Những người nặng lòng với văn hóa Thái đen

Nhiều người con dân tộc Thái, những nghệ nhân ưu tú đang lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa cổ của cộng đồng người Thái ngành Thái đen ở vùng đất Mường Then.

 

Tòng Văn Hân: 20 năm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Thái đen

Từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ với hành trình vượt hàng chục km ngược Quốc lộ 279 rồi men theo cung đường liên xã hướng đi xã Pa Thơm, chúng tôi đến gặp anh Tòng Văn Hân (sinh năm 1972), người dân tộc Thái đen ở bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong một buổi chiều muộn. Gần 20 năm qua, anh đã nghiên cứu, sưu tầm văn hóa ngành Thái đen, xuất bản thành sách với mong muốn thế hệ mai sau sẽ có những tài liệu chân thực nhất về những nét văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc mình.

Anh Tòng Văn Hân đã có gần 20 năm làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái đen.

Bước lên cầu thang phía đầu hồi của căn nhà sàn, ấn tượng đầu tiên in vào tâm trí chúng tôi là hình ảnh người đàn ông trung niên trong bộ trang phục truyền thống Thái đen mải miết làm việc bên chiếc bàn gỗ nhỏ nhìn thẳng ra ngọn núi Pu Khàu Lanh. Xung quanh anh, dưới nền sàn gỗ, trên bàn làm việc là những chồng sách, tập bản thảo và nguồn tài liệu quý viết về phong tục, tập quán, lễ hội, tri thức dân gian trong quá trình định cư, lập bản mường của cộng đồng dân tộc Thái đen. Anh Hân cho biết, thời gian này, anh đang dồn tâm trí vào việc đọc, dịch, ghi chép lại nội dung cuốn sách “Lời cúng tổ tiên của người Thái đen” viết bằng chữ Thái cổ trên giấy dó mà ông nội anh để lại.

Kể lại những tháng ngày mới bắt tay vào công việc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Thái đen từ hồi còn thanh niên, anh cho biết đó như một cái duyên vì ông nội anh vốn là một thầy mo của bản làng, truyền dạy cho anh nhiều kiến thức về các nghi thức của dân tộc Thái. Càng đi sâu vào tìm hiểu, anh càng nhận ra kho tàng văn hóa ngành Thái đen bao la, đồ sộ và độc đáo, mang tính đặc trưng, nhận diện rất riêng so với các dân tộc khác. Vì lẽ đó, anh “nghiện” công việc này từ khi nào không hay. Tuy nhiên thời điểm đó, anh mới chỉ viết bài gửi đăng báo và các tạp chí.

Đến năm 2003, công việc nghiên cứu mới bắt đầu đi vào chuyên sâu. Ban đầu, anh chọn loại hình thực hành tín ngưỡng của đồng bào Thái đen để sưu tầm, nghiên cứu. Năm 2009, khi trở thành hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tên tuổi và tài năng của anh bắt đầu được khẳng định trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Với vốn kiến thức phong phú về văn hóa dân tộc Thái đen đã tích lũy qua nhiều năm, anh Hân khiến nhiều người bất ngờ về ý nghĩa của quả còn, một vật được dùng phổ biến trong trò chơi “tung còn” truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc mỗi dịp bản làng tổ chức lễ hội, du xuân. Anh cho biết, quả còn cũng có quá trình hình thành, phát triển, mang tâm hồn, tính cách và chứa đựng thông điệp tự sự, tình cảm của chủ thể cầm nắm nó trong mùa lễ hội. Quả còn còn là “bảo chứng tình yêu” trong đám cưới, là “vật thiêng” trong trong lễ tục vòng đời của người Thái đen. Năm 2012, anh đã xuất bản công trình “Quả còn của người Thái đen ở Mường Thanh”, đánh dấu sự thành công ban đầu trên con đường nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc.

“Mình quan niệm, cứ viết được một cuốn sách là đã góp phần phục dựng lại được một vốn cổ, quảng bá nét đẹp, tinh túy của văn hóa dân tộc Thái đen đến mọi người, mọi miền” - anh Tòng Văn Hân.

Tiếp nối thành công, anh Hân cho “ra lò” hai công trình sưu tầm, nghiên cứu gồm “Văn hóa ẩm thực của người Thái đen ở Điện Biên” (xuất bản năm 2012), “Văn hóa Chéo của người Thái đen ở Mường Thanh" (xuất bản năm 2014). Nhiều gia đình làm du lịch cộng đồng ở các bản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã "săn tìm" hai công trình này để làm cẩm nang chế biến những món ăn dân tộc thu hút khách du lịch.

Đến nay, sau gần 20 năm làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái đen, anh Hân đã rong ruổi khắp các nẻo đường đến từng bản làng có người Thái đen sinh sống; Xuất bản 12 công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa cộng đồng dân tộc Thái đen. Nguồn sách này đã làm sống dậy phần nào kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái đen ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.

Anh Hân cho hay: Để tiếp cận, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái đòi hỏi phải đi nhiều nơi, tìm đến các nghệ nhân, người già đang nắm giữ tri thức văn hóa dân gian ở khắp các bản làng. Thời gian cho mỗi chuyến đi có khi mất cả tuần, nhiều chuyến đi phải về tay không vì không gặp được chủ thể.

Theo thời gian, mỗi lễ hội, nghi thức đã bị mai một nhiều, để phục dựng thành một chỉnh thể thống nhất phải ghi chép lại lời kể, sự hồi cố của nhiều chủ thể, sau đó tổng hợp, so sánh, gạn lọc thông tin trước khi viết thành sách. Cái khó nữa là việc chuyển tải ngôn ngữ Thái sang tiếng Kinh, nếu không am hiểu về ngôn ngữ học, “tính hay” nguyên bản của ngôn ngữ Thái sẽ giảm đi đáng kể.

Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại: Hơn nửa đời người dành cho văn hóa dân tộc Thái

Dành hơn nửa cuộc đời để sưu tầm chữ Thái cổ và những nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, bà Lương Thị Đại ở xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể bởi những cống hiến của bà trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại dành hơn nửa cuộc đời để sưu tầm chữ Thái cổ và những nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái.

Miệt mài đọc, dịch, ghi chép lại những tài liệu chữ Thái cổ bên chiếc bàn nhỏ trước hiên nhà sàn hằng ngày, công việc này, bà Đại đã dành hơn nửa đời người để theo đuổi.

Những tập giấy dó nhàu nhĩ, sờn mòn, bạc màu theo năm tháng khiến những dòng chữ nhòe đi, khó đọc. Đôi mắt của lão nghệ nhân nhiều khi phải mở căng mới có thể đọc được.

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lương Thị Đại cho biết: "Chúng tôi quan niệm chữ Thái cổ là chìa khóa để mở những vốn quý văn hóa của dân tộc. Nhờ người Thái có chữ nên chúng tôi gìn giữ được rất nhiều tư liệu quý của cha ông. Nếu mình không thu thập, gìn giữ cho con cháu mai sau thì sẽ mất hết".

Hơn thế kỷ qua, hễ nghe ở bản làng nào có những bản chữ Thái cổ, có người còn biết những nghi lễ của tổ tiên xa xưa là bà Đại tìm đến với hành trang là giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh. Tư liệu mà bà thu thập là các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán sinh sống của người Thái đã và đang dần mất đi.

Từ năm 1963, khi đang công tác ở Phòng sưu tầm văn hóa của Ty Văn hóa Lai Châu cũ cho đến nay, bà Đại đã giữ lại được hàng ngàn sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của người Thái, cho xuất bản gần 10 đầu sách viết về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái nổi tiếng, như: “Tang lễ người Thái” (nghiên cứu, dịch thuật); “Tạo Sông Ca, nàng Si Cáy” (truyện thơ cổ, song ngữ Thái - Việt), “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái” (Nghiên cứu), “Xên phắn bẻ”…

Với những cống hiến đó, năm 2015, NNƯT Lương Thị Đại được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NNƯT loại hình tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Đầu năm 2017, bà được tặng Giải thưởng Nhà nước cho 3 tác phẩm sách quan trọng.

“Sức khỏe của tôi có hạn, trong khi những ghi chép văn hóa dân tộc vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều trong đời sống. Tôi mong muốn thế hệ trẻ cố gắng quan tâm và tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm chữ Thái cổ. Đó là những vốn quý của cha ông bao đời tiếp nối nhau lưu lại được, nếu mất đi thì không bao giờ lấy lại được” - NNƯT Lương Thị Đại.

Bà Đại chia sẻ, một vài năm tới sẽ cho ra lò những đầu sách có sức nặng khác là “Chuyện kể bản mường” (Quán Tố Mướng) và “Lịch vạn niên” (Sổ Chóng Bang). Đây là 2 tác phẩm được nghiên cứu, dịch thuật dựa trên cơ sở những bản gốc cổ, mà ông nội bà - một thầy mo, đã gìn giữ và truyền lại cho bà trước lúc mất. Nghiên cứu những nét đặc sắc của ngành Thái trắng ở Mường Lay về 2 loại hình hát Then và Kim Pang Then, bà cho biết đã viết được tài liệu hơn 1.000 trang và gửi cho Hội văn học dân gian Việt Nam.

Giờ đây, NNƯT Lương Thị Đại vẫn ngày ngày đi khắp quê hương Tây Bắc, miệt mài lưu giữ lại những di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái tại Điện Biên. Với bà, mỗi một cuốn sách, một công trình được hoàn thành thì “cái nợ” với nghề, với bạn bè, đồng nghiệp, người thân mới phần nào nhẹ hơn./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận