Dự án nạo vét 'bức tử' suối Gạo - Bài 1: Lợi dụng nạo vét để khai thác đất?

Người dân thôn Xuân Him, xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bức xúc trước việc Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình lợi dụng việc thi công nạo vét....

 

Người dân thôn Xuân Him, xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bức xúc trước việc Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình lợi dụng việc thi công nạo vét suối Gạo, suối Cái (chi lưu của sông Thanh Hà) để vô tư “nạo vét” đất, khiến lòng suối bị biến dạng, xúc đất vào sát mép chân đê, đe dọa đến an toàn đê.

Từ một chủ trương đúng đắn

Theo tìm hiểu của phóng viên, căn cứ vào công văn số 1515/UBND-NNTN, ngày 18/9/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình, ngày 23/10/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định số 796/UBND-SNN (quyết định 769), về việc phê duyệt phương án nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (chi lưu sông Thanh Hà) đoạn chảy qua xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn.

Theo quyết định 796, tên công trình là: Nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần gạch gói Hòa Bình, tổng mức đầu tư trên 1,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 24 tháng kể từ ngày khởi công.

Suối Gạo bị nạo vét nham nhở, có chỗ bị múc sâu, múc sát thân đê. Ảnh: P.V

Mục tiêu của dự án nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái nhằm thoát lũ, bảo vệ bờ, chống sạt lở gây mất đất canh tác, giảm thiểu ngập lụt và tổn thất do mưa lũ gây ra, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê Thanh Lương và đê Xuân Dưỡng khi phân lũ sông Đáy.

Bên cạnh đó, dự án này còn từng bước giải quyết nhiệm vụ tưới, tiêu, phòng lũ cho xã Cao Thắng, xã Thanh Lương và xã Hợp Thanh; Phù hợp với quy hoạch tại Nghị Quyết số 66/NQ- HĐND ngày 11/3/2013 của HĐND tỉnh Hòa Bình về việc Quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông có trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.

Cũng tại Quyết định số 796 thì chủ đầu tư phải thực hiện nạo vét kết hợp san gạt tạo phẳng, khơi thông dòng chảy lòng suối với tổng chiều dài là 3,1km. Điểm bắt đầu từ cầu Xuân Him, tại vị trí cọc D0 Km 0 + 00 đến điểm kết thúc tại cầu Đá Ong, tại vị trí cọc CT Km 3+146 bằng tổ hợp máy đào kết hợp ô tô tự đổ, phân kỳ thực hiện chủ yếu trong mùa khô và dự án chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một thực hiện từ năm 2018 - 2019, chủ đầu tư phải nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo dài 0,65km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Từ cầu Xuân Him đến vị trí cọc 11Km0 + 649,12.

Giai đoạn hai thực hiện từ năm 2019 - 2020, nạo vét khơi thông dòng chảy suối Cái dài 2,3km. Từ vị trí cọc 12 Km0 + 80,2 đến cầu Đá Ong tại vị trí cọc CT Km 3+146, đoạn suối này ranh giới phân chia địa phận tỉnh Hòa Bình và TP. Hà Nội…

Trong quá trình thi công nạo vét, khối lượng đất thừa được sử dụng để san lấp mặt bằng cho gia đình ông Nguyễn Thanh Xuân và tổ chức, cá nhân có nhu cầu san lấp đầm ao, cải tạo vườn trong khu vực.

Như vậy, chủ trương thực hiện dự án nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình là rất đúng đắn và quyết định số 769 đã nêu rõ tính cấp thiết của dự án, phương án thi công, thiết kế rõ ràng và nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện trong quá trình thi công.

Làm sai, dân bức xúc

Bức xúc, lo lắng là những cảm xúc của những người dân thôn Xuân Him,… khi nói về dự án nạo vét suối Gạo, suối Cái, xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chỉ tay xuống dòng suối Gạo, đoạn đê ruộng trũng, anh Bùi Văn Vương ở thôn Xuân Him than thở, toàn bộ khu vực này trước đây là bãi thả trâu, bò, bãi bóng, nhưng bây giờ đã bị đơn vị thi công băm nát nham nhở, đào bới lung tung, tạo thành thùng trũng. “Nhiều xe tải thùng to đến chở đất đi đâu chúng tôi cũng không hay…” - anh Vương cho biết.

Cũng theo anh Vương, chỉ đến khi người dân phản ánh nguy cơ trẻ em bị đuối nước thì lúc ấy mới thấy các bảng cảnh báo “khu vực nguy hiểm cấm tắm” được dựng lên.

Trong khi đoạn suối Gạo phía đê Thanh Lương bị đào xới nham nhở thì vật liệu, chất thải từ nhà máy gạch lại đổ xuống suối Gạo phía đê Xuân Dương. 	Ảnh: P.V

Chị Quách Thị Thùy, thôn Gò Mu cho hay, toàn bộ khu dân cư Xuân Him, Thanh Xuân, Gò Mu, khu vực sản xuất nông nghiệp thuộc vùng trũng của xã Thanh Lương. Mỗi khi mưa lũ về, hai bờ đê Thanh Lương và Xuân Dương bên dòng suối Gạo đã ngăn dòng nước dữ, bảo vệ dân, bảo vệ mùa màng. “Khi thấy đơn vị thi công xúc đất dưới dòng suối Gạo, thậm chí còn múc sâu, múc sát vào thân đê thì người dân rất bức xúc. Tình trạng xúc đất vô tội vạ ảnh hưởng tới an toàn đê, khiến đê có thể bị sạt lở, ảnh hưởng tới đời sống của người dân nằm trong khu vực đê bao Thanh Lương. Nếu đê sạt lở, hậu quả nghiêm trọng xảy ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?…” - chị Thùy bức xúc.

Gần vị trí trạm bơm Xuân Dương, anh Bùi Văn Hưng, thôn Xuân Him cho biết, đơn vị nạo vét đã múc đất vào sát hai bên cơ đê, có vị trí sát cơ đê 2m, đào sâu 6-7m. “Mang tiếng là nạo vét để khơi thông dòng chảy suối Gạo mỗi khi nước lũ về, nhưng dường như chúng tôi chỉ thấy đơn vị thi công chăm chăm khai thác đất để làm gạch…” - anh Hưng bức xúc. Anh Hưng cũng cho biết thêm, trong khi suối Gạo phía đê Thanh Lương bị đào bới nham nhở thì vật liệu, chất thải từ nhà máy gạch lại đổ xuống suối Gạo phía đê Xuân Dương.

Theo quyết định 796, đơn vị thi công chỉ được tiến hành nạo vét khơi dòng chảy trong phạm vi toàn bộ chiều rộng lòng suối, cách chân đê từ 10 - 15m mỗi bên, chiều sâu nạo vét trung bình là 2,5m. Tuy nhiên trên thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều vị trí chủ đầu tư đào sâu hơn 4m, tạo nên những hố bom, ao, chằng chịt. Có những đoạn chủ đầu tư nạo vét, xúc đất vào sát mép chân đê, đe dọa đến an toàn đê.

Chị Quách Thị Thư, thôn Xuân Him, Thanh Lương cho hay: Dự án nạo vét khơi thông dòng chảy sông Thanh Hà là chủ trương đúng đắn của nhà nước, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Khi người dân giám sát việc thực hiện và phát hiện nhiều sai sót, bất cập: Chủ đầu tư không thực hiện cắm mốc giới khi nạo vét; Khi nhân dân nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư thi công đúng với quyết định 769 thì công nhân có thái độ đe dọa nhân dân…

Chủ đầu tư đã sai phạm

Ông Bùi Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương thừa nhận, việc người dân phản đối dự án do Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình làm chủ đầu tư là có thật. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư không thực hiện đúng theo quyết định 769, vị trí nạo vét không đảm bảo khoảng cách từ mép chân đê ra là 15m, độ sâu bình quân là 2,5m; thực tế vị trí nạo vét có chỗ chỉ còn cách chân đê khoảng 7-8m, độ sâu 4m. Một số công nhân lao động tại dự án còn biểu hiện thái độ coi thường nhân dân khi nhân dân nhắc nhở về việc vi phạm quyết định do Sở NN&PTNT ký về độ sâu và khoảng cách bảo vệ đê. Việc nạo vét không thực hiện cắm mốc và không theo phương án tạo dòng chảy mà tiến hành lấy đất thành những hố sâu đứt quãng, do không cắm mốc phân định ranh giới nên đã múc lấn vào ruộng của nhân dân.

Tại biên bản làm việc ngày 21/1/2019 giữa cơ quan liên ngành, Công ty cổ phần gạch ngòi Hòa Bình và nhân dân thôn Xuân Him, ông Quách Tự Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình nêu ý kiến: Qua kiểm tra thực tế, đơn vị nạo vét đã không thực hiện đúng theo quyết định 796; vi phạm về vị trí nạo vét, khoảng cách từ chân đê ra là 15m, độ sâu là 2,5m. Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình san lấp trả lại mặt bằng đúng theo thiết kế./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận