Cơ hội mới cho làng gốm 600 năm tuổi

Bát Tràng - làng gốm gần 600 năm tuổi, nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng (thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) chính thức được công nhận là điểm du lịch làng nghề tiêu biểu.

 

Được công nhận là điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội là thêm một cơ hội để Bát Tràng cất cánh.

 

Từ tiềm năng của một làng nghề...

Những năm gần đây, du khách khắp nơi đổ về Bát Tràng, ngỡ ngàng, ngạc nhiên về một làng nghề phát triển sầm uất. Không chỉ sống được bằng nghề, Bát Tràng còn làm giàu từ nghề truyền thống, hơn thế, giờ đây trở thành điểm du lịch tiêu biểu. Và tất cả đó không phải là ngẫu nhiên, may mắn.

Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam, được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng. Khu làng cổ rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ; với đường ngõ, xóm ngoằn ngoèo, chật hẹp và những bức tường cao chót vót gắn với những câu chuyện bảo vệ làng của người dân.

Làng gốm Bát Tràng - một điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội mang tầm quốc tế.    Ảnh: Trube

Làng gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng, trong đó có cả những mặt hàng mỹ nghệ như: Tượng và phù điêu công nghệ cao, con giống, lọ hoa, đĩa treo tường... Nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng, những năm gần đây, làng nghề gốm Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Italia... Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc...; đặc biệt, khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.

Xã Bát Tràng hiện có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng. Xã có 105 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi, tiêu biểu là nghệ nhân nhân dân Trần Độ, nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn, Tô Thanh Sơn...

Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10%; học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt vào mùa cao điểm, có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan. Điều thú vị nhất khi tham quan làng gốm Bát Tràng là du khách được trực tiếp xem các nghệ nhân làm ra những sản phẩm vô cùng tinh tế, đặc biệt họ có thể tự tay nặn những sản phẩm mà mình yêu thích.

Nhân sự kiện Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch làng nghề tiêu biểu, ông Lý Duy Thanh, Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm nhấn mạnh: “Việc TP. Hà Nội công nhận Bát Tràng là điểm du lịch sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch của Bát Tràng; đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân trong vấn đề phát triển du lịch địa phương”.

Ngay tại buổi lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng, một số sản phẩm du lịch thông minh đã được khai trương, như: Khởi động cổng thông tin điện tử Bát Tràng; trải nghiệm wifi miễn phí; máy thuyết minh tự động; cổng thông tin điện tử du lịch; ứng dụng (app) du lịch Bát Tràng; kính trải nghiệm thực tế ảo; xe điện thông minh...

Ông Lý Duy Thanh cho hay, lễ đón nhận quyết định Bát Tràng trở thành điểm du lịch chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch phát triển làng nghề du lịch Bát Tràng. Thời gian tới, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục có những chính sách quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng quy hoạch phát triển điểm du lịch Bát Tràng. Cụ thể, khu vực để xe sẽ được quy hoạch lại ở phía ngoài đê, người dân và du khách tham quan Bát Tràng sẽ đi xe điện để tránh ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường...

Bên cạnh việc áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng của du lịch hiện đại, Bát Tràng sẽ thực hiện chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa để làm nơi “check in” thu hút giới trẻ...

...Tới hướng đi để làng nghề phát triển

Ông Lý Duy Thanh cho biết: Để Bát Tràng trở thành điểm du lịch làng nghề, thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư 8 hạng mục liên quan đến hạ tầng, biển báo, cổng thông tin điện tử và ứng dụng của làng, trong đó sẽ ghi rõ các cơ sở sản xuất gốm truyền thống; cơ sở nhập hàng gốm sứ từ Trung Quốc để khách phân biệt. Các cơ sở sản xuất đều gắn nhãn mác, logo thương hiệu làng nghề Bát Tràng. Từ nhiều năm nay, UBND huyện và xã Bát Tràng cũng như các nghệ nhân, các hộ gia đình trên địa bàn xã đã có ý thức tuyên truyền, quảng bá du lịch ở Bát Tràng; đồng thời nâng cao chất lượng điểm đến và các sản phẩm làng nghề Bát Tràng. Đáng ghi nhận là có sự kết nối vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp lữ hành với Bát Tràng. Tổng Cục Du lịch nhiều năm nay đều đưa các đoàn sang để trực tiếp khảo sát, liên kết, hỗ trợ chính quyền, các nghệ nhân và bà con sản xuất, xem mô hình nào phù hợp để vừa sản xuất, vừa trải nghiệm.

Hiện Bát Tràng đã có các cổng thông tin điện tử như: dulichbattrang.net và battrangtour.com cung cấp tất cả thông tin cần thiết về Bát Tràng với du khách. Về công tác thuyết minh, Bát Tràng hiện có máy thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ theo nhu cầu của du khách. Những câu chuyện về làng gốm Bát Tràng sẽ được chính người Bát Tràng viết, người Bát Tràng kể một cách sinh động, có hồn để du khách hiểu hơn về ngôi làng đặc biệt này. Cơ sở dữ liệu cả về vật thể, phi vật thrrt, không gian kiến trúc, sản phẩm đặc trưng làng nghề Bát Tràng được số hóa dưới dạng 3D, hình ảnh, video để quản lý và phục vụ công tác truyền thông. Xe điện thông minh cũng được đưa vào hệ thống chuyên nghiệp để phục vụ du khách một cách thuận tiện.

Ông Hà Văn Lâm - Phó Ban đại diện nhân dân làng Bát Tràng cho hay, hiện nay, 100% người dân Bát Tràng sử dụng lò nung đốt bằng khí gas, và tiến tới có khoảng 5% bà con chuyển sang lò nung bằng điện; kiểm soát được khói bụi, không ảnh hưởng đến người lao động bởi không có chất thải rắn, mức khí thải ở dưới mức cho phép. Lò nung cũ hiện chỉ để phục vụ hoạt động tham quan, du lịch. Người dân cũng rất ý thức về việc làm du lịch làng nghề, chú trọng đến xuất xứ hàng hóa; nhà nhà làm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, người dân nâng cao ý thức về ứng xử, phục vụ. Đối với các ngôi nhà cổ, người dân đồng tình giữ nguyên và bảo tồn những nhà cổ, di tích cổ và phi vật thể cũng được giữ gìn, bảo tồn, vì thế, việc bảo tồn nhà cổ rất thuận lợi.

Về ẩm thực của làng nghề, hiện nay nhiều gia đình trong làng đã đăng ký, và đảm bảo những đặc sản của làng nghề đã nổi tiếng từ trước tới nay được khôi phục, tạo dựng về cách chế biến và đặc biệt chú trọng an toàn thực phẩm. Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được ban đại diện và các cơ quan y tế của xã nhắc nhở. Người dân cũng đã tuyển một đội ngũ y bác sĩ về hưu để kiểm soát toàn bộ nguồn nước, thực phẩm mua ở đâu, có sự chỉ đạo kiểm soát rất chặt chẽ.

“105 nghệ nhân ở Bát Tràng hiện nay là nòng cốt giúp làng nghề phát triển. Trong nhiều năm, trước những khó khăn về xuất khẩu sản phẩm sang Đông Âu, người dân và đặc biệt các nghệ nhân Bát Tràng đã nhanh chóng vào cuộc, thay đổi toàn bộ mẫu mã và cách làm, cơ cấu sản phẩm hàng hóa của các gia đình. Nhờ vậy, không có nhà nào phải đóng cửa lò, kinh doanh năm sau cao hơn năm trước”.

Ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện nhân dân làng Bát Tràng.

 “Các nghệ nhân là nòng cốt trong việc làm du lịch làng nghề. Một trong những điển hình là gia đình nghệ nhân Tô Vinh Sơn đã trở thành điểm du lịch tiêu biểu. Hiện nay, nhiều gia đình đã đăng ký hàng loạt các dịch vụ như: chuyên làm lọ lục bình cao 2m, chuyên làm ấm chén, chuyên làm bộ đồ ăn, chuyên làm bộ độc ẩm... Chính những dịch vụ này góp phần làm tốt du lịch làng nghề hiện nay và tương lai”, ông Lâm khẳng định./.
 

Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch Bát Tràng được tổ chức vào tối qua (9/10) tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ ngày 10 - 13/10, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch được diễn ra tại xã Bát Tràng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận