Đắk Lắk với quyền lực của sầu riêng

Cây sầu riêng đã trở thành một 'quyền lực' mới trong cơ cấu nông nghiệp ở địa phương, với tổng doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, đưa nhiều nông dân trở thành tỷ phú.

 

Sầu riêng - cuộc cách mạng về thu nhập

Krông Păk, vùng trọng điểm sầu riêng của Đắk Lắk đã vào vụ thu hoạch hơn nửa tháng. Hương thơm của loại trái cây đặc sản vương vấn trên suốt quãng đường hơn 13km của QL26, đoạn từ xã Ea Kênh qua xã Ea Yông đến thị trấn Phước An. Hai bên đường, những chiếc xe container xếp thành hàng dài chờ “ăn” hàng, chuyên chở xuống các cảng biển. Lạ một điều là trong khi sầu riêng ở các vùng lân cận như huyện Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột được ùn ùn chở tới nhập cho các đại lý ở Ea Kênh và Ea Yông, thì các vườn cây “bản địa” lại hầu như “kín cổng cao rào”.

Có sầu riêng, người Ê-đê ở buôn Jung có thu nhập tăng cao và tạo nên một thế ệ nông dân dám làm lớn, nghĩ lớn.

Anh Y Vem Niê ở buôn Jung 1, xã Ea Yông, huyện Krông Păk cũng đang đóng cửa vườn cây. Anh cho biết, có tình trạng này vì người dân ở đây chê giá sầu riêng quá thấp, chỉ hơn 40 triệu đồng/tấn. Với giá như vậy, mỗi héc-ta vụ này cho doanh thu 600 triệu đến 1 tỷ đồng, chỉ bằng 60% của năm ngoái. Đa số các chủ vườn vẫn đang chờ mức giá đẹp hơn. “Năm ngoái, nhà tôi bán ngay từ đầu vụ, giá 60 triệu đồng/1 tấn. Vườn này hơn 14 tấn, được gần 900 triệu đồng. Năm nay năng suất vẫn như năm ngoái, mà người ta mới trả giá 42.000 đồng/kg nên gia đình chưa bán. Gia đình sẽ đợi giá lên, trái nào chín đành bán hàng chín và như thế sẽ thiệt vì hàng chín so với cắt trên cây giá giảm hơn”, Y Vem Niê chia sẻ.

Theo ông Y Bli Niê, người dân ở buôn Jung 1, xã Ea Yông, trồng cây ăn trái, nhất là cây sầu riêng xuất khẩu, đã tạo nên một cuộc cách mạng về thu nhập, giúp nhiều bà con trong buôn trở thành triệu phú, tỷ phú. 42 triệu đồng/tấn đang bị nhiều người chê rẻ, nhưng với Y Bli, đó đã là hiệu quả ngoài mức mong đợi. Với quy mô từ vài chục cây đến hơn 200 cây sầu riêng mỗi hộ, cứ bán hết ở mức giá hiện nay, bà con đã có doanh thu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Có sầu riêng, cây ăn trái, người Ê-đê ở buôn Jung mới chấm dứt được những năm tháng lam lũ.

Trước đây, với cây lúa, bà con bỏ tiền mua giống rồi phân, chưa kể công sức bỏ ra... mà có nhà còn không đủ ăn. Tháng 7, 8 là đến mùa bắp, đậu. Dù được mùa, thu nhập cũng không đáng kể. Tháng 10, bà con thu cà phê, nhưng giá cả như mấy năm nay, mỗi héc-ta chỉ lãi đôi chục triệu đồng. Thật sự không có sầu riêng và bơ, bà con không thể  khấm khá lên được” - ông Y Bli chia sẻ.

Theo ông Hồ Sỹ Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Phước An, những tỷ phú, triệu phú sầu riêng hàng đầu ở Krông Pách hiện nay đều là cán bộ, công nhân của công ty. Đa số những vườn sầu riêng cho thu nhập cao nhất, cũng trồng trên đất của công ty và chính công ty đảm bảo vấn đề giống và kỹ thuật, dìu dắt người dân từng bước đi đến thành công. Ông Trung khẳng định: Thành công của cây sầu riêng trồng xen cà phê ở vùng Krông Păk nói riêng, Đắk Lắk nói chung sẽ là bền vững. Năm 2004, chúng tôi đưa sầu riêng về trồng là để cứu vãn đời sống cho công nhân, vì giá cà phê quá thấp. Thực tế những vụ gần đây, năng suất thu được cao gấp 3, giá trái sầu riêng cao gần 10 lần so với dự kiến, thu nhập của bà con có bước nhảy vọt. Việc sắm xe hơi, xây nhà lầu là trong tầm tay của nhiều người. Các nhà khoa học và thực tế cũng cho thấy, sầu riêng rất phù hợp vùng đất này và nhiều vùng khác của Đắk Lắk, với tuổi thọ bền, năng suất cao, ít đầu tư hơn hẳn những vùng khác, nên không thể thua lỗ được.

Từ vùng canh tác của Công ty Cổ phần cà phê Phước An, thành công của cây sầu riêng nhanh chóng lan rộng ở xã Ea Yông rồi ra huyện Krông Pách và cả tỉnh Đắk Lắk. Nhiều nông dân ở Đắk Nông, Gia Lai đến đây “học nghề” cũng đã được hưởng trái ngọt.

Chưa hết nguy cơ, thách thức

Ông Trần Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Ea Kênh, giáp ranh với Ea Yông cho biết, tất cả diện tích cà phê ở xã đều được trồng xen cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng. Năm ngoái, 100ha đã bước vào kinh doanh, còn năm nay, lại có thêm 400ha nữa. Năng suất vườn cây kinh doanh năm thứ 3 đạt tới 25 - 30 tấn/ha. “Nếu không có biến động quá lớn về thị trường sầu riêng, đến năm 2020, 2021, khi có thêm diện tích vườn cây được thu hoạch, thu nhập bình quân đầu người của Ea Kênh sẽ đạt 55 - 60 triệu đồng, và đảm bảo xây dựng thành công nông thôn mới, giai đoạn nâng cao”, ông Vinh khẳng định.

Không chỉ về kinh tế, thành công từ cây sầu riêng ở Krông Păk - Phước An còn tạo nên một thế hệ nông dân dám làm lớn, nghĩ lớn, biết ứng dụng giống mới, công nghệ mới để vươn tới thành công. Anh Y Thơm Niê, buôn trưởng Buôn Jung 2 là một điển hình. Anh không chỉ là người trồng thành công cây bơ và sầu riêng với thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm mà còn là đầu mối giúp bà con trong buôn tìm đầu ra cho sản phẩm; là người luôn sốt sắng giúp bà con về kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh. Trong tay anh gần như lúc nào cũng sẵn sàng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, khi để tìm kiếm thông tin mùa vụ, thị trường trên mạng internet, lúc quét mã hàng hóa, giúp bà con xác định thật giả. Y Thơm cho biết, trong số hơn 300 hộ dân ở buôn Jung và buôn Jung 2, hơn 200 hộ đã có vườn trái cây được thu hoạch. “Từ năm nay, buôn không chỉ tập trung đầu tư cho cây sầu riêng, bà con còn trồng một số cây khác có giá trị kinh tế cao như là cây bơ Booth, bơ Hass. Bên cạnh đó, bà con vẫn chăm sóc cây cà phê và nhiều loại cây khác cùng trồng trên một đơn vị diện tích để tăng giá trị kinh tế, cũng là để tránh rủi ro khi thị trường có biến động bất lợi” - Y Thơm chia sẻ.

Việc minh bạch nguồn gốc về giống đang là một thách thức với sầu riêng Đắk Lắk.

Các buôn làng ở Ea Yông, Ea Kênh - một vùng nông thôn rộng lớn nay đang vươn lên mạnh mẽ về giao thương, khi đến hẹn lại lên, những xe container đậu thành hàng dài, đưa loại trái cây “cơm vàng” của toàn tỉnh xuất cảng ra nước ngoài.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk, việc khẳng định quyền lực, vị thế của sầu riêng ở tỉnh, cũng như của Việt Nam vẫn gặp không ít thách thức. Một trong những thách thức đó là phong trào nhà nhà trồng sầu riêng đang gia tăng khắp tỉnh, khiến tốc độ tăng diện tích từ 2017 đến nay đã gấp 3 so với giai đoạn trước đó, trong khi các vấn đề cây giống và kỹ thuật vẫn chưa đảm bảo. Điều này vừa gây nguy cơ thừa sản lượng, vừa gia tăng rủi ro dịch bệnh. Thách thức khác còn lớn hơn, đó là việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm, điều mà tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều đang yêu cầu. 

Rõ ràng, với ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng cao, chi phí thấp, lệch vụ với đa số vùng sản xuất, sầu riêng Đắk Lắk có triển vọng sáng sủa. Nhưng đầu tư căn bản, có chiều sâu, khép kín từ nghiên cứu giống đến chế biến sản phẩm vẫn là điểm yếu ở tỉnh cũng như của nông nghiệp Việt Nam, đòi hỏi phải được xử lý tận gốc. Có như thế, cây sầu riêng “cơm vàng” mới thực sự vững ngôi vị và có thực quyền, đem đến trù phú cho vùng cao nguyên phên dậu của Tổ quốc./.

Sầu riêng Đắk Lắk không chỉ được khẳng định ưu thế về chất lượng cao, chi phí sản xuất thấp, mà còn có lợi thế lớn do lệch vụ rõ rệt với miền Đông và Tây Nam bộ. Nếu như ở Tây Nam bộ, sầu riêng vào mùa từ tháng 5 - 6, Đông Nam bộ vào tháng 6 - 7 thì Đắk Lắk lại vào mùa từ tháng 8 - 9 nên tránh được nguy cơ dội chợ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận