Chuyện 'ông đồ' mê sưu tầm

Giữa bộn bề cuộc sống với rất nhiều thú vui công nghệ, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín bền bỉ với niềm đam mê lưu giữ những miền ký ức mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử.

 

Trà quán luôn luôn… đóng cửa

Có một trà quán… lạ đời ở quận Bình Thạnh, TP.HCM: phục vụ miễn phí, không có nhân viên và luôn luôn đóng cửa. Chỉ khi khách hẹn trước, chủ quán là “ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn ngành Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) mới bố trí để cùng nhau uống trà, xem tranh, nói chuyện về gốm miền Nam, vẽ mấy nét thư pháp bay bổng hay đơn giản chỉ vài câu chuyện gẫu. “Ông đồ” phân trần, anh muốn mỗi khách đến chơi nhà đều được tiếp đón chu đáo. Chỉ cần nghe tiếng chuông, chủ nhà ra đón khách với nụ cười tươi cùng lời chào ân cần dù có thể trước đó chưa từng biết nhau. Anh gọi đó là duyên lành.

Ông đồ Nguyễn Hiếu Tín muốn lan tỏa tình yêu văn hóa, lịch sử Việt Nam tới các bạn trẻ.

Trong ngôi nhà khá rộng, khách choáng ngợp với các không gian sưu tầm của chủ nhân. Từ phòng khách đến các gian, thậm chí là cầu thang, ban công, đâu đâu cũng thấy cây xanh, tượng gỗ và rất nhiều gốm, sách. Bộ sưu tập ít vài chục món, bộ nhiều vài trăm nhưng bố trí rất khoa học chứ không lộn xộn hay bày biện phô trương. Mỗi bộ sưu tập theo chuyên đề được anh bố trí một góc riêng theo từng mạch câu chuyện. Khi nghe ai đó tấm tắc khen nhà như bảo tàng văn hóa, chủ nhân khiêm tốn rằng còn thiếu nhiều lắm, phải mày mò, học hỏi thêm. Mà đúng vậy, chỉ cần nghe đâu có gốm cũ độc đáo, bận mấy anh cũng gác lại mọi việc để sống với niềm đam mê sưu tầm. Thương lái, chủ vựa gốm từ Đồng Nai đến Bình Dương, ai cũng quen mặt “ông đồ” nên có món hay, chủ đề thú vị lại gọi báo, mời anh về thăm.

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín bên bộ sưu tập gốm của mình.

Đợi khách ngồi xuống chiếc bàn gỗ thấp đặt tại trung tâm ngôi nhà, tay thong thả nhón nhúm lá trà thơm, anh tiến hành các công đoạn pha trà để bắt đầu câu chuyện. Tiếng nhạc thiền hòa cùng tiếng chuông gió tre trong trẻo khiến cả khách lẫn chủ cảm thấy thời gian như ngừng trôi. “Khách tới Trà quán Ông đồ thường là người mê gốm, yêu tem, thích thư pháp hoặc đơn giản là hoài cổ. Có những cuối tuần rất mệt nhưng vì khách nhiệt tình quá, tôi vẫn hẹn gặp. Những người “cùng tần số” mải mê cùng nhau uống trà, ngâm thơ, viết thư pháp và nói chuyện về gốm, lắm khi chia tay nhau thì đã gần 3 giờ sáng. Nhiều chủ vựa gốm, thương lái, ban đầu biết nhau vì buôn bán, nhưng dần dà thành bạn, cùng nhau chia sẻ đam mê, thấy đời vui lắm. Nhiều tốp sinh viên cũ có, mới có, cứ đến là hỏi đủ chuyện, thấy gần gũi, thân thương”, anh Nguyễn Hiếu Tín vui vẻ nói.

Sưu tầm ký ức văn hóa

Hơn 20 năm miệt mài với thú sưu tầm, “kho tàng” của anh Tín có được khiến nhiều người ngưỡng mộ. Hơn 10.000 con tem đủ chủ đề gom góp từ thời sinh viên đến nay vẫn được anh gìn giữ cẩn thận và tiếp tục mở rộng. Mặc dù nhận rất nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước với 6 bộ sưu tập hoành tráng nhưng điều khiến “ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín mê mẩn vẫn là những khoảng lặng để tự mình dò lại lịch sử Việt trên bưu hoa.

Việc bắt đầu sưu tầm tem từ 21 năm trước trở thành mối duyên đưa anh đến với nhiều đam mê hoài cổ sau này. “Một ngày, sau khi tham quan triển lãm thư pháp của nhà thư pháp Bùi Hiến, tôi mê mẩn bộ môn này. Lúc đó rất hiếm lớp dạy thư pháp, tôi quyết định tự học. Hơn một năm sau, tôi có triển lãm cá nhân bưu hoa - thư pháp đầu tay. Mê quá, tôi chọn thư pháp Việt làm chủ đề bảo vệ luận văn thạc sĩ và sau còn thực hiện một đầu sách về nội dung này. Lúc đó điều tôi mong muốn nhất là lan tỏa tình yêu thư pháp trong bạn trẻ. Về làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp đầu tiên tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM một thời gian, mình đề xuất mở Phố ông đồ vào dịp Tết Nguyên đán. May mắn là đến nay nét đẹp văn hóa này vẫn được lưu giữ, trở thành điểm hẹn cho đông đảo bạn trẻ thành phố”, anh Nguyễn Hiếu Tín nhớ lại.

Ông đồ Nguyễn Hiếu Tín khơi gợi tình yêu văn hóa Việt trong giới trẻ.

Thú vui này mở ra đam mê kia. Mỗi ngày một chút, bộ sưu tập tròn trịa lúc nào chẳng hay. Bên cạnh bộ tượng tinh xảo ông thần trà, sách về văn hóa, thư pháp, ai có dịp ghé thăm Trà quán Ông đồ sẽ không thể bỏ qua bộ 500 bình gốm Biên Hòa, bộ hơn 300 ấm trà xưa đủ loại, trên 200 bức tượng nhuốm màu rêu phong được chủ nhân sắp xếp gọn gàng và nhớ đến từng chi tiết. Cuối tháng, phần lớn tiền lương của anh biến thành gốm, gỗ hay ấm trà, bút vẽ thư pháp, bao năm nay vẫn vậy. Với mỗi bộ sưu tập anh đặt vào một câu chuyện thú vị. Các câu chuyện kết nối liền mạch tạo nên mảng ký ức văn hóa rất riêng.

Trong bộ bình gốm xưa khá đồ sộ của mình, có hai dòng khiến “ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín tâm đắc nhất. Đó là bộ “Phụ nữ Việt Nam trên gốm” với hơn 100 bình và “Sử Việt trên gốm Biên Hòa” với khoảng 30 bình. Mỗi lần khách đến chơi, anh đều dành thời gian giới thiệu kỹ về xuất xứ, ý nghĩa và cách nhận dạng nhân vật trên các bình. Câu chuyện về các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Thánh Gióng, Phạm Ngũ Lão… trở nên sống động, gần gũi hơn khi được kể trên gốm với tất cả sự tự hào.

Muốn làm… đường dẫn cho giới trẻ

Điều khiến người ta ấn tượng ở Nguyễn Hiếu Tín là cách anh chia sẻ, truyền cảm hứng với bạn bè, học trò. Khách ghé nhà, từ lạ đến thân đều được đón tiếp nồng hậu, đúng với tính cách miền Tây hào sảng. Có người ngạc nhiên hỏi cứ mở cửa chào đón khách lạ có bao giờ sợ không gian sưu tầm bị xáo trộn, thậm chí hao hụt không? “Ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín luôn cười hiền: “Người ta đến với mình là vì yêu văn hóa xưa, yêu gốm, mê trà. Mà đã yêu thì họ sẽ biết cách nâng niu, giữ gìn. Việc của mình là kết nối và lan tỏa tình yêu đến mọi người”.

Niềm vui anh có được cũng nhẹ nhàng như cách cho đi. Đó có khi đơn giản chỉ là lời khen: “Sưu tầm mà bày biện khoa học, gần gũi ghê”, “Nhà ấm cúng quá”, “Giờ vẫn còn người mê mấy cái này, quý lắm nha”… Hoặc một ngày đẹp trời, anh bạn mới quen sau vài bận ghé nhà đã chuyển từ sở thích uống rượu sang uống trà, ngắm tranh. Hay khi nghe ai nói “Tới trà quán về thấy tĩnh tâm”. Vậy thôi mà vui mấy ngày liền. Nghĩ lại cũng đúng bởi niềm vui của người sưu tầm có gì lớn hơn việc được giới thiệu các món đồ mình yêu quý và lan tỏa những câu chuyện văn hóa đến người cùng sở thích. Những khi khách ngỏ ý mua món này, bình kia vì thích quá, anh đều tìm cách từ chối khéo dù mức giá đưa ra không hề thấp. “Ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín nói, muốn giữ lại nguyên vẹn và bổ sung thêm nhiều góc mới để khách tới nhà nhiều lần không chán, để những câu chuyện văn hóa được kéo dài với niềm thích thú của người kể lẫn người nghe.

Không chỉ kết nối người mê sưu tầm tại nhà, những vật phẩm, câu chuyện thú vị tích góp trong quá trình tạo các bộ sưu tập thường xuyên được “thạc sĩ thư pháp” lồng vào bài giảng để khơi gợi tình yêu văn hóa Việt trong sinh viên. Lần đầu phát hiện hình ảnh bưu hoa hay bình gốm xưa trên máy chiếu là của chính giảng viên sưu tầm, sinh viên ngạc nhiên lắm. Thêm nhiều lần sau, mỗi tiết học trở thành cuộc trải nghiệm thú vị mang tên văn hóa xưa.

Dạy trên lớp, tiếp trà tại nhà, bận rộn dường như chưa thỏa, anh còn thường xuyên xuất hiện trong các chương trình văn hóa dành cho giới trẻ tại TP.HCM. Khi giới thiệu bưu hoa, lúc tặng chữ, hôm lại nói về cái hay của việc uống trà, đọc sách… Nguyễn Hiếu Tín nói, anh muốn tận dụng từng phút giây trong cuộc sống để đắm mình vào dòng chảy văn hóa xưa và lan tỏa tình yêu đó với những ai quan tâm, đặc biệt là người trẻ.

Một mùa xuân nữa lại về. Trà quán Ông đồ thêm tuổi, các bộ sưu tập thêm món mới, ngoài vườn thêm cây và trong nhà thêm khách. Khách đến, khách đi, nhiều người thành bằng hữu để mỗi cuối tuần lại hẹn nhau ngồi ngắm tranh, xem gốm nhâm nhi đôi ba chén trà. Với chủ nhân ngôi nhà đặc biệt ấy, như vậy là đủ đầy hạnh phúc./.
 

“Bạn trẻ không quay lưng với văn hóa xưa đâu. Vấn đề ở đây là đang thiếu đường dẫn để giới trẻ đến với không gian đó. Mình yêu văn hóa, yêu cái đẹp thì nên hành động thực tế chứ không thể cứ nói chuyện mang tính lý thuyết. Người trẻ bây giờ rất giỏi, giờ mình tạo môi trường văn hóa đủ sức khơi gợi niềm đam mê, các bạn sẽ làm được nhiều điều bất ngờ”.

Anh Nguyễn Hiếu Tín

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận