Nước mắt bản nghèo Sa Ná

Bản nghèo bị cô lập hoàn toàn, tài sản bị lũ cuốn trôi, 12 người bị mất tích. Đó là thảm cảnh tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

 

Bản nghèo bị cô lập hoàn toàn, 24 ngôi nhà và nhiều tài sản bị lũ cuốn trôi, 12 người bị mất tích. Đó là thảm cảnh tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa do cơn bão số 3 vừa gây ra...

Khi sông Luồng nổi giận...

Sa Ná nằm cạnh con suối Son đổ ra sông Luồng. Bao năm nay suối Son và sông Luồng yên bình, và thơ mộng, là người bạn thân tình của người dân nơi đây. Vậy mà giờ đây, khi nước lũ tràn về con sông đã đổi màu, và trở nên hung hãn. Ngồi trên bờ sông Luồng đoạn đã bị sụt lở, ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo đứng ngồi không yên, ngóng những chuyến mô tô nước vận chuyển lương thực, thuốc men, vật dụng cần thiết vào bản cho bà con. Ông Tiệu bàng hoàng kể: 5 giờ sáng ngày 3/8, cả bản làng Sa Ná choàng thức khi lũ đổ về trên suối Son, rồi trận lũ rút khá nhanh nên bà con tưởng như mọi chuyện đã trở nên yên bình. Nhưng khoảng 7 giờ 30 phút sáng nước lũ lại ào về lần nữa nhanh như một cơn lốc. Cả khu dân cư có 30 ngôi nhà thì 24 ngôi nhà, cùng 17 người tại bản Sa Ná bị dòng nước lũ cuốn trôi; 5 người may mắn được cứu sống, những người còn lại hiện vẫn đang mất tích.

Các lực lượng chức năng giúp dân khắc phục sau lũ.

“Trước đó, khi có tin cảnh báo lũ về, bà con đã di chuyển đến nhà văn hóa thôn, vì đây là nơi cao nhất trong bản để tránh lũ. Nhưng do nước lũ quét quá mạnh nên cuốn phăng cả nhà văn hóa. Mất người, mất của, chỉ trong thoáng chốc bản Sa Ná như bị xóa sạch, phủ lên một màu ảm đảm...”- Ông Tiệu cho hay.

Hình ảnh người đàn ông đổ sụp bên bờ sông, đôi tay bấu chặt xuống từng ngọn cỏ, đôi mắt thất thần dõi theo dòng nước lũ đục ngàu cuồn cuộn khiến những ai có mặt nơi đây không cầm được nước mắt. Anh ngồi đó, từng giờ trôi qua, sự tuyệt vọng hằn lên khuôn mặt anh càng rõ rệt, bởi 6 người thân yêu nhất của anh gồm: bố mẹ, chị gái, vợ và hai đứa con thơ dại đã bị dòng lũ cuốn trôi.

Các lực lượng chức năng giúp dân khắc phục sau lũ.

 Lặng lẽ nhìn anh, muốn nói một lời gì đó với anh, nhưng chúng tôi cũng không thể thốt nên lời bởi sự mất mát của anh quá lớn, sự đau khổ của anh lên đến tột đỉnh. Tìm hiểu người dân nơi đây được biết, anh tên Hà Văn Vân, 29 tuổi, là người con của bản, hiếu thảo với bố mẹ, thương vợ thương con. Cuộc sống gia đình khó khăn, anh xuống thành phố Thanh Hóa đi làm thuê để kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Hay tin lũ dữ về bản, anh vội vã trở về thì ngờ đâu căn nhà và những người thân đã bị lũ cuốn trôi.

Tìm gặp ông Lương Văn Chon, 67 tuổi trú tại bản Sa Ná hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, người đã mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng nước lũ cả chục giờ đồng hồ. Khuôn mặt khô gầy, hốc hác, cơ thể thì chằng chịt các vết bầm dập, trong tiếng nấc nghẹn ngào, ông Chon nói: Gần 70 năm tuổi đời tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét tàn khốc như thế này, con suối Son từ xưa rất hiền hòa mà sao nay nổi giận khủng khiếp quá, chỉ một cơn bão nhỏ thôi đã đem lũ từ thượng nguồn về nhấn chìm cả bản làng, thật quá xót xa.

Tình người trong lũ dữ

Câu chuyện ông Lương Văn Chon, bám trụ được vào bụi cây dại giữa dòng lũ trên sông Luồng rồi và may mắn được anh Phạm Bá Huy (trú tại xã Sơn Điện) cứu sống; nhưng chính anh Huy lại bị mắc kẹt cũng trên ngọn cây ấy được nhắc đến nhiều trong những ngày mưa lũ ở bản nghèo. Câu chuyện ấy còn sẽ được nhắc đến như một niềm tự hào của người dân bản. Bởi nó không đơn thuần chỉ là việc con người vật lộn với thiên nhiên để giành lại sự sống. Mà cao hơn hết là tình người trong lũ dữ, trước ranh giới mong manh sự sống và cái chết.

Nước mắt người dân trước nổi đau mất mát do lũ gây ra.

Nhớ lại phút giây kinh hoàng, ông Chon kể: “Lũ ập tới nhanh quá, tôi đang chuyển các bao lúa lên chỗ cao hơn thì nước ào tới, ngập ngang thắt lưng, rồi ngập lên tới cổ tôi. Lúc này, vợ tôi đứng gần đó nhảy lên được nóc nhà tắm. Dòng nước lũ ào tới cuốn trôi nhà cửa rồi đẩy tôi ra phía dòng sông Luồng, vật lộn giữa dòng nước với tấm đệm, sau đó tôi bám được vào cây gỗ. Nước xô mạnh, cây gỗ này càn ngang mấy bụi luồng giữa gò sỏi giữa lòng sông, tôi nhanh tay bám được vào bụi cây này.

Hãi hùng ông Chon kể tiếp: Một cây gỗ khác tiếp tục lao tới càn qua, một lần nữa tôi trượt theo và may mắn bám được cây khác cũng nằm trên gò sỏi này, dù nước vẫn ào ào ập tới, lúc đó tôi rất hoảng sợ, nghĩ rằng mình sẽ không thể bám trụ và vật lộn với dòng nước lũ cuồn cuộn chảy bởi sức khỏe tôi đã sắp suy kiệt. May mắn cho tôi, đến khoảng 3 giờ chiều, thì anh Phạm Bá Huy tới cứu.

 Anh Phạm Bá Huy là người thuộc xã Sơn Điện, lên Na Mèo làm việc trong một xưởng sản xuất đũa, đóng gần khu vực ông Chon gặp nạn. Khi thấy tính mạng ông Chon đang bị đe doạ nghiêm trọng, Huy đã xung phong mang theo áo phao, can nhựa và dây cáp buộc vào người rồi vượt dòng lũ dữ tiếp cận vị trí ông Chon đang đứng. Gặp được nhau trên gò sỏi bé nhỏ giữa dòng nước lũ, 2 người đã bật khóc. Vì sợ dòng lũ quá mạnh sẽ làm đứt hoặc tuột dây cáp nên mọi người trên bờ đã buộc rất cẩn thẩn, khi gặp dòng nước chảy mạnh nên các đầu nối càng xiết chặt. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ Huy mới gỡ được dây cáp và can nhựa ra để buộc vào người ông Chon.  Lúc này cả 2 đã khá kiệt sức. Nhưng thật trớ trêu khi ông Chon được Huy cứu an toàn thì chính Huy đã phải thế chỗ, anh tiếp tục bị mắc kẹt tại bụi cây này vì dây cáp trên người Huy đã bị tụt. “Trong lúc hoàn cảnh nguy nan như vậy nhưng cháu Huy vẫn động viên tôi rằng bác hãy yên tâm vào bờ trước đi, đừng lo cho cháu”. Ông Chon cảm động chia sẻ.

Vì nước lũ lúc này như một con mãnh thú nên lực lượng chức năng yêu cầu Huy không được nhảy xuống sông bơi bộ. “Nhưng Do mưa lớn, nước lũ mỗi lúc một dâng cao, hơn thế trời lại sắp tối nên sau 2 giờ đồng hồ nữa phải đu bám trên bụi cây không còn cách nào khác, em cầm theo can nhựa, nhảy xuống dòng lũ, bơi hướng về phía bờ tả dòng sông Luồng. Mất khoảng 5 phút, em tiếp cận được bờ trong tình trạng rã rời tới mức gần như kiệt sức. Mọi người bên bờ sông này gần như nín thở, ai cũng thấy bước chân em vừa đi vừa ngã khuỵu do quá mỏi.” Huy kể lại.

Nỗ lực công tác cứu trợ...

 Bản Sa Ná nằm cách QL217 khoảng 7km, và để đến với bản lúc phải vượt qua con sông Luồng. Do nước dâng cao nên muốn vào được bản phải sử dụng mô tô nước. Sau đó đi bộ khoảng 5km đường rừng mới có thể đến bản. Vì nhà cửa, cây cối mới đổ sập nên việc đi lại cũng vô cùng khó khăn. Nên công tác cứu trợ cho người dân nơi đây vô cùng khó khăn, vất vã.

Sau một ngày bị chia cắt bởi dòng lũ, đến trưa ngày 4/8, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương mới tiếp cận được bản Sa Ná, để thực hiện công tìm kiếm cứu nạn và tiếp tế lương thực, thuốc men cho người dân trong bản.

Tại đây, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Trước mắt, huyện đang tập trung mọi nỗ lực hỗ trợ những gia đình có nhà cửa bị cuốn trôi, không để bà con bị đói, khát, thiếu thuốc chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm những người mất tích. Khắc phục hệ thống điện lưới bị mưa lũ làm đứt đường dây, đổ cột”.  UBND huyện Quan Sơn cũng đã phân công 17 tổ công tác cùng với lực lượng cứu hộ trực tiếp vận chuyển phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng của mưa, lũ. Đồng thời chính quyền địa phương đang phối hợp với các xã, huyện lân cận để tiếp tục tìm kiếm những người mất tích.

Trong các ngày mùng 4, mùng 5-8, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, các đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp...; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đã có mặt kịp thời tại huyện Quan Sơn, Mường Lát, cũng như các huyện miền núi khác bị thiệt hại bởi mưa lũ, để chia sẻ, động viên, chỉ đạo lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm các phương án tối ưu để tiếp cận các bản còn bị cô lập, không để người dân bị thiếu đói./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận