con. Giờ đã chủ động lo được nước, khỉ có thể nâng đàn tới 120 - 150 con/năm và đáp ứng tốt cho nghiên cứu và thử nghiệm khoa học”.

Nói về chế độ dinh dưỡng đối với đàn khỉ trên đảo Rều, với nhiều kinh nghiệm chăm sóc khỉ nhốt, Phó đảo Nguyễn Duy Phương (SN 1972) cho hay: "Trong môi trường tự nhiên, khỉ tự bắt còng, cáy dưới biển và ăn hoa quả, nõn cây rừng nên không sợ đau bụng. Với khỉ nuôi nhốt, không có cơ hội tiếp xúc với môi trường thì thức ăn cần được bổ sung thêm như ổi để tăng chất tanin giúp bảo vệ niêm mạc ruột, hay mía để bổ sung nước và vitamin. Nếu không được chăm sóc tốt, khỉ bị tiêu chảy sẽ nhanh chết, hoặc bị nôn ói thì việc chữa trị không còn tác dụng”.

Phương thuộc thế hệ thứ 3 sinh sống và làm việc tại đảo khỉ. Anh tâm sự: “Công việc của chúng tôi vẫn tiếp diễn đều đều vì sự phát triển của đàn khỉ, nhưng đôi lúc cũng buồn do không được cập nhật thông tin, đặc biệt là internet. Nếu không yêu nghề chắc không thể làm được”.

 

Hy sinh thầm lặng

“Ngày thường cũng như lễ, Tết, những công dân ở đảo thức dậy ai vào việc nấy, người quét dọn vệ sinh chuồng trại, người nấu thức ăn cho khỉ... Hiện trên đảo có 8 gia đình với 13 cán bộ, công nhân viên sinh sống và làm việc, con cái phải gửi vào đất liền học từ tuổi mẫu giáo. Nhà nào không có ông bà thì phải gửi con cho họ hàng hoặc người thân chăm giúp. Vậy mà, các cháu đều chăm ngoan học giỏi, ai cũng đỗ đại học, có cháu đạt học bổng toàn phần đi du học”, TS. Long chia sẻ.

Sống trong ốc đảo dù là rất gần với đất liền, nhưng những người bạn của loài khỉ trên đảo Rều luôn phải chấp nhận những thiệt thòi trong cuộc sống, con cái ít được gần bố mẹ và vất vả lúc ốm đau. “Năm ngoái, anh Phương bị đau bụng, cứ nghĩ đau qua loa nên chỉ xoa dầu. Đến khi đau quá, mọi người mới động viên đi vào đất liền siêu âm thì phát hiện nhiễm trùng phúc mạc, nếu không mổ nhanh sẽ vỡ thì khó lường”, đảo trưởng Long bộc bạch.

Trên thế giới, giống khỉ vàng Macaca mullata được coi là loài vật đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu ứng dụng và sản xuất vắc-xin… Gần 60 năm qua, từ loài khỉ này, các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vắc-xin như phòng bại liệt, rota vi-rút... Thành công đó có những đóng góp lặng thầm từ những “công dân” của đảo. Giữ gìn hòn đảo xanh, sạch, đẹp để duy trì và phát triển đàn khỉ cho khoa học, có lẽ là điều mà cán bộ, nhân viên trên đảo Rều luôn nhiệt tâm cố gắng./.

TS. Vũ Công Long cho khỉ ăn. 

“Ngoài những ứng dụng khoa học phục vụ sức khỏe cho con người, loài khỉ vàng Macaca mullata còn là nguồn gien quý của quốc gia. Rất cần có sự quan tâm của Chính phủ và các cấp, bộ, ngành để gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên này” - TS. Vũ Công Long.

Lưu Hường - Quý Hoài

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận