Thấm thía giá trị được sống ở một đất nước hòa bình
Chia sẻ về 1 năm làm việc tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng đó là quãng thời gian mang lại cho chị những trải nghiệm vô cùng quý giá.
Để lọt qua được những vòng tuyển chọn “trăm người chọn một”, chị Nga phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về ngoại ngữ, phải hiểu biết sâu rộng về đối ngoại quốc phòng, giỏi thuyết phục, đàm phán, tổ chức các hoạt động với nhiều lực lượng. Dù đã trải qua nhiều đợt tập huấn trước khi lên đường làm nhiệm vụ, nhưng trung tá Đỗ Thị Hằng Nga phải mất gần một tháng để làm quen với môi trường làm việc đa quốc gia, khác biệt về văn hóa và cường độ làm việc rất cao tại trụ sở phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nhiệm vụ hằng ngày của chị là tổng hợp và cập nhật tình hình tác chiến tại các phân khu để báo cáo cấp trên có phương án phù hợp với tình hình… Do yêu cầu nhiệm vụ, trung tá Nga thường xuyên làm việc trong căn cứ, thời gian kéo dài 14 - 16 tiếng/ngày, có khi cả tuần phải ở trong văn phòng, về nhà chỉ để thay quần áo và lấy thêm đồ ăn.
Ở Nam Sudan, xung đột giữa các phe phái đã khiến 60% dân số phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Tại quốc gia có diện tích bằng cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cộng lại chỉ có 70km đường nhựa, nhưng trung bình mỗi người dân có đến 4 khẩu súng AK, xung đột, bạo loạn xảy ra liên miên và được thể hiện qua những báo cáo chị Nga nhận được hằng ngày tại trụ sở Phái bộ Gìn giữ hòa bình. “Những ngày làm việc tại vùng chiến sự ác liệt của châu Phi, tôi thấm thía hơn giá trị được sống ở một đất nước hòa bình. Tôi nghĩ nhiều đến tổ ấm bình dị của mình ở quê nhà. Nhớ gia đình nhưng cũng thầm vui vì các con tôi được sống trong hòa bình, hạnh phúc, hằng ngày được vui chơi, được đến trường. Đó là điều mà chỉ có trong những giấc mơ của trẻ em Nam Sudan”.
Ngoài giờ làm việc, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga dành phần lớn thời gian để tiếp xúc với người dân bản địa, giúp đỡ họ cách chăm sóc trẻ, cách bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh dịch… Bằng tình cảm chân thành của mình, chị đã khiến những dân bản địa cảm mến cô sĩ quan người Việt, cứ mỗi Chủ nhật hằng tuần lại đến thăm nom và bầu bạn với họ. Khi chị Nga chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, những người “hàng xóm đặc biệt” hát tặng chị những bài hát mà họ “để dành” cho vị khách quý, những bài hát mà họ chỉ hát trong dịp lễ tết. Còn lũ trẻ vẽ tặng chị những bức tranh đầy màu sắc, có em móc tặng chị chiếc túi xinh xắn. Về tới Việt Nam, chị còn nhận được điện thoại của các em nhỏ gọi và nói rằng rất nhớ chị, mong chị sớm quay lại. Đó là những điều mà nữ sứ giả “mũ nồi xanh” sẽ nhớ mãi…
Ươm mầm xanh hy vọng
Cùng với Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi cũng được xem là một quốc gia nghèo đói và bất ổn nhất thế giới. Tình trạng xung đột, nội chiến tại Cộng hòa Trung Phi đã diễn ra từ năm 2012 đến nay, với 15 phe phái vũ trang bên cạnh lực lượng của chính phủ do Tổng thống Faustin-Archange Touadera cầm quyền. Trong số 6 sĩ quan Việt Nam đang công tác tại phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi, đại úy Trần Thanh Sơn là người tiếp xúc rất gần với các “điểm nóng” xung đột. Trong vai trò quan sát viên quân sự, nhiệm vụ của anh là thường xuyên tuần tra và đàm phán với các lực lượng, phe phái nhằm duy trì hiệp ước hòa bình, tiến tới ổn định tình hình chính trị.
Từng là lính công binh, đã quen với tiếp xúc với bom, mìn, súng đạn, nhưng có những lần xuống thực địa, anh Sơn cũng “giật mình” và phải làm quen với tần suất của những trận nổ súng diễn ra dày đặc ở vùng “chảo lửa” châu Phi. Đại úy Trần Thanh Sơn chia sẻ: Ở một đất nước như Trung Phi, được sống nghèo khổ một cách yêu ổn cũng là một mong ước cháy bỏng của người dân bản địa. Nhưng ngay cả mong muốn nhỏ nhoi ấy cũng khó được đáp ứng khi dăm ba bữa lại xảy ra bạo loạn, nổ súng.
Đại úy Trần Thanh Sơn kể lại: “Xung đột, cướp bóc xảy ra hằng ngày. Ở những điểm nóng xung đột, làng mạc hầu như bị đốt cháy hoặc phá hủy. Lực lượng của quân chính phủ hoặc quân đối lập đi trên chiến xa, hoặc xe bán tải lắp súng máy, đeo trên người súng AK, băng đạn… Có lần, chúng tôi đi tuần tra thì gặp giao tranh. Tình cờ phát hiện một bé gái khoảng 5 tuổi ở gần đấy rất nguy hiểm, lực lượng đưa cháu bé lên xe. Khi đó, hai phe bắn nhau lại quy cho mình tội bắt cóc trẻ em. Họ vây xe và mình phải gọi lực lượng phản ứng nhanh đến tiếp ứng. Sau đó, phải gọi trưởng làng ra nói chuyện, hòa giải thì mới được đi tiếp”.
Không chỉ đối mặt với những hiểm nguy trong công việc, những người lính “mũ nồi xanh” còn phải thích ứng với cuộc sống ở một quốc gia nghèo khổ, thiếu lương thực và bệnh dịch hoành hành. Điện, nước sinh hoạt khan hiếm, nhưng muỗi thì rất nhiều, có sĩ quan người Indonesia cùng nhóm với đại úy Trần Thanh Sơn trong nhiệm kỳ công tác mắc bệnh sốt rét đến 8 lần. Anh Sơn chia sẻ, chuyện phải mắc màn cả ngày để làm việc hay như việc phải ăn mỳ tôm, lương khô triền miên đã trở nên quá đỗi bình thường nhưng chẳng thấm tháp gì so với những gì mà người dân bản địa đang trải qua./.
“Không biết bao giờ họ mới có được một cuộc sống yên ổn trong hòa bình, chỉ biết rằng mầm xanh của hy vọng đang được những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam ươm trồng, chăm chút để những cây non lớn lên và đâm rễ trên những vùng đất chết...”.
Đại úy Trần Thanh Sơn chia sẻ.
|
Giang Bùi