Lập trình giấc mơ, kiến tạo giá trị ở 'thành phố cà phê thế giới'

Buôn Ma Thuột - nơi mỗi ly cà phê không chỉ là thức uống, mà còn là hương vị của văn hóa.

 

Buôn Ma Thuột - nơi mỗi ly cà phê không chỉ là thức uống, mà còn là hương vị của văn hóa, của “những điều muốn nói và muốn hát”, đang trong một hành trình rất nghiêm túc để trở thành thành phố cà phê của thế giới. Ngoài phần cứng là đầu tư hạ tầng của Nhà nước, "phần mềm" - những con người làm nên ngành cà phê ở đây, đang ngày đêm kiến tạo giá trị.

Ngôi trường đặc biệt ở thành phố cà phê

Chị Nguyễn Thị Bình là doanh nhân cà phê ở Thủ đô Hà Nội, có xưởng rang và chuỗi quán cà phê, từng tham gia nhiều workshop về cà phê, đi điền dã ở nhiều vùng cà phê trong cả nước. Nhưng được dự một lớp chế biến cà phê chất lượng cao do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (BMTCA) tổ chức vẫn là điều chị Bình hằng mong mỏi. Sau nhiều lần lỡ hẹn, vì dịch bệnh Covid-19, rồi vì quá hạn đăng ký, đến tháng 11 năm nay, khi cà phê vào mùa chín rộ, hiệp hội khởi động lại các lớp tập huấn, mong đợi bấy lâu của chị mới thành hiện thực. “Tôi đã muốn tham gia từ lâu, và năm ngoái đã đăng ký nhưng lớp học đã không còn suất nào. Năm nay tôi canh từ sớm và đã học ngay từ khóa 1”, chị Bình cho biết.

Chị Nguyễn Thị Bình (bìa trái) trong khóa tập huấn chế biến cà phê ở Công ty Cà phê 15.

Không phụ kỳ vọng của chị Bình, lớp tập huấn được mở ngay vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV cà phê 15, địa bàn huyện Cư M’Gar - vùng robusta năng suất chất lượng nhất của Đắk Lắk, đã đem đến cho chị Bình rất nhiều bổ ích.

Thú vị nhất là trong 4 ngày “ăn cà phê, ngủ cà phê, nghe cà phê, nói và làm về cà phê”, chị Bình và 25 học viên cùng khóa, đã tự tay tuyển lựa những trái cà phê chín đỏ, phơi sấy, rang - xay và pha cho mình một ly cà phê, thưởng thức giữa bạt ngàn cà phê và nắng gió cao nguyên và cảm nhận sự khác biệt. “Giờ mình nghiện làm cà phê ở Tây Nguyên rồi. Đến mùa cà phê chín thì chỉ thích được lên Tây Nguyên đi hái cà phê, rồi rửa rửa, phơi phơi, rồi chế biến, rồi lên men các kiểu”, chị Bình chia sẻ.

 

Học viên trong một khóa chế biến cà phê chất lượng cao.

Theo Tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Chủ tịch BMTCA, từ lâu, việc mở các lớp đào tạo, tập huấn về cà phê đã là hoạt động ưu tiên của hiệp hội. Nhưng từ khi được UBND tỉnh Đắk Lắk giao phụ trách đề án cà phê đặc sản của tỉnh năm 2019, BMTCA mới tổ chức các lớp chuyên sâu. Với sự giúp đỡ của các hội viên là các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong ngành, các lớp tập huấn của hiệp hội trở nên đặc biệt. Đó là luôn gắn với thực tế sản xuất ở các vùng cà phê, gắn với những nơi được đầu tư cơ sở vật chất - vườn cây trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, lý tưởng cho việc truyền dạy cả lý thuyết và thực hành.

Bên cạnh khung đào tạo đã bao trùm hầu hết các công đoạn “farm to cup”, sau gần 6 năm, dù là hiệp hội cấp tỉnh, nhưng BMTCA đã xây dựng được một hệ sinh thái Vietnam Amazing cho cà phê, gồm các cuộc thi quốc gia: Vietnam Amazing Roast Master - thi rang cà phê; Vietnam Amazing Cup - Thi cà phê đặc sản Việt Nam; và Brewing Master - thi pha cà phê...

Một lớp rang cà phê được tổ chức tại Buôn Ma Thuột.

Với hệ sinh thái này, cà phê Việt đã phát triển được những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới, được chứng nhận bởi các giải thưởng quốc tế danh giá. Mới đây nhất vượt qua 8.000 mẫu dự thi của các nước, các mẫu cà phê Robusta Việt Nam xuất sắc có mặt trong tất cả 5 nhóm giải tại cuộc thi “Cup Odjeta Swan 2024", tổ chức tại Trung Quốc. Cà phê Robusta Việt Nam đã được công nhận thuộc top 3 cà phê Robusta của năm; top 10 cà phê Robusta tiết kiệm chi phí nhất; Robusta đặc trưng tốt nhất; top 10 loại cà phê Robusta được khuyên dùng và “Robusta hương vị đặc biệt”.

“Vẫn còn nhiều mục tiêu mà chúng tôi phải đạt tới, và chúng tôi đã có tiền đề quan trọng cho việc này, đó là xây dựng được một cộng đồng cà phê đặc sản rất gắn kết, gồm hàng vạn người, ở tất cả phân khúc của chuỗi giá trị ngành cà phê trong cả nước”, Tiến sĩ Trịnh Đức Minh trăn trở.


Cà phê đêm ở một quán trên "Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột".

Hướng tới tương lai “thành phố cà phê của thế giới”

Năm 2024 là năm đại thắng của ngành cà phê, với giá bán trong nước luôn trên 100 triệu đồng một tấn. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 5 tỷ đô la. Trong niềm vui chung của cả ngành hàng, ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV 2 tháng 9 - Simexco Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, vẫn có nét ưu tư. Ông Huy cho biết, diện tích và sản lượng cà phê tiếp tục giảm đáng kể trong niên vụ 2023 - 2024, không phải là tín hiệu tốt.

Trước sự ngạc nhiên của phóng viên, vì xu thế giảm này là phù hợp với Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk, phù hợp với Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực của Bộ NN&PTNT, ông Huy lắc đầu: “Việt Nam đứng nhất thế giới về cà phê, đó là điều rất quan trọng. Vì khi nhà đầu tư muốn tìm nguồn hàng, tìm đối tác làm ăn thì trước hết họ chọn quốc gia đứng nhất, người đứng nhất. Nếu không có chính sách phù hợp, để Việt Nam trượt khỏi vị trí nhất, sẽ có nhiều bất lợi”.

Cụm đèn "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" trên đại lộ VNG.

Sau chia sẻ của ông Lê Đức Huy, nhiều người nhận ra “tư duy nhất” đang len lỏi và ngày càng dẫn dắt hành động tiên phong của cộng đồng cà phê ở thành phố cà phê, đang giúp Buôn Ma Thuột tích luỹ thực lực để trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Với tư duy này, Buôn Ma Thuột đã có “làng cà phê”, bảo tàng thế giới cà phê, tổ hợp bất động sản chuyên đề cà phê, có lễ hội cà phê, khơi dòng chảy lớn cho văn hóa cà phê và những sản phẩm từ chất lượng cao tới cà phê đặc sản, tiên phong thực hành cà phê tuần hoàn quy mô lớn.

Với Simexco Đắk Lắk, một doanh nghiệp Nhà nước do ông Huy điều hành, trong sự dẫn dắt ấy đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới xây dựng được những vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn được cấp chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn chống mất rừng của Liên minh châu Âu. Doanh nghiệp này cũng là doanh nghiệp duy nhất trong cả nước có sản phẩm cà phê nhân được công nhận “thương hiệu quốc gia”, là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu chính ngạch cà phê đặc sản…

Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột - ông Trịnh Đức Minh, và khách Ấn Độ thưởng thức cà phê.

Đáng quý là hiệu quả lớn của tinh thần tiên phong đang được chia đều cho cộng đồng cà phê. Nông dân và doanh nghiệp trong vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột chính là những người đã đi đầu trong kiến tạo mô hình trong xen sầu riêng -  hồ tiêu xuất khẩu, biến các vườn cà phê thuần thành một hệ sinh thái nông nghiệp đa tầng, vừa tiết kiệm tài nguyên vừa nâng từ gấp đôi đến gấp 10 lần giá trị kinh tế. Mô hình này đang được nhân rộng khắp Tây Nguyên, mở ra cơ hội làm giàu cho các buôn làng.

Trên đại lộ mới mở, mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nối Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột với khu vực trung tâm, tại vòng xoay kết nối đường Đinh Tiên Hoàng, chính quyền thành phố đã đặt hàng chữ “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”. Hằng đêm, hàng chữ gắn dải đèn led màu vàng tỏa ánh sáng rực rỡ như cổ vũ cộng đồng hướng về mục tiêu lớn.

Đây dường như cũng là hẹn ước về một tương lai mà mọi người dân Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và cộng đồng cà phê Việt Nam cùng nhau kiến tạo.

“Tư duy nhất” đang len lỏi và ngày càng dẫn dắt hành động tiên phong của cộng đồng cà phê ở thành phố cà phê, đang giúp Buôn Ma Thuột tích luỹ thực lực để trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với nền tảng và nhiệt huyết của những người "ăn cà phê, ngủ cà phê, nghe cà phê, nói và làm cà phê", Buôn Ma Thuột tự tin sẽ thực hiện được giấc mơ lớn - không chỉ là thủ phủ cà phê của Việt Nam, mà là thành phố cà phê của thế giới, nơi hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc và chia sẻ các giá trị./.

Dương Đình Tuấn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận