Hơn 10 năm qua, nhà báo, họa sĩ Lê Tiến Vượng cùng hội viên Câu lạc bộ Trái tim hồng đã vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét, đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh “xây trường, dựng ước mơ” cho những mầm non tương lai ở những nơi nghèo khó.
“Hoạt động thiện nguyện gọi tôi đi…”
Ngày khánh thành điểm trường Nà Khảo, thuộc Trường Mầm non Yên Cường, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã trở thành ngày hội của học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo nơi đây. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát rộn vang cả núi rừng.
Điểm trường thôn Nà Khảo, Trường Mầm non Yên Cường nằm cách trung tâm xã hơn 15km, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, đường đất và dốc cao. Hiện điểm trường có hơn 50 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc Dao. Trước đây, do chưa có cơ sở vật chất kiên cố nên các cháu phải học trong phòng học tạm bợ với nền đất, trời nắng thì nóng mà mưa thì dột. Năm 2020, thông qua kết nối, CLB thiện nguyện Trái tim hồng hỗ trợ toàn bộ kinh phí vật liệu xây dựng công trình điểm trường Mầm non. Sau hơn 3 tháng thi công, điểm trường kiên cố, đẹp đẽ, khang trang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm 2 phòng học, 1 phòng chờ, 2 nhà vệ sinh ngoài trời, có sân chơi với diện tích trên 120m2, kinh phí xây dựng hơn 320 triệu đồng. Ngoài ra, CLB Trái tim hồng còn tặng các thầy cô, học sinh điểm trường thư viện mini; tủ thuốc; quần áo mùa đông, chăn màn, cặp sách, trang bị dụng cụ học tập với tổng giá trị quà tặng trên 200 triệu đồng.
Cho đến bây giờ, cô giáo Mai Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Cường, huyện Bắc Mê vẫn xúc động và tỏ lòng biết ơn tới những tấm lòng vàng giúp đỡ xây trường cho trẻ em vùng cao: “Trước đây khi trời mưa to, chúng tôi rất lo lắng bởi thường xảy ra sạt lở. Điểm trường này nằm chênh vênh trên sườn đồi. Từ ngày được đầu tư cơ sở vật chất, học sinh học tập và vui chơi mà không phải lo lắng, một số cô giáo nhà ở xa cũng lưu trú tại điểm trường, yên tâm công tác. Ngoài ra, thiết bị dạy học cũng được đầu tư đầy đủ. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đã tạo động lực rất lớn cho học sinh đến trường, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường. Các bậc phụ huynh cũng có sự thay đổi trong nhận thức, quan tâm hơn đến con em của mình, tạo động lực cho các thầy cô đến trường cũng như chăm sóc trẻ”.
Nhìn điểm trường khang trang, to đẹp, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một điểm trường mầm non như dưới xuôi, ai cũng vui trong lòng, đặc biệt là thầy cô giáo cắm bản, phụ huynh học sinh, những người được thụ hưởng trực tiếp. Một phụ huynh bày tỏ: “Mình sẽ cố gắng cho con mình đi học để sau này con có tương lai, không như mình. Đồng bào ở đây rất cần sự giúp đỡ này. Cả bản đều vui và cần sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Ở đây lạnh lắm, tôi cũng nhận được quần áo ấm ủng hộ. Tôi rất hạnh phúc vì con của mình được ấm áp”.
Chung niềm vui với thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh mỗi khi khánh thành xong một điểm trường, họa sĩ Lê Tiến Vượng - nguyên Trưởng Ban Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong - và các thành viên CLB Trái tim hồng còn vui hơn thế. Chia sẻ về cơ duyên xây dựng những điểm trường ở những vùng còn nhiều khó khăn, họa sĩ Lê Tiến Vượng cho biết: “Hoạt động thiện nguyện gọi tôi đi. Xuất phát từ việc những năm tuổi trẻ tôi đóng quân ở vùng biên giới, tôi ăn ở với đồng bào vùng cao nên hiểu được những khó khăn của đồng bào nơi đây. Thiệt thòi nhất là các cháu nhỏ không có trường lớp, các em phải theo bố mẹ lên nương, lên rẫy. Những điều đó cứ ám ảnh tôi day dứt không nguôi. Khi tôi trở về Hà Nội, tôi vẫn muốn được trở lại. Điểm trường đầu tiên được thực hiện ngay trong năm 2015 và đến nay, chúng tôi đã xây dựng được 23 điểm trường, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc”.
Nhớ lại những chuyến đi khảo sát và triển khai xây trường, các thành viên Trái tim hồng cho hay, xây trường vùng cao khó lắm. Có những điểm trường phải chở vật liệu băng qua sông như ở bản Tôm, xã Bản Bắc, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, bà con dân bản phải đi bộ xuống bờ sông, mang vác vật liệu xây dựng ngược lên đỉnh núi, chứ không có xe ô tô nào đi được bởi đường rất dốc, thậm chí phải truyền tay nhau cõng từng viên gạch, từng bao xi măng, từng cái mái tôn lên trường cách xa đến vài cây số.
“Sự nhiệt huyết cùng tình yêu thương những người yếu thế với những việc làm cụ thể của họa sĩ Lê Tiến Vượng đã lay động biết bao tấm lòng nhân ái gia nhập CLB Trái tim hồng. Tôi được anh Lê Tiến Vượng truyền cho năng lượng tích cực, cảm thấy mình được nhiều hơn khi tham gia làm thiện nguyện”.
Chị Bùi Lê Cẩm Nhung, Phó Chủ nhiệm CLB Trái tim hồng
|
Xây trường - Dựng ước mơ
Những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, những con đường bùn lầy, trơn trượt trong mưa lũ... càng thôi thúc CLB Trái tim hồng thực hiện bằng được những ngôi trường mơ ước cho học sinh nghèo, xây dựng một thế hệ trẻ được gieo mầm tri thức. Kiến trúc sư Trịnh Văn Cường, Phó Chủ nhiệm CLB Trái tim hồng chia sẻ: “Tôi không nhớ hết là mình đã đi qua bao nhiều điểm trường nhưng mỗi điểm trường lại cho chúng tôi những cảm xúc khác nhau. Sự chênh lệch giữa điều kiện và tư duy của trẻ em vùng sâu, vùng xa với trẻ em dưới xuôi quá cao. Đôi khi người dân nơi ấy chưa được nhìn cái cửa nhôm bao giờ, chưa thấy cái lavabo bao giờ. Bởi thế, chúng tôi muốn đưa cơ sở vật chất tốt nhất cho những điểm trường ở vùng sâu vùng xa, biến đó thành một phần động lực động viên những thầy cô đang gieo con chữ cho mầm non tương lai”.
Chị Hà Thu Lan, thành viên nhóm tâm sự: “Thấy các cháu ở trên đấy thiếu thốn đủ mọi bề, nhìn mà nhói lòng. Có những điểm trường mưa lụt, chúng tôi phải đi bộ tới nửa ngày ở Điện Biên, đêm chúng tôi phải ngủ trên nền nhà sàn, mặc tới 7 áo vẫn rét. Có hôm đi vào bản Két, 11 - 12h đêm mà vẫn lênh đênh trên hồ. Lúc ấy, hiểm nguy cận kề, thế nhưng chúng tôi không vì thế mà lùi bước bởi càng cảm nhận rõ hơn sự khó khăn, thiếu thốn của các cô giáo và các em nơi này”.
Luôn tâm niệm, giáo dục là điều cần thiết nhất cho người dân và những đứa trẻ vùng cao, chính vì thế, CLB Trái tim hồng đã cùng nhau đóng góp bằng tiền của cá nhân và vận động bạn bè, gia đình, người thân đến với những bản làng xa xôi nhất, khó khăn nhất để “Xây trường, dựng ước mơ”. Nói về họa sĩ Lê Tiến Vượng, chị Bùi Lê Cẩm Nhung, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết, sự nhiệt huyết, cùng tình yêu thương những người yếu thế với những việc làm cụ thể của họa sĩ Lê Tiến Vượng đã lay động biết bao tấm lòng nhân ái gia nhập CLB Trái tim hồng: “Tôi mới tham gia cùng mọi người được 3 điểm trường. Từ đầu đến giờ, tôi luôn được các anh chị em tận tình chỉ bảo cũng như được anh Lê Tiến Vượng truyền cho năng lượng tích cực, cảm thấy mình được nhiều hơn khi mình tham gia làm thiện nguyện. Tôi đang có được một cơ hội để cống hiến, được làm những việc có ích cho cuộc sống, cho xã hội và cảm thấy đây là một quyết định đúng đắn”.
Ngoài đam mê hội họa, làm báo, làm thơ, họa sĩ Lê Tiến Vượng vẫn luôn dành sự quan tâm đến những thân phận nghèo khó nơi vùng sâu, vùng xa. Những việc làm nhân ái của họa sĩ Lê Tiến Vượng đã chạm đến trái tim nhiều người, họ cùng anh góp công, góp của “gieo hy vọng, gặt tương lai” cho những nơi còn nghèo khó, tạo động lực, niềm tin cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Xây trường thì trong 1 năm, 2 năm là có thể xong nhưng dựng một giấc mơ cho các em ở nơi ấy thì phải nhiều năm. Các em có trường, lớp để học tập, thay đổi bản làng không gì bằng giáo dục và văn hóa. Từ những việc nhỏ như vậy, tôi mong rằng những giá trị của Trái tim hồng sẽ lan tỏa. Trái tim hồng ấy sẽ đập mãi và tôi nghĩ là còn nhiều dự án, nhiều hoạt động phải chia sẻ cộng đồng. Để làm được nhiều việc tốt cho những nơi còn khó khăn, dù tốt đến đâu, tài giỏi đến mấy cũng không thể làm một mình. Cho đi là còn mãi. Xây trường - Dựng ước mơ. Đó là sứ mệnh và cũng là thông điệp mà Trái tim hồng luôn luôn hướng tới”, họa sĩ Lê Tiến Vượng chia sẻ.
“Cho đi là còn mãi. Xây trường - Dựng ước mơ. Đó là sứ mệnh và cũng là thông điệp mà Trái tim hồng luôn luôn hướng tới”.
Họa sĩ Lê Tiến Vượng
|
Gắn với công việc thiện nguyện cả một quãng đường dài, giờ đây, đối với họa sĩ Lê Tiến Vượng, công việc thiện nguyện đã trở thành một phần cuộc sống. Bởi “Vẫn còn nhiều trẻ em chưa được đến trường, còn nhiều ngôi trường tre, nứa, lá dựng tạm với vách gỗ, phủ vài tấm bạt tạm bợ ở rất nhiều các bản làng vùng biên giới của Tổ quốc… Trái tim hồng sẽ vẫn luôn tìm hiểu, lắng nghe và sẵn sàng nắm tay nhau đồng hành trợ giúp, xây điểm trường mới trên hành trình gieo yêu thương và ươm mầm hy vọng cho trẻ em vùng cao, cho những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước, đúng như ý nghĩa của chương trình: “Xây trường - Dựng ước mơ”./.