Tròn 15 năm trước, ngay thời điểm sắp gác lại mọi thứ do gia đình không đủ khả năng chi trả, anh Nguyễn Minh Hảo vỡ òa hạnh phúc khi nhận được học bổng “Người bạn đồng hành” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD). Suất học bổng toàn phần cho cả bốn năm đại học đã giúp anh chàng ngồi trên xe lăn ngày ấy tự vẽ ước mơ đời mình: Trở thành người giỏi công nghệ để giúp đời.
“Vẽ” tiếp ước mơ
Thời điểm ấy, anh Hảo còn được tặng chiếc máy tính để thuận tiện cho việc học lập trình và sáng tạo các sản phẩm công nghệ. Ngày nhận máy, anh dụi mắt vài lần vì chưa dám tin đó là sự thật. Tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, anh đi làm cùng chiếc xe lăn. Giỏi chuyên môn, anh Hảo dễ dàng tìm được công việc yêu thích ngay sau khi ra trường và từng bước học lên cao. Nhìn vào những người cùng cảnh đang chật vật học nghề, khổ cực xin việc rồi bị phân biệt đối xử hay chèn ép lương, anh Hảo tự hỏi: “Tại sao mình không dạy công nghệ để người khuyết tật (NKT) tiếp cận cuộc sống tốt hơn?”. Sau vài năm công tác tại nhiều công ty lớn nhỏ, tích lũy đủ kinh nghiệm, anh quay về DRD, xung phong hỗ trợ trung tâm phát triển mảng công nghệ và thực hiện những dự án thiết thực cho NKT.
Anh Nguyễn Minh Hảo đã tự vẽ ước mơ đời mình: Trở thành người giỏi công nghệ để giúp đời.
Ở vai trò quản lý công nghệ thông tin cho DRD, anh Hảo là người khởi xướng rất nhiều sản phẩm hiện đại nhằm nâng cao năng lực, tăng khả năng hòa nhập xã hội cũng như sự tự tin cho NKT. Đó là D.Map (Disability Map) - Bản đồ giúp NKT dễ dàng tìm kiếm các công trình công cộng mang tính tiếp cận với gần 20.000 điểm đến thân thiện trên khắp cả nước. Là D.Law - Ứng dụng tư vấn pháp lý miễn phí cho NKT với sự hỗ trợ chuyên môn từ các luật sư uy tín. Hay bộ tiêu chí cho NKT và gần đây nhất là “Sổ tay nghề nghiệp, con đường học tập và các nguồn hỗ trợ dành cho NKT”…
Những kiến thức suốt 10 năm học hành, nghiên cứu được anh Hảo khéo léo chọn lọc đưa vào từng sản phẩm đã giúp cuộc sống của nhiều NKT thay đổi hoàn toàn. Phát hiện công nghệ hay giải pháp phù hợp với NKT, anh đều dành thời gian mày mò, nghiên cứu sản phẩm mang tính ứng dụng cao cho nhiều dạng tật rồi cùng cộng sự triển khai. Bên cạnh việc tư vấn, hỗ trợ về mặt công nghệ cho trung tâm, anh Hảo còn thiết kế nhiều khóa học kỹ năng sử dụng máy tính và internet nhằm mở thêm cánh cửa tiếp cận thế giới, bổ sung cơ hội việc làm cho NKT. “Là NKT và có nhiều năm làm việc, tiếp xúc với người cùng cảnh, tôi hiểu rõ họ cần gì, cuộc sống họ bất cập ở đâu mà tư vấn trung tâm triển khai các dự án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất. Các khóa đào tạo dù là miễn phí cũng phải đảm bảo chất lượng để ai học xong cũng dễ tìm việc, nâng cao thu nhập”, anh Hảo chia sẻ.
Đồng hành và hỗ trợ những thứ thực sự cần thiết cho sự phát triển bền vững của NKT là cách DRD lựa chọn, kiên trì.
Khoảng 2 năm trước, khi đăng ký cùng lúc ba khóa học công nghệ “0 đồng” tại DRD và phát hiện ra, giáo viên đứng lớp cũng khuyết tật vận động như mình, anh Nguyễn Văn Dương (35 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) vừa tự hào, vừa xúc động. Không chỉ dạy rất tận tâm và tâm lý, thầy Hảo còn là tấm gương vượt khó để anh Dương cùng nhiều học viên khác nhìn vào mà học hỏi, vươn lên. Ngay cả khi chưa biết thiết kế trang web sao cho đẹp, anh Dương đã tự dặn lòng: “Thầy làm được thì mình cũng làm được”.
Di chuyển, trò chuyện khó khăn và không có điều kiện tham gia các khóa đào tạo chuyên nghiệp, gần 10 năm qua, biết bao lần anh Dương nuốt nước mắt vào trong khi bị nhiều nơi không trả lương, phân biệt đối xử. Biết bản thân đam mê thiết kế, anh quyết tâm học cho ra nghề, tự mình khởi nghiệp. Sau khi hoàn thành ba khóa học công nghệ là Thiết kế đồ họa, Thiết kế web và Vi tính văn phòng tại DRD, Dương mở một tiệm in nhỏ ngay tại phòng trọ ở huyện ngoại thành, chủ động quảng bá hình ảnh, tìm kiếm khách hàng trên không gian số. Ngày nhận đơn hàng đầu tiên, Dương mừng đến rơi nước mắt: “Nhờ công nghệ, nhờ được truyền động lực từ thầy và các tấm gương tại trung tâm, tôi đã tự tin thể hiện bản thân. Có kiến thức, kỹ năng, dù khuyết tật hay không, chúng ta sẽ tiếp cận thêm nhiều cơ hội. Tôi sẽ dùng kiến thức mình tích góp được từ những khóa học “0 đồng” tại DRD để hướng dẫn lại những người cùng cảnh, giúp họ có cái nghề ổn định cuộc sống”.
Giúp sao cho đúng cách
Năm 2005, DRD chính thức đi vào hoạt động với các dự án nhỏ, chủ yếu hỗ trợ vật chất cho NKT và tìm cách tác động để xã hội, doanh nghiệp có cái nhìn cởi mở hơn về năng lực của nhóm đối tượng yếu thế này. Tặng quà, cấp vốn, trao học bổng, giới thiệu việc làm, suốt mấy năm đầu, DRD tạo ra “mái nhà chung” để bất kỳ NKT nào cũng có thể tìm đến nhờ giúp đỡ. Thế nhưng sau đó, trung tâm nhận ra nhiều điểm chưa thực sự phù hợp của các dự án hỗ trợ dù mọi thứ vẫn đang vận hành đều đặn, đối tác ngày một tăng, quy mô chương trình cũng lớn hơn trước nhiều. Đổi mới là cách DRD chọn nhằm tìm kiếm những giải pháp đồng hành tối ưu cùng NKT.
Nhớ lại những ngày đầu thay đổi mô hình và nhận về nhiều lời góp ý trái chiều, ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc DRD mỉm cười, thổ lộ: “Khi ấy, nhiều NKT giận chúng tôi lắm. Họ cứ nghĩ chúng tôi không muốn giúp nhưng đâu biết rằng việc thay đổi cách “cho đi” sẽ dẫn đến nhiều thay đổi tích cực hơn. Đối tác hỗ trợ đa phần thích tặng quà để thấy ngay kết quả, giờ chuyển sang học bổng dài hạn, họ sốt ruột, muốn bỏ cuộc. NKT cần vốn làm ăn, giờ được khuyên học thêm lớp này, khóa nọ, đâm chán nản, muốn buông xuôi. Nhưng đó chỉ là khó khăn bước đầu, mình phải chấp nhận. Chúng tôi chọn trao “cần câu” để NKT tự tin bước vào thị trường lao động và tập trung thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, sự đóng góp của nhóm yếu thế trong sự phát triển chung”.
Vài năm sau, mọi thứ đã thay đổi không ngờ, từ một nơi phải cật lực “gõ cửa” doanh nghiệp xin việc làm cho NKT, giờ đây, DRD là đối tác uy tín mà nhiều đơn vị tìm đến khi muốn chọn lọc nhóm yếu thế vào đội ngũ vận hành. Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ năng, học bổng đúng lộ trình và các bộ công cụ hỗ trợ thiết thực, nhiều NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm được công việc đúng năng lực, sở thích. Không tổ chức đại trà, mỗi khóa học “0 đồng” đều được trung tâm xây dựng dựa trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng, mong muốn của NKT. DRD còn hoàn thành tốt vai trò tư vấn cho các doanh nghiệp, trường học khi tạo ra môi trường tiếp cận ngày càng thân thiện, phục vụ tốt nhu cầu học tập, làm việc của NKT.
Chỉ vài năm sau bước ngoặt thay đổi toàn diện, những “quả ngọt” bắt đầu xuất hiện. Tình trạng doanh nghiệp từ chối NKT do không đủ năng lực đáp ứng hay việc NKT nhận học bổng rồi nghỉ giữa chừng vì chọn sai ngành giảm hẳn. Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho NKT được tập trung đầu tư, tạo nên những bước đi “chậm mà chắc”, giúp NKT không cảm thấy chông chênh khi hòa nhập. Công tác tư vấn tại các doanh nghiệp, đơn vị cũng mang lại nguồn thu giúp DRD tự thân vận hành nhiều dự án “dài hơi” mà không quá phụ thuộc vào đối tác tài trợ như trước kia.
“Những khóa học kỹ năng miễn phí tại DRD giúp em và nhiều NKT khác nhận ra thế mạnh của bản thân. Sau khi nắm rõ tình trạng khó khăn và ước mơ, dự tính tương lai của từng người, trung tâm sẽ tư vấn, gợi mở hướng đi, hỗ trợ học bổng hay các khóa học cụ thể. Nếu không có DRD, bây giờ em vẫn tiếp tục nghề massage cho người khiếm thị, bỏ lỡ ước mơ trở thành chuyên gia tâm lý”.
Nguyễn Thị Thanh Thùy, sinh viên Trường đại học Văn Hiến
|
Điểm thay đổi khiến ông Cử cùng nhiều cộng sự tâm đắc nhất đến giai đoạn hiện nay là tạo được sự kết nối trong cộng đồng, tận dụng tối đa sức mạnh của mạng lưới chuyên gia để giải quyết những bất cập mà NKT gặp phải. Nếu chọn “đi một mình”, DRD rất khó tiến dài trên hành trình mang đến cái cần nhất cho NKT vì không đủ nguồn lực và nhân lực. Nhưng khi liên kết sức mạnh của các chuyên gia đa lĩnh vực và sự đồng hành của nhiều dự án mang tính lan tỏa cao, trung tâm đã tạo nên những tác động có chiều sâu, giúp NKT thay đổi tự thân, đồng thời có môi trường tốt hơn để hòa nhập, cống hiến.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ, tăng cường sức mạnh cộng đồng và cập nhật nhiều hướng tiếp cận trong thời đại mới cho NKT là hướng đi mà DRD chọn cho hành trình phía trước. Mỗi dự án trước khi thành hình đều được cân nhắc theo hướng tạo ra giá trị bền vững, tác động sâu rộng và tạo động lực để NKT phát triển tự thân thay vì phụ thuộc vào các phần hỗ trợ trước mắt. Song song đó sẽ duy trì những cái hoạt động liên quan đến truyền thông, nâng cao nhận thức của NKT và xã hội về vai trò, vị trí của họ trong sự phát triển chung./.