'Phố nghề' rộn rã

Từ làng nghề lúc ban đầu, đến nay Vân Từ đã trở thành 'xã nghề may comple, veston Vân Từ'....

 

Không giống những làng nghề truyền thống thường thấy ở Bắc bộ với những ngôi nhà cổ mang nét cũ kỹ rêu phong, làng nghề may comple ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội lại hoàn toàn mang nét phố thị với những tấm biển quảng cáo đèn led, những showroom với tủ kệ gương kính lung linh...

Làng nghề, xã nghề

Đến thăm xã Vân Từ trong ngày vinh danh nghề may comple-veston truyền thống, đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt hân hoan, những nụ cười rạng rỡ. Đây là lần đầu tiên nghề may comple-veston xã Vân Từ được tôn vinh. Vân Từ là một xã rộng của huyện Phú Xuyên, xã có tất cả 10 thôn đều có nghề may comple-veston, trong đó có 2 thôn chủ lực là thôn Từ Thuận và thôn Chung, những thôn khác trong xã thường làm gia công cho các cơ sở lớn ở hai thôn này.

Chia sẻ với phóng viên tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở may comple trong sân vận động của xã, ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho biết, Vân Từ có nghề may comple-veston truyền thống đã hơn 100 năm nay. Cả 10 thôn của xã đều làm nghề may comple, trong đó có 8 thôn đủ tiêu chí làng nghề và 3 thôn đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2011. Đến nay, xã có 825/1.809 hộ làm nghề may với 2.060 lao động; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề ước đạt 139 tỷ đồng, chiếm 53% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Nghề may đã giúp nhiều hộ gia đình ở Vân Từ trở nên khá giả, thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm…

Khu trưng bày sản phẩm nghề may comple-veston xã Vân Từ trong ngày Lễ vinh danh nghề. Ảnh: T.C

Trò chuyện với những thợ may cao niên của xã, được biết, những năm đầu của thế kỷ XX, khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, để có công việc tốt hơn, phù hợp với xu thế xã hội, một tốp thanh niên làng Cựu và làng Từ Thuận đã rủ nhau vào nội thành Hà Nội học nghề may comple, veston. Lúc đó comple, veston chủ yếu phục vụ cho tầng lớp thượng lưu và người Pháp nên giá cả khá cao. Nhiều người dân làng Cựu sau đó còn sang tận Pháp để học nghề và về truyền lại cho người dân trong làng. Đến nay, hầu hết các nhà may comple-veston nổi tiếng trên phố Hàng Đào, phố Khâm Thiên (Hà Nội) đều do người dân làng Cựu lên mở hiệu làm ăn từ những năm giữa thế kỷ XX.

Sau này, do chiến tranh, kinh tế khó khăn mà có một giai đoạn làng nghề tưởng chừng như mất hẳn, chỉ còn dăm ba hộ làm thủ công tại nhà với máy móc thô sơ và chất lượng sản phẩm không cao. Đến năm 1992, nhiều cụ cao niên trong xã còn giữ được nghề đã đề xuất với chính quyền xã Vân Từ cho mở hai lớp dạy nghề may comple, veston và đã thu hút được trên dưới 70 học viên trong toàn xã, từ đó nhiều “tài năng” trẻ được phát hiện, nghề được phát triển ra cả xã, từ làng nghề lúc ban đầu, đến nay Vân Từ đã trở thành “xã nghề may comple, veston Vân Từ”.

Khách xem hàng tại gian trưng bày của cơ sở may comple-veston Quang Tiến. Ảnh: T.C

Sức sống mới ở một làng nghề

Đi trên con đường bê tông dọc trung tâm xã Vân Từ cho đến các thôn, khung cảnh làng nghề khiến tôi ngỡ ngàng như đang đi trong phố. Có lẽ phải gọi đây là “phố nghề” mới xứng, bởi san sát những biển hiệu may, những showroom giới thiệu sản phẩm, những ngôi nhà cao rộng, thoáng đãng với khung cửa kính rộng đặt ma-nơ-canh trưng bày những mẫu comple-veston, mẫu váy, áo dài mới nhất, rực rỡ sắc màu thời trang hiện đại, bắt mắt không khác gì trên phố Hàng Đào, Hàng Bông giữa thủ đô.

Gia đình anh Nguyễn Quang Tiến, chủ cơ sở may comple-veston Quang Tiến ở thôn Chãi, làm nghề may đã 20 năm, hiện nay cả 5 người trong nhà đều làm nghề, ngoài ra còn thuê khoảng 20 nhân công là người địa phương. Vào dịp cuối năm, có nhiều đơn hàng ở Hà Nội và các tỉnh, thành nên xưởng phải thuê thêm các gia đình khác trong xã gia công theo từng công đoạn sản phẩm. Anh Tiến cho biết: “Những năm gần đây, mỗi năm gia đình thu lãi 400-500 triệu đồng. Người lao động cũng có thu nhập đều, bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong xưởng lúc nào cũng có hàng trị giá 1 - 2 tỷ đồng do khách hàng từ các tỉnh về đặt hàng, hoặc hàng may sẵn của gia đình chờ xuất bán tại các cửa hàng ở nội thành và những thành phố lớn”.

Làng Cựu, ngôi làng phát tích nghề may comple-veston của xã Vân Từ hiện chỉ có 2 cơ sở theo nghề. Bà Trần Thị Lợi, một nghệ nhân cao niên ở làng Cựu cho biết: Sở dĩ hiện làng chỉ có 2 cơ sở theo nghề là vì hầu hết các gia đình đều có người vào các quận nội thành mở nhà may. Bản thân bà Lợi sau khi truyền nghề cho con cũng không làm nghề nữa. Con trai bà vẫn theo nghề, mở xưởng và là 1 trong 2 xưởng lớn tại làng Cựu hiện nay có thu nhập khoảng 500 - 700 triệu đồng mỗi năm.

Bận rộn hoàn thiện đơn hàng trong ngày Lễ vinh danh nghề truyền thống. Ảnh: T.C

Anh Lê Hồng Phong, chủ cơ sở may comple-veston Phong Hoa (con trai bà Lợi) cho biết: Gia đình theo nghề đã được 3 đời, làng nghề truyền thống nhưng thực tế comple-veston là mặt hàng thời trang hiện đại, xuất xứ từ châu Âu và có giá trị thẩm mĩ cao, khó cách tân. Tuy nhiên, để bắt kịp nhu cầu của xã hội hiện đại, việc cách tân, tạo các mẫu mã mới mà vẫn bảo đảm được những giá trị thẩm mĩ truyền thống của một bộ comple-veston là yêu cầu bắt buộc.

Thăm gian trưng bày của các xưởng may tại Hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống xã Vân Từ trong ngày tôn vinh nghề truyền thống, thăm showroom giới thiệu sản phẩm tại xưởng, chứng kiến những người thợ miệt mài với từng đường kim mũi chỉ ngay trong ngày hội nghề mới cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ của một làng nghề đặc biệt.

Xây dựng thương hiệu, phát huy tiềm năng nghề truyền thống

Trong điều kiện thị trường liên tục đổi mới và cạnh tranh mạnh mẽ của ngành thời trang, may mặc hiện nay, để có thể phát triển bền vững, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, luôn có mẫu mã mới,... nghề may comple-veston truyền thống xã Vân Từ còn cần xây dựng một thương hiệu mạnh và đầu tư dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp, có độ chuyên môn hóa cao để chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh.

Liên quan đến vấn đề hạ tầng nghề, ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho hay: Xã đã đề nghị với huyện xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, huyện cũng đã đồng ý và chỉ đạo triển khai trên cơ sở các hộ sản xuất tại xã phải đăng ký được trên 60% diện tích quy hoạch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đạt được con số đăng ký này do đa số các hộ gia đình đã quen làm nghề theo cách truyền thống tại nhà và giao cho các hộ vệ tinh mang hàng về làm gia công. Đây cũng là một khó khăn cho việc quy hoạch phát triển, chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất làng nghề.

Cũng theo ông Dương, xã và huyện đã có kế hoạch tôn vinh, xây dựng và quảng bá thương hiệu làng nghề trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới… Đồng thời, việc kết nối với các làng nghề khác trong trong huyện để phát triển sản phẩm du lịch làng nghề cũng là một hướng đi tốt sẽ được triển khai. Du lịch chính là cầu nối để quảng bá thương hiệu comple-veston Vân Từ tới nhiều người hơn, đặc biệt là du khách nước ngoài./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận