“Bến Tre dừa ngọt sông dài/Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh” Đến Bến Tre, ai cũng tìm đến với dừa. Gần như cây dừa không bị bỏ đi phần nào. Sự hữu dụng từ trái dừa nói riêng và cây dừa nói chung đã mang lại những giá trị kinh tế vô cùng to lớn cho tỉnh Bến Tre với kim ngạch xuất khẩu lên đến 200 triệu USD/năm, chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động điạ phương.
Ngay từ sáng sớm, các xưởng sơ chế dừa khô ở Bến Tre đã nhộn nhịp với tiếng chặt, tiếng bổ, tiếng bào dừa và tiếng cười của người lao động. Dừa khô được các thương lái thu gom chuyển đến các xưởng dừa bằng ghe, thuyền. Đầu tiên, trái dừa khô được tách lớp vỏ bên ngoài, xơ dừa đem đi se sợi làm dây, làm bao bố, hay đồ thủ công (như thảm xơ dừa, nón xơ dừa...). Nước dừa được dùng để chế biến nước giải khát, làm thạch dừa.
Trái dừa được bổ đôi và cơm dừa được tách ra một cách khéo léo khỏi gáo dừa. Gáo dừa được mài nhẵn dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, như: chén dừa, tô dừa; hay cắt nhỏ để làm giỏ xách, rổ...
Từ cơm dừa có thể chế biến thành khá nhiều loại sản phẩm khác nhau như bột dừa, bột chiên xù, sữa dừa, bánh dừa, bánh tráng dừa, kẹo dừa, xà bông... và giá trị cao nhất là dầu dừa ép lạnh (dùng làm mỹ phẩm như dầu ủ tóc, dầu gội, mặt nạ dưỡng da, son môi...).
Các loại phế phẩm từ trái dừa vẫn có giá trị riêng: Gáo dừa khi nghiền nhỏ và nén lại thành than dừa. Than dừa có độ cháy cao và lâu, lại không độc hại; những mụn xơ dừa và phần xác các loại (từ cơm dừa) thì được đem đi tách ủ làm phân bón, hay trộn với đất làm xốp đất trồng cây.
Thật bất ngờ với trái dừa khô bé nhỏ nhưng lại tạo ra rất nhiều sản phẩm hữu ích cho đời sống.