Đồng hành với những gia đình có con mắc hội chứng tự kỷ, bà Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và đào tạo hướng nghiệp Hạt giống (SEED CENTER) và các thầy, cô giáo nơi đây đã mở lớp học, lập mô hình hướng nghiệp đặc biệt, mở ra chân trời mới để các em có thể tự tin nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cơ hội cho người tự kỷ
Đinh Ngọc Dương, 19 tuổi, mắc hội chứng tự kỷ dạng nhẹ với biểu hiện tăng động, giảm tập trung, tương tác kém. Khi mới vào lớp học, các thầy, cô giáo ở Trung tâm giáo dục và đào tạo hướng nghiệp Hạt giống thấy Dương thích thú với lớp học làm hoa lụa nên đã hướng cho em học nghề này. Dưới sự hỗ trợ của cô giáo, sau nhiều ngày kiên trì với các công đoạn khác nhau từ cắt cánh hoa đến tạo hình, ghép hoàn chỉnh bông hoa, Dương đã làm được bông hoa cúc rất đẹp mang về tặng mẹ.
Cô giáo Mai Lan đang dạy học viên làm đồ handmade, túi, ví và hoa len móc sợi...
Chỉ là những câu nói ngắn, một vài từ ít ỏi nhưng ai cũng có thể cảm nhận được niềm vui của Dương: “Ở đây con được học làm hoa tặng cho mẹ, cho bố và cả cho em nữa. Con làm được bông hoa đẹp thì bố mẹ sẽ rất vui. Ở đây, con vui lắm!”.
Còn tại lớp học làm bánh, các học viên say sưa với các công đoạn làm các loại bánh khác nhau do cô giáo Thu Hà hướng dẫn. Hơn 10 bạn học viên ở các lứa tuổi khác nhau ngồi ngay ngắn nghe cô giảng bài, chăm chú quan sát và cùng làm bánh với cô giáo. Hoàng Tùng, năm nay 17 tuổi đã khá thành thạo với công thức làm bánh: “Cháu học làm bánh ở đây lâu rồi. Cháu được học làm bánh bông lan, caramen, sữa chua, bánh su kem, bánh thuyền…”.
Tại SEED, các giáo viên vừa trị liệu, can thiệp, vừa tìm hiểu khả năng và niềm yêu thích của các học viên đối với một số nghề nhất định như làm bánh, làm hoa nghệ thuật, bưu thiếp, các túi đựng đồ, làm các vật trang trí từ vải. Những học viên biết tiếng Anh, vi tính có thể tham gia lớp học làm việc với máy tính, phần mềm chỉnh sửa ảnh và được giao việc ngay khi đã làm tốt các thao tác cơ bản.
Học viên trong lớp học làm bánh được cô giáo Lương Thu Hà hướng dẫn tận tình.
Đam mê máy tính, Võ Minh Nghĩa, 21 tuổi, đã tham gia lớp học chỉnh sửa đồ họa ở Trung tâm. Ngoài khả năng về âm nhạc, Nghĩa còn ước mơ trở thành nhà thiết kế đồ họa. Nghĩa tiến bộ từng ngày và sau 6 tháng học, gia đình đã yên tâm hơn với hy vọng Nghĩa sẽ tìm được việc làm, có thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Võ Minh Nghĩa bày tỏ: “Đến đây em được học phần mềm photoshop. Ngoài ra, em có thể học thêm pha chế. Em mong muốn kiếm đủ tiền, mua được cái máy giặt cho bố mẹ. Mẹ em đã về hưu, bố em vẫn đi làm, em mong có việc, kiếm được tiền giúp đỡ bố mẹ”.
Mỗi em học sinh có một hội chứng khác nhau từ nặng tới nhẹ nên các thầy cô phải chia lớp để dạy các kỹ năng phù hợp nhất với từng trường hợp. Ở lớp tiền hướng nghiệp là những em có kỹ năng kém nhất, các em được vận động với nhiều hoạt động thể chất giúp tiêu hao năng lượng. Theo các cô giáo ở đây, dạy học cho người tự kỷ đòi hỏi không chỉ lòng kiên trì, yêu trẻ mà phải có cả sự dũng cảm. Bởi không ít học sinh cao lớn, những lúc phấn khích, có thể tự gây tổn thương cho bản thân và cô giáo.
“Không kiên nhẫn thì không thể làm được! Nếu các bạn bình thường mất 1 ngày để làm được thì các bạn này phải mất tới vài tháng, thậm chí hàng năm. Dạy lớp kỹ năng kém nhất thì việc các bạn ấy xô xát xảy ra khá nhiều nhưng chúng tôi vẫn hết lòng yêu thương các bạn ấy”, cô Lương Thu Hà chia sẻ. Công sức của các thầy cô đã được đền đáp bằng nhiều “trái ngọt”, khiến các cô càng thêm gắn bó với các học viên đặc biệt này.
Học viên đặc biệt này đang ghi lại công thức làm bánh bông lan.
Là cô gái mắc chứng tự kỷ chức năng cao, khi tới trung tâm, Đặng Mai Lam, sinh năm 2001, bị rối loạn hành vi khá nặng. Tuy nhiên, qua thời gian học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, các triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Mai Lam có thể làm hoa lụa, thêu móc một bông hoa hoàn chỉnh, tham gia bán các sản phẩm do chính tay em và các học viên ở Trung tâm làm ra dưới sự hỗ trợ của giáo viên Trung tâm. Hiện em là trợ giảng cho các cô giáo, nhận được mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Dù còn khó khăn khi thể hiện cảm nghĩ bằng lời nói nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ của em, đó là tình yêu thương gia đình, thầy cô. “Em đã làm ra sản phẩm thật đẹp mắt như cúc họa mi, hoa hồng. Cứ mỗi lần nhận tiền lương ở đây, em sẽ mang về cho bố mẹ. Bố mẹ em rất cảm động. Em muốn được đi làm ở đây”, Đặng Mai Lam bộc bạch.
Kỳ vọng mở rộng mô hình
Với những người làm cha, làm mẹ, sự tiến bộ của các con là niềm vui mỗi ngày, giúp họ phần nào vơi bớt nỗi lo khi tuổi ngày một nhiều thêm. Chị Nguyễn Thị Én, mẹ của em Nguyễn Đức Phú, đã tham gia học nghề dán nhãn tại Trung tâm một thời gian dài chia sẻ, khi các con có sự yêu thương và định hướng tốt của thầy cô giáo, các con sẽ đạt được mơ ước của riêng mình: “Ba tháng nay, bạn ấy làm việc chăm chỉ và được nhận lương hỗ trợ. Tháng đầu khi có nhiều việc, bạn ấy nhận được hơn 2 triệu đồng, tháng nào ít cũng 1 triệu đồng, bạn ấy vui lắm, cầm tiền về đưa mẹ với ánh mắt lấp lánh niềm vui. Đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến của những người làm cha mẹ như chúng tôi”.
Các học viên trong lớp học kỹ năng sống.
Sinh con, những người làm cha, mẹ lúc nào cũng mong con sẽ lớn khôn, là niềm vui, niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng đối với những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ, việc các con có thể tự chủ bản thân đã là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Mơ ước các con có thể kiếm tiền bằng sức lao động của mình vẫn là niềm mong mỏi xa vời với nhiều người có con mắc hội chứng này. Trung tâm Hướng nghiệp và Đào tạo hướng nghiệp Hạt giống là mô hình được nhiều Trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ đặc biệt quan tâm, mong muốn được liên kết để cùng hỗ trợ, hướng nghiệp cho các con.
Thạc sĩ Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Trung tâm Cầu Vồng Xanh chia sẻ: “Hướng nghiệp cho con cần nhất là sự đồng lòng của các bậc cha mẹ. Bên cạnh đó cần sự nỗ lực của con, của những người can thiệp cho con, thêm nữa là các mạnh thường quân, các đơn vị đứng ra hỗ trợ cho các con, hiểu các bạn ấy và có cái nhìn rộng hơn thì lúc đấy các con sẽ có môi trường học và làm tốt hơn. Ở nước ngoài có môi trường rất chuyên nghiệp dành cho những đứa trẻ đặc biệt như vậy, có đầu ra và hằng tháng các bạn ấy có tiền lương. Tôi cũng mong muốn ở nước mình tiến tới như vậy. Hiện tại, để kiếm được việc làm cho những đứa trẻ này rất khó khăn”.
Sự tận tâm và hiệu quả của mô hình chính là “điểm tựa” để nhiều phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ tìm hiểu và cho con theo học. Hơn 5 năm qua, TS Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp Hạt giống đã và đang cùng các cộng sự nỗ lực, kiên trì theo đuổi mục tiêu đào tạo nghề cho người mắc hội chứng tự kỷ và kỳ vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.
TS Đào Thu Thủy (áo vàng ở giữa) - Giám đốc Trung tâm SEED.
“Khi mô hình khép kín này thực sự thành công, tôi muốn nhân rộng, xây dựng những mô hình đó ở các địa phương. SEED sẵn sàng mở cửa để đào tạo các thầy, cô giáo”, TS Đào Thu Thủy bày tỏ.
Mỗi ước mơ được gieo mầm sẽ kết thành những trái ngọt. Mỗi yêu thương trao đi sẽ đổi lại những lời cảm ơn tưởng chừng như không thể. Đó là cách mà Trung tâm giáo dục và đào tạo hướng nghiệp SEED đang làm và tiếp tục trong thời gian tới. Nếu các mô hình này nhận được sự quan tâm của Nhà nước, của cộng đồng, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sẽ là nguồn cổ vũ lớn lao giúp các em mắc hội chứng tự kỷ tự tin hơn để hòa nhập cộng đồng./.