ĐĂK LĂK - ĐIỂM SÁNG CAO NGUYÊN

50 năm sau giải phóng, Đăk Lăk đã có những bước đi vững chắc từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh với sự đồng hành của Công ty Điện lực Đăk Lăk.

 

Có được kết quả này, trước hết là nhờ các Quyết sách sát, đúng của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đồng hành của Công ty Điện lực Đăk Lăk- một ngành kinh tế- kỹ thuật mũi nhọn thực hiện sứ mệnh đi trước, đón đầu để giữ vững và phát triển nguồn năng lượng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

ĐIỆN VỀ THẮP SÁNG NIỀM TIN

Từ Thành phố Pleiku xuôi theo đường Hồ Chí Minh gần 200 km trong chập chùng nắng gió của thời tiết giao mùa, chúng tôi đến Buôn Ma Thuột- thủ phủ của Tây Nguyên- đây là điểm khởi đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng mùa Xuân năm 1975, đến nay đã tròn 50 năm.

Cách đây 50 năm, khi cánh cửa phía Bắc Buôn Ma Thuột đã nối liền với đường vận tải Chiến lược 559, thì quân ta bắt đầu nổ súng tiến công vào Buôn Ma Thuột từ bốn phía và chỉ sau một ngày đêm chiến đấu với khí thế thần tốc, đến 10h30 trưa ngày 11 tháng 3 năm 1975, thì quân và dân ta đã làm chủ Buôn Ma Thuột và giải phóng hoàn toàn tỉnh Đăk Lăk. Tháng ba- tháng của “mùa con ong đi lấy mật” ở Cao Nguyên này thời tiết thật dễ chịu bởi trời như cao hơn, đẹp hơn trong màu xanh của cây trái, của sự điểm tô bởi những công trình xây dựng hiện đại cùng với sắc màu của cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày quê hương giải phóng.    

Tròn nửa thế kỷ sống trong hòa bình xây dựng, bộ mặt của Đăk Lăk giờ đây đang được điểm tô bởi những công trình xây dựng hiện đại, những cơ sở công nghiệp, những công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện và màu xanh của 34.000 héc ta héc ta cây cao su, 32.785 héc ta cây sầu riêng, 210.000 héc ta cà phê, 32.000 héc ta cây hồ tiêu và trên 43.000 héc ta cây ăn quả các loại… Đã tạo cho nền kinh tế Đăk Lăk có bước phát triển khá cao và tương đối ổn định, đã trở thành một Trung tâm kinh tế lớn của khu vực Tây Nguyên. Đây là sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và của cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Đăk Lăk nói riêng- những người đã và đang thực hiện sứ mệnh “đi trước, đón đầu” để giữ vững và phát triển nguồn năng lượng cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh của tỉnh nhà.

Lắp máy biến áp phụ tải

50 năm sau Giải phóng, trên vùng đất Cao Nguyên hùng vĩ này, Đăk Lăk đang thực sự vươn mình đứng dậy và đang đảm nhiệm đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa trong ku vực và cả nước. Có được kết quả này, trước hết bởi sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cuộc sống của buôn làng. Từ Nghị quyết 10 của Bộ chính trị, đến Quyết định 168, rồi Chương trình 132; 135; 134 của Chính phủ trước đây, nay là Chương trình 41, 168, 1719 của Chính phủ và Nghị quyết 23 của Trung ương đã tạo điều kiện cho Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng phát triển một cách toàn diện và ổn định. Đặc biệt là Chương trình điện khí hóa nông thôn mà Ngành điện đã thực hiện, không chỉ tạo điều kiện cho công nghiệp Đăk Lăk phát triển bền vững, mà còn đem lại ánh sáng niềm tin đối với bà con 47 dân tộc trong tỉnh. Ánh sáng văn minh được thắp lên đã đẩy lùi bóng tối ngàn năm của lối mòn, nếp nghĩ và cách làm ăn tạm bợ giữa núi rừng.

Thay cột và dây hạ thế

Nay H’Yến, cô gái dân tộc M’nông, có nụ cười rất tươi kể rằng: Khi cô cất tiếng chào đời cũng là lúc quê hương được hoàn toàn giải phóng, vì vậy cô không hiểu hết được chiến tranh là gì, nhưng qua học tập, sinh hoạt và qua những câu chuyện kể của các cô các chú, của các già làng, cô hiểu được phần nào nỗi khổ cực của người dân mất nước và sự nhọc nhằn của bà con dân bản khi phải lang thang nay đây, mai đó trong cảnh du canh du cư với phương thức canh tác chọc lỗ trỉa hạt. Bây giờ sống trong cảnh hòa bình xây dựng, bà con xã Đăk Liêng của huyện Lăk quê hương cô đã học được cái chữ, con mắt đã làm quen với ánh điện, đặc biệt là đã biết dùng điện cho sản xuất kinh doanh như bơm nước tưới cho cây trồng, cho xay xát lương thực, chế biến thực phẩm... Bây giờ thì điện đã làm hết mọi việc nặng nhọc thay cho con người rồi, vui lắm; mừng lắm. Còn H’Zíp ở buôn Jun- một nữ thành viên trong đội cồng chiêng của thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk rất cởi mở và thẳng thắn khi trả lời chúng tôi về cuộc sống của lớp trẻ trong buôn hiện nay, rằng: “Thanh niên bây giờ sống khá hơn trước rất nhiều, nhờ được học hỏi và nắm vững Khoa học- Kỹ thuật nên họ làm ra tiền cũng rất dễ, nhưng nhiều tiền thì họ uống rượu cũng nhiều, ngày lên rẫy, tối về là tụ tập bàn chuyện làm ăn và uống cho đến say, nhưng ít khi họ đánh chửi nhau vì say rượu”.

Đã 49 tuổi, nhưng Ya Sao- Dân tộc Ê Đê chắc như hòn đá cuội, thoạt nhìn người ta nghĩ anh là một võ sĩ, chứ không phải là người làm vườn. Vậy nhưng anh lại có biệt tài chăm sóc cây cà phê thế nào cho ra nhiều quả, trồng cây bắp thế nào cho bắp to, hạt mẩy. Chính nhờ vậy mà từ hai bàn tay trắng, anh đã trở thành tỷ phú của buôn làng. Ya Sao, thật thà: “Mình không giỏi đâu, mọi thứ là nhờ cái “anh điện” cả đấy”. Cái “anh điện” theo cách hiểu của anh, đó là nhờ có điện ổn định, nên đã chủ động được nguồn tưới, anh mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cà phê và đầu tư mua máy cày, máy bơm nước, máy sấy nhờ vậy mà rẫy của anh lúc nào cây cũng tốt, năng suất cây trồng vừa cho sản lượng cao và chất lượng tốt, nên không bao giờ phải lo đầu ra của sản phẩm. Trò chuyện với chúng tôi trong việc phủ điện lưới Quốc gia trên địa bàn, anh Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Điện lực Thị xã Buôn Hồ, cho biết: Ở Buôn Hồ và huyện Krong Búc, nơi đơn vị anh đang quản lý, vận hành có 100% phường, xã, thôn, buôn đã dùng điện lưới quốc gia, dùng cho sinh hoạt là chủ yếu, còn dùng cho sản xuất 45 đến 50%, đã thắp lên ánh sáng niềm tin trong lòng bà con các dân tộc.

Thay công tơ

CHO ĐIỆN VỀ SÁNG MÃI VỚI CAO NGUYÊN

Làm việc với chúng tôi, anh Hà Văn Chương, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đăk Lăk, cho biết: Ngày đầu mới thành lập (28/12/1976) Điện lực Đăk Lăk chỉ có 40 cán bộ nhân viên gồm một số cán bộ chủ chốt từ miền Bắc vào, số còn lại là công nhân của Trung tâm Điện lực Buôn Ma thuột (cũ). Lúc bấy giờ nguồn điện của tỉnh chưa được 3,5 MW với 2 trạm thủy điện nhỏ là Đrây-H’Linh và Ea Nao cùng các tổ máy Diesel cũ kỹ, chắp vá ở trung tâm Buôn Ma Thuột và một số huyện lân cận. Tổng số đường dây trung áp lúc bấy giờ chưa đến 70 km cùng với 50 trạm biến áp phụ tải. Sản lượng điện khoảng 1 triệu kW/h của năm đầu và tăng lên 2 triệu vào những năm 1979- 1980. Trong khi nhu cầu phụ tải ngày càng tăng, vì vậy mà phải áp dụng biện pháp 1 có, 1 không mới đủ cân đối được nguồn- tải, nhưng cũng chủ yếu cho các trung tâm và những vùng lân cận. Để giải quyết thực trạng này, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã huy động nguồn Diesel từ các đơn vị bạn trong EVNCPC về cho Đăk Lăk để xây dựng Trạm Diesel Ea Tam với công suất lắp đặt ban đầu từ 3x315 kW sau tăng thêm 6x720 kW nhờ vậy đã giải quyết được cơ bản bài toán thiếu điện trong giai đoạn 1980- 1984.

Vệ sinh công nghiệp

Đến năm 1984, để khai thác tiềm năng thủy điện trong tỉnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, EVNCPC đã phối hợp với tỉnh Đăk Lăk khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Đrây H’linh. Tuy chỉ có 3 tổ máy với công suất 12 MW, nhưng vào thời điểm đó, Nhà máy Thủy điện Đrây H’linh được thiết kế thuộc loại lớn nhất Tây Nguyên. Sau 5 năm thi công, tháng 10 năm 1989 thì tổ máy số 1 và trong vòng 6 tháng sau đó 2 tổ máy còn lại lần lượt đưa vào vận hành làm nấc lòng tầng lớp nhân dân địa phương và của những người thợ điện. Đến năm 1989, sản lượng điện của Đăk Lăk đã đạt trên 23 triệu kW/h, tăng gần 20 lần sản lượng của năm 1976. Đặc biệt là sau khi Nhà máy thủy điện Đrây H’linh đưa vào vận hành, thì tỉnh Đăk Lăk không phải cắt điện luân phiên như những năm trước và sản lượng điện lúc này đã tăng vọt từ 23 triệu kWh của năm 89 lên gần 40 triệu kWh năm 1991”.

Ôn cố để tri tân, đến thời điển hiện tại, Công ty Điện lực Đă Lăk đã có 1.023 cán bộ, kỹ sư công nhân lao động lành nghề và đang quản lý, vận hành 14 TBA 110kV với tổng dung lượng 770 MAV, 5 TBA trung gian 35/22 kV với tổng dung lượng 46.700 MAV, 6.773 TBA phụ tải với dung lượng 2.043,609 MAV, 472,72 km đường dây 110 kV, 5.062,57 km đường dây trung áp 35 & 22kV. 6.334 km đường dây hạ áp, đây thực sự là nguồn lực quan trọng làm cho Đăk Lăk ngày đêm rộn vang tiếng máy, lung linh ánh điện tỏa sáng từ thành phố đến buôn làng, góp phần đưa tổng giá trị sản phẩm lên 141.362 tỷ đồng, tăng trưởng GRDP là 63.356 tỷ đồng tăng 5,08% so với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trong toàn tỉnh là 71,64 triệu đồng/năm.

Từ ngày có điện lưới Quốc gia, nhu cầu sử dụng điện hàng năm đều có sự tăng trưởng đột biến. Sản lượng điện qua các năm đều tăng cao. Điện thương phẩm bình quân hàng năm là 150 triệu KWh. Cùng với việc tăng sản lượng điện thương phẩm, khách hàng sử dụng điện cũng theo đó mà tăng nhanh. Nếu như năm 1976, toàn tỉnh chỉ có 2.500 khách hàng, thì năm 2005 đã có 123.223 khách hàng và hiện nay Công ty Điện lực Đăk Lăk đã bán điện trực tiếp cho 612. 621 khách hàng sử dụng điện tại 184/184 xã phường, thị trấn đạt 100% và 99, 82% số hộ đã có điện lưới Quốc gia.

Bảo dưỡng định kỳ

Nói đến chuyện đưa điện về vùng sâu, vùng xa, anh Hoàng Việt Tùng, Chánh Văn phòng Công ty, chia sẻ: “Tiền đầu tư để đưa điện về cho bà con các Dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có khi còn thừa để mua cho mỗi hộ một cái máy phát điện nhỏ, bởi kéo cho được hàng chục km đường dây, hạ cho được cái máy biến áp 25 KVA ở những nơi khó khăn ấy là rất tốn kém và có thể vài ba chục năm sau mới thu hồi được vốn, nhưng vì nhiệm vụ chính trị; xã hội, vì sự phát triển của bà con các dân tộc nên Ngành điện vẫn phải đầu tư”. Đúng, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không đơn thuần là kinh doanh, mà cái chính là phục vụ sự phát triển kinh tế- văn hóa, xã hội của bà con, mang ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu xa, vì vậy mà những người Thợ điện của Công ty Điện lực Đăk Lăk vẫn kiên trì và miệt mài thực hiện. Đã hoàn thành một số công trình quan trọng, như: Dự án cấp điện cho 53 thôn, buôn vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, hay còn gọi là đã hoàn thành Dự án 168.

Tấm Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng chính là sự ghi nhận những cố gắng vượt bậc, những đóng góp to lớn và quan trọng của Tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Đăk Lăk trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương- cho điện về sáng mãi với Cao Nguyên./.

PS&HL

 

Bình luận

    Chưa có bình luận