cũng là lúc Hà Nội tiếp nhận lượng lao động tự do ngoại tỉnh đổ về để mưu sinh…
“Hốt bạc” nhờ tay nghề cao…
Chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết nguyên đán năm 2019, trên các tuyến phố Hà Nội đã rực rỡ, tràn ngập sắc xuân. Không khí Tết cổ truyền cũng đã xuất hiện khi các “ điểm chợ Xuân” bắt đầu xuất hiện những cành đào, gốc mai, chậu quất, lan… để phục vụ người dân Thủ đô đón Tết.
Theo khảo sát của phóng viên, trên thủ đô có gần 100 điểm chợ hoa xuân, những nơi này đa dạng về chủng loại cây cảnh, hoa tết, khoe sắc màu. Nhưng phải kể đến những điểm chợ hoa xuân đã có “thương hiệu” và tập trung những cây cảnh, hoa tết “khủng” thu hút lượng khách đến tham quan và mua bán như: Hội chợ cây cảnh Tứ Liên, quận Tây Hồ; Chợ hoa Vạn Phúc, quận Hà đông; Chợ cây Hoàng Hoa Thám, quận Ba đình…
Khi tiểu thương bắt đầu đưa cây cảnh, hoa xuống phố cũng là lúc thị trường lao động tự do tăng một cách đột biến. Trong đó người cũ cố bám trụ những ngày cuối năm kiếm thêm tiền để về quê, người mới tranh thủ những lúc rảnh rỗi ra Hà Nội kiếm thêm thu nhập. Tất cả họ đều chung một mục đích là làm sao kiếm được nhiều việc; bán được nhiều “sức lao động”, có như vậy túi họ mới rủng rỉnh để lo cho gia đình, người thân một cái tết ấm no hơn, to hơn mọi năm.
Lao động thời vụ kiếm tiền những ngày cận Tết thu nhập cao hay thấp tùy thuộc vào “kỹ năng” và kinh nghiệm của từng lao động. Những lao động có tay nghề, thâm niên trong lĩnh vực cây cảnh được chủ vườn, tiểu thương săn đón một cách nhiệt tình và trả lương hậu hĩnh.
Tại chợ cây cảnh Vạn Phúc, quận Hà Đông có khoảng 20-30 lao động ngoại tỉnh “bám trụ” cả năm tại các nhà vườn. Họ được tiểu thương trả lương cố định theo tháng với nhiệm vụ chăm sóc và “tạo mẫu” cho cây. Những cây cảnh, cây hoa qua bàn tay của họ, khách một lần ghé thăm, chỉ muốn móc hầu bao để “rinh” về bầy trong nhà.
Bên cạnh đó, những lao động tự do này chịu chơi, đầu tư thêm xe nâng, xe ba bánh; xe máy chuyên chở cây cho khách từ vườn về nhà. Riêng phần chở cây cảnh thuê trong tháng giáp tết đã có thu nhập ổn định. Thường thì, mỗi lần chở thuê cho một khách là họ khéo léo để lại số điện thoại của mình cho khách để tư vấn và chăm sóc cây tại nhà khách. Mỗi một buổi chăm sóc cây tại nhà, tùy thuộc vào giá trị của cây, và độ khó của cây khi phải “tạo dáng” lại giá thường giao động từ 500 nghìn đồng một buổi đến tiền triệu một buổi.
Anh Bằng, quê Nam Định là chủ xe máy ba bánh cũng là lao động có tay nghề cao, một trong những đội quân “cắm vườn” cho tiểu thương tại chợ Hà Đông cho biết: Những lao động đang chăm sóc cây cảnh cho chủ vườn đều có thâm niên ngót gét trên dưới 10 năm, chủ vườn cây cảnh trả lương cố định 5-6 triệu/tháng tùy vào tay nghề mỗi người. Trong những ngày cuối năm, chủ vườn nhập nhiều loại cây cảnh, hoa tết nên công việc tăng gấp 3 gấp bốn lần trong năm, có hôm vừa làm vừa ăn vội cái bánh mì, nhưng bù lại thu nhập của mỗi lao động có tay nghề cao ở đây trên dưới 20 triệu cho tháng tết. Nếu ai có xe vận chuyển, hoặc có khách quen gọi đến nhà chăm sóc cây, thì thu nhập tăng lên đến 30 triệu.
“Với số tiền này, chúng tôi lo cho gia đình cái tết no ấm, ngoài ra còn để một khoản tích cóp để cho con cái ăn học. Ở quê tôi, học sinh trung học cơ sở nhà trường đã đưa môn kỹ thuật trồng cây và uốn cây cho các học sinh học” - Anh Bằng chia sẻ.
Như vậy, đối với những thợ tay nghề cao bình quân kiếm trên dưới chục triệu tại vườn cây Vạn Phúc trong những ngày thường trong năm. Những ngày cận tết, lượng khách chơi cây cảnh, hoa đào, quất… tăng đột biến thì họ làm quần quật từ sáng sớm tinh mơ cho đến 22h đêm vẫn không hết việc và thu nhập của họ thật là “khủng”…
Niềm vui khi có tết…
Tại chợ hoa Vạn Phúc không phải lao động nào cũng có tay nghề cao như anh Bằng và tốp lao động thâm niên ở đây. Theo tìm hiểu của phóng viên, cứ đến thời điểm cận Tết lượng lao động tự do tại chợ cây này tăng đột biến, họ từ các tỉnh thành khác nhau đổ ra Hà Nội kiếm việc làm.
Bên cạnh đó, nhiều lao động tự do cũng tạm “đổi nghề” như: Xe ôm truyền thống; xe ôm công nghệ cao; chị nhặt rác đến các em sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trên điạ bàn Hà Nội cũng gia nhập đội quân vận chuyển thuê cây cảnh hay phụ giúp nhà vườn làm những công việc tưới cây; bê cây và trồng cây vào chậu cho khách.
Người có sức khỏe, có phương tiện thì vận chuyển thuê cây cảnh cho khách và chủ vườn trong những ngày này thu nhập tương đối cao. Nếu có duyên chỉ cần ngày chạy 10 chuyến có thể đút túi hơn 1 triệu đồng. Với những lao động phụ giúp những công việc lặt vặt thu nhập giao động 200-300 nghìn đồng/ ngày.
Bác Thắng, dân chạy xe ôm grap chia sẻ: Quê tôi ở Vĩnh Phúc, xuống Hà Nội làm nghề xe ôm cũng gần 8 năm, thu nhập bấp bênh nhưng còn hơn là ở nhà làm ruộng. Mấy năm nay, cứ cách Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng là tôi dừng việc chạy xe ôm để đi chở quất, đào tết thuê tại các nhà vườn. Tính tôi cũng cẩn thận, lại làm lâu năm nên các nhà vườn họ quý mến, năm nào cũng giành suất ưu tiên hàng đầu trong việc vận chuyển cây cho khách. Khách của nhà vườn thì nhà vườn làm giá vận chuyển, nhưng cũng hợp lý với công sức của mình trong những ngày cuối năm. Nếu khách vãng lai thì giá cả do mình quyết định”.
“Công việc những ngày này rất nhiều, 6 h sáng tôi đã phải ra chợ, hôm nào nhiều nhất cũng được trên 10 chuyến mỗi chuyến bình quân 100 nghìn đồng. Thu nhập khoảng 1,2 triệu - 1,5 triệu đồng. Từ hôm ra chợ vận chuyển cây đến nay đã được 10 ngày, dồn được 12 - 15 triệu, cao gấp 4 - 5 lần chạy xe ôm trong năm” - Bác Thắng hồ hởi khoe.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng lao động ngoại tỉnh đổ vể Hà Nội những ngày cận Tết họ làm đủ thứ nghề, ai thuê gì làm nấy, nhưng những ngày ngày họ cũng có sự lựa chọn công việc, được thoải mái mặc cả gía khi “bán sức” lao động sao cho hợp lý. Và nhu cầu thuê lao động thời vụ của người dân Thủ đô những ngày cuối năm thường là dọn nhà, giá giao động 200 - 250 nghìn/ tiếng; Các công trình xây dựng cuối năm cũng muốn giải phóng sạch sẽ mặt bằng cũng cần lượng lao động lớn hoặc những cặp vợ chồng trẻ, con nhỏ “vàng mắt” săn người giúp việc trong những ngày Tết.
Cường độ làm việc tăng gấp 3 - 4 lần, làm quần quật từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt, nhưng trong ánh mắt họ lóe lên niềm vui sướng, họ đang vui, cái vui xua tan đi nổi mệt nhọc sau nhiều ngày vất vã lo toan kiếm tiền. Công sức họ bỏ ra đã được đền bù thỏa đáng vì gia đình có tiền mua sắm trong ngày Tết. Con cái, cha mẹ già có thêm bộ quần áo mới, cái bánh chưng, những thực phẩm thiết yếu và có khoản tiết kiệm để dành cho năm tới.