'70 năm qua, tôi đã trải qua tất cả cung bậc của Máu và Hoa như thế!'

Ngày 10/10 của 70 năm trước như đang diễn ra ngay trước mắt tôi qua lời kể của Nhà sử học - Giáo sư Lê Văn Lan.

 

Khi Hà Nội ngoài kia đang rực rỡ cờ hoa chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô thì trong một căn hộ tập thể Ủy ban Khoa học xã hội, ngày 10/10 của 70 năm trước như đang diễn ra ngay trước mắt tôi qua lời kể của Nhà sử học - Giáo sư Lê Văn Lan.

Hà Nội - Ngày Giải phóng

“Đó là một ngày lịch sử của thế kỷ 20, cũng là lịch sử của những trăm năm, nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và Việt Nam, Đại Việt”. Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định như vậy khi bắt đầu câu chuyện về ngày 10/10/1954 - Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ở vào tuổi 90, ông vẫn giữ được tư duy mạch lạc, thông tuệ cùng lối nói chuyện lôi cuốn, hóm hỉnh.

Gần 1 tiếng ngồi nghe ông kể chuyện giải phóng Thủ đô, tôi thấy ông như đang sống lại những tháng ngày ấy chứ không phải là đang nói về. Bằng chất giọng khỏe, vang, ấm, nhà sử học Lê Văn Lan cho hay, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị quân sự Trung Giã - là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháo ở Đông Dương - và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định chặt chẽ về việc quân đội ta tiếp quản, giải phóng Thủ đô. Trước tiên, lực lượng kháng chiến nước Việt vào ngày 10/10/1954 sẽ tiến quân, đưa lực lượng tiếp thu, quản lý vào giải phóng Thủ đô.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ hai cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội.  Ảnh: KT

Lúc ấy, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã xây dựng được một lực lượng quân sự tinh nhuệ, mạnh mẽ và có thành tích lớn gồm 5 sư đoàn 304, 308, 312, 316 và sư đoàn pháo binh phòng không 351. Nhưng theo Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hội nghị quân sự Trung Giã thì không phải tất cả các lực lượng ấy tràn vào, chỉ có một lực lượng quân đội, đó là sư đoàn quân tiên phong phiên hiệu 308 vào tiếp thu, quản lý Hà Nội, thực chất là giải phóng Thủ đô nước Việt; cùng với đó là một Ủy ban Quân quản vào tiếp thu, quản lý hành chính, bộ máy, đời sống nhân dân, văn hóa,... của Hà Nội. Sư đoàn 308 có 2 điểm tập kết ở ven đô từ trước ngày 10/10 để đến ngày đó thì tiến vào Trung tâm Thủ đô theo hai đường: Thứ nhất, Trung đoàn Thủ đô của Sư đoàn 308 được quyền tập kết ở khu vực Quần Ngựa - một địa điểm ven đô ở mạn tây Hà Nội (hiện nay là Sân vận động Quần Ngựa trên đường Văn Cao). Hai trung đoàn còn lại cùng với lực lượng cơ giới cao xạ pháo binh tập kết ở phía Nam Hà Nội, trong khu Việt Nam học xá, cũng là ven đô ngày đó (nay là địa điểm của các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng). 16h ngày 9/10/1954, khi những lực lượng cuối cùng của người Pháp rút khỏi Hà Nội theo đường cầu Long Biên xuống Hải Phòng thì ngày hôm sau, Sư đoàn 308 với 2 điểm đóng quân đó chia làm 2 đường tiến vào Thủ đô. Khoảng 8h30 phút sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô tiến vào Trung tâm Thủ đô theo con đường Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Cửa Nam - Hàng Bông - Hàng Gai - Hàng Đào - Hàng Ngang rồi rẽ trái tiến vào thành cổ Hà Nội. Lúc ấy là 9h45 phút, cuộc hành quân của Trung đoàn Thủ đô đã kéo dài 1 giờ 45 phút và được nhân dân Thủ đô đón mừng tưng bừng, hồ hởi, biết rằng từ đây mình sẽ được giải phóng, tự do, độc lập, xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước. Đấy là con đường thứ nhất mà quân đội vào giải phóng Thủ đô. Và như vậy, họ đi qua 1 cửa ô ở phía Tây của Hà Nội - đó là ô Thanh Bảo, còn có tên gọi nôm na là ô Cầu Giấy (Bây giờ đó là ở Bến xe Kim Mã, chỗ giao lộ của phố Sơn Tây và phố Nguyễn Thái Học).

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân Hà Nội. Ảnh: KT

Sau giờ xuất phát của cánh quân thứ nhất Trung đoàn Thủ đô, 2 đoàn bộ binh còn lại của Sư đoàn 308 bắt đầu từ Việt Nam học xá tiến vào trung tâm Thủ đô theo con đường Bạch Mai - phố Huế - Hàng Bài rồi diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm với sự tiếp đón nồng hậu ngập tràn cờ, hoa, âm nhạc, rồi họ chia quân ra tiếp quản, đóng quân ở khu ngày ấy gọi là Đấu Xảo (hiện nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội). Một bộ phận khác cũng ở trên đường Trần Hưng Đạo đi về phía Đông và vào đóng quân, tiếp quản Thủ đô ở khu vực mà trước đấy gọi là Đồn Thủy - nơi Vua Đồng Khánh năm 1888 đã ký giấy nhượng cho người Pháp (địa điểm ấy hiện là Bệnh viện 108, khu Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô). Cuối cùng, đơn vị chỉ huy, trong đó có Chủ tịch Ủy ban quân quản Vương Thừa Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản Trần Duy Hưng từ phía Nam cũng theo đường Bạch Mai vào phố Huế, đi diễu hành quanh Bờ Hồ rồi vào Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Chợ Đồng Xuân - Hàng Giấy tiến vào Thành cổ Hà Nội theo đường Cửa Bắc. Vậy là cánh quân phía Nam - cánh quân thứ hai - buổi sáng ngày 10/10/1954 đã tiến vào giải phóng Thủ đô qua cửa ô mà ngày ấy, trước đấy và cho đến giờ còn lưu lại địa danh là Ô Cầu Dền.

 “Sự kiện giải phóng Thủ đô vào 70 năm trước đã trở thành hiện thực lịch sử của thế kỷ 20, cũng là bài học lịch sử và đặc điểm của sự nghiệp kháng chiến đấu tranh giữ nước của dân tộc, của đất nước Việt Nam. Đây còn là sự tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc, của lịch sử nghìn năm trước và mở ra bước phát triển mới rất quan trọng, rất huy hoàng cho thời gian về sau. Cụ thể là, sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, chúng ta xây dựng miền Bắc XHCN thành hậu phương vững chắc, ủng hộ, chi viện cho tiền tuyến là miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt và kết thúc vào năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất toàn bộ đất nước. Những sự kiện, sự tích, thành tích thần kỳ như thế này có cơ sở từ sự kiện ngày 10/10/1954 chúng ta giải phóng Thủ đô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Làm cho Thủ đô ngày một hoàn mỹ”

Những ai từng trải qua những ngày tháng sống dưới sự kìm kẹp của quân xâm lược mới thấm thía hơn cái ý nghĩa của sự giải phóng. Và giáo sư Lê Văn Lan là một trong những người dân Hà Nội đã sống qua một thời đau thương ấy.

Những ngày trước 10/10/1954, in hằn trong tâm trí nhà sử học là cảnh cậu bé Lê Văn Lan khi ấy tuổi chừng 13 vừa đi học, vừa phụ mẹ bưng bê phở ở phố Ngõ Gạch để mưu sinh. Lúc rảnh rỗi, cậu bé Lan đeo thùng kem lang thang khắp phố phường Hà Nội để bán. Những khi đi bán kem, không ít lần cậu gặp bọn lính lê dương, lính đánh thuê đủ các quốc tịch của quân đội thực dân Pháp. “Nhiều lần bọn lính ấy đã nhấc đôi giày xăng đá - đôi giày da có đóng đinh - đá vỡ cả thùng kem của tôi. Người anh thứ hai của tôi là cán bộ cấp đại đội của Sư đoàn quân tiên phong 308 nhưng đã hy sinh năm 1949 ở Bắc Kạn. Lúc ấy, mẹ, chị và một người anh nữa của tôi đang ở trong vùng tạm chiếm vẫn chưa biết tin dữ đó, vẫn tin người con, người anh đó của gia đình sẽ cùng về Thủ đô với một người anh làm ở Ủy ban quân quản trong ngày giải phóng Thủ đô. Nhưng…”, GS Lê Văn Lan hồi tưởng.

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Những mất mát, buồn thương riêng đó của mỗi gia đình người dân Thủ đô hòa cùng với nỗi mất mát chung của dân tộc. Thế nên khi Thủ đô được giải phóng cũng chính là giải phóng những con người, phố phường, làng mạc, hồ nước, sông ngòi, cây cối, giải phóng cả linh khí, hồn thiêng sông núi của nơi “Lắng hồn núi sông ngàn năm” này.

Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng, việc giải phóng Thủ đô đồng thời làm xuất hiện những nguồn lực, tiềm năng từ nghìn năm, từ lòng người, từ khí thiêng sông núi của Hà Nội để tạo nên vạch xuất phát cho sự phát triển từ 70 năm trước, qua 70 năm đến giờ với không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách. Máu kèm với Hoa. Để rồi từ vạch xuất phát ấy, Hà Nội đã tiếp nối, lập thành tích, thay đổi đến chóng mặt, phát triển rực rỡ, lớn mạnh, huy hoàng. “Bây giờ, trong điều kiện mới với tư duy mới và tài năng của những nhà lãnh đạo ở thời đại mới, được sự ủng hộ của nhân dân, rất nhiều kỳ tích được lập nên. 70 năm qua, tôi đã trải qua tất cả cung bậc của Máu và Hoa như thế”, nhà sử học 90 tuổi đời đúc kết trong sự xúc động xen lẫn tự hào về Hà Nội - mảnh đất ông luôn trìu mến gọi là “Thủ đô của ta”.

Tuy vậy, nhà sử học cũng nhắc nhở: 70 năm qua, chúng ta phát triển rất mạnh nhưng cũng nên nhìn ra sự phát triển ở khu vực, ở thế giới để không phải lâm vào cảnh “Ở nhà nhất mẹ nhì con”.

Toàn cảnh ngã tư phía Tây ở Hà Nội vừa được đề xuất kết nối Vành đai 2 về Ngã Tư Sở. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Sự tỉnh táo, tầm nhìn, tài năng, cộng thêm sự rèn luyện, gắng công, đặc biệt trí tuệ và ý chí tập trung trong 4 chữ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 luôn nhấn mạnh: Khát vọng phát triển. “Tôi nghĩ đấy là thực trạng và cả bài học, cái đích mà 70 năm qua Thủ đô, đất nước, dân tộc nhắm vào, nâng niu, trân trọng, nhưng cũng biết kích hoạt, lấy đó làm nguồn lực thiêng liêng, góp vào cho cuộc sống, cho tư duy hành động của người Hà Nội và người dân cả nước đối với sự nghiệp phát triển, bảo vệ miền đất mà Lý Thái Tổ nghìn năm xưa đã khai sáng, anh linh các đấng bậc tổ tiên tiền bối tiếp tục khai phá, gìn giữ và để lại cho chúng ta. Và tôi tin rằng 10 năm nữa, ở tuổi 100, tôi sẽ còn được chứng kiến, được góp sức cùng với mọi người để tạo ra khát vọng phát triển Thủ đô rực rỡ, thành công hơn nữa”, giáo sư Lê Văn Lan trải lòng.

Nhà sử học - Giáo sư Lê Văn Lan.

“Bây giờ không ít người vẫn cứ muốn đừng dùng chữ “giải phóng”, mà hãy dùng chữ “tiếp quản”. Nhưng mà tiếp quản lúc ấy chỉ có hơn 1 vạn lực lượng quân đội và Ủy ban Quân quản thôi, còn 15, 20 vạn người Hà Nội, phố phường, cây cỏ, hồ sông của Hà Nội thì ngày ấy đúng là được giải phóng đấy chứ. Cho nên tranh luận làm gì về thuật ngữ “tiếp quản Thủ đô” hay “giải phóng Thủ đô””.

Nhà sử học Lê Văn Lan

“Thế nhưng hiện nay, có những người vẫn luôn luôn hoài niệm về một Hà Nội xưa. Có lẽ nào trong rực rỡ của Hà Nội hôm nay vẫn thiếu điều gì đó?” - tôi đem thắc mắc trong lòng hỏi vị giáo sư đáng kính. Ông từ tốn:Đó là một khía cạnh tâm trạng trong những lúc cuộc sống thực tế chưa làm cho người Hà Nội thỏa lòng. Nhưng cứ bình tĩnh, cứ trí tuệ, cứ cảm xúc và cả hưởng thụ nữa mà quan sát, trải nghiệm, chúng ta sẽ thấy lại được vẻ đẹp một thời của Hà Nội xưa - vẻ đẹp thuộc về những lát cắt và điều kiện lịch sử đương thời lúc bấy giờ, thật trân quý, thật đáng trân trọng, đáng kế thừa, bảo lưu, và cũng đồng thời thấy được cả vẻ đẹp tuyệt vời của Hà Nội hôm nay. Điều quan trọng, ý nghĩa hơn là chúng ta biết cách kế thừa, giữ gìn và làm cho vẻ đẹp đó ngày một xứng đáng, hoàn mỹ hơn chứ không phải chỉ có hoài niệm “Bao giờ cho đến ngày xưa?””./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận