Làm giàu từ bưởi Diễn ở Phúc Ninh

Tranh thủ điều kiện tự nhiên của vùng đất đồi rừng màu mỡ được bồi đắp bởi 2 con sông lớn, nhiều hộ dân xã Phúc Ninh đã làm giàu từ cây bưởi Diễn.

 

Làm giàu từ cây bưởi Diễn

Phúc Ninh là xã vùng cao huyện Yên Sơn có 3 bề là nước do nằm kẹp giữa 2 con sông lớn là sông Lô và sông Gâm. Cũng nhờ có hai dòng sông bồi đắp phù sa mà bao đời nay đất đai ở đây khá màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Trước đây, địa bàn như ốc đảo của xã khiến việc đi lại, thông thương của người dân gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi khánh thành cây cầu nối từ thôn Bình Ca, xã Tứ Quận sang thôn Cầu Giáp, xã Phúc Ninh, cuộc sống của người dân Phúc Ninh đã có nhiều thay đổi.

Cây bưởi Diễn được những người dân miền xuôi lên khai hoang ở Phúc Ninh trồng từ hơn 20 năm trước. Trải qua thời gian dài thử nghiệm, nhân giống, nay cây bưởi Diễn đã bám vững trên vùng đất đồi, cho năng suất và chất lượng cao. Lại thêm giao thông thuận lợi, bưởi Diễn Phúc Ninh từ đó mà vươn ra thị trường, xây dựng được thương hiệu bưởi sạch chất lượng cao. Những năm trở lại đây, chính quyền chủ trương chuyển đổi gần 1.000ha đất rừng sang đất trồng cây lâu năm, trong đó phần lớn là trồng bưởi Diễn.

Ông Nguyễn Văn Vinh, một hộ trồng bưởi trong xã Phúc Ninh cho hay: Năm nay bưởi được mùa, thương lái đã đến thăm vườn từ rất sớm để xem quả, trả giá 12-15 nghìn đồng/quả nên ông không lo đầu ra. Theo tính toán của  ông Vinh, mỗi cây sẽ thu được khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Hiện ngoài bưởi, ông Vinh còn trồng xen canh cây quýt, cau trong vườn. Năm 2017, gia đình ông có thu nhập từ cây ăn quả là hơn 700 triệu đồng.

Vườn bưởi trĩu quả của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, xã Phúc Ninh. Ảnh:PV

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Phúc Ninh còn có nhiều vườn bưởi cho thu nhập vài trăm triệu trở lên mỗi năm. Nhờ thế, nhiều gia đình ở Phúc Ninh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ cây bưởi Diễn, đời sống kinh tế xã hội ở địa phương cũng trở nên khấm khá hơn. Bà Khúc Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết: “Phúc Ninh đang hình thành vườn chuyên canh cây ăn quả lớn, với 28 trang trại kinh tế tổng hợp, trong đó có những hộ sở hữu tới 10ha cây ăn quả; sử dụng 2 máy cuốc mini để canh tác, thu nhập hằng năm lên đến cả tỉ đồng. Thị trường tiêu thụ bưởi Diễn Phúc Ninh đang rất rộng tại nhiều tỉnh phía Nam lẫn phía Bắc do chất lượng tốt, mã đẹp”.

Cũng theo bà Khúc Thị Thủy, cây bưởi Diễn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Phúc Ninh lần thứ XX, với mục tiêu phát triển thành vùng chuyên canh, giữ vai trò chủ đạo để phát triển các cây ăn quả chuyên canh khác như cam, quýt, nhãn, vải, na... Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con cẩn trọng khi phát triển diện tích trồng mới, giữ ở mức như hiện tại để phát triển bền vững, tránh đưa cây bưởi vào tình trạng “cung vượt quá cầu”.

Phát triển nông nghiệp sạch và bền vững

Ở Phúc Ninh, cây bưởi nói riêng và cây ăn quả nói chung đang là đòn bẩy trong phát triển đời sống kinh tế - xã hội của bà con. Vì thế, xã đang chủ động vận động, khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững; đầu tư khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để tăng năng suất, trong đó có cây bưởi.

Với ưu điểm là loài cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch khá; quả có thể bảo quản trong thời gian nhiều tháng kể từ khi thu hoạch mà chất lượng vẫn không ảnh hưởng, cây bưởi đã trở thành lựa chọn hàng đầu để phát triển kinh tế gia đình của bà con xã Phúc Ninh.

Chủ động nâng cao chất lượng cây bưởi, làm nông nghiệp sạch, an toàn, sử dụng phân hữu cơ, không phun thuốc trừ cỏ, một số hộ còn lắp đặt hệ thống tưới nước chủ động… đang là cách làm của các hộ gia đình để đảm bảo chất lượng cây bưởi và bảo vệ môi trường, tài nguyên cho việc phát triển lâu dài. Việc chăm sóc, bảo quản khi bưởi ra quả cũng được đảm bảo, từ khi cây ra trái đã được bọc bảo vệ trong túi chuyên dụng, mở sổ theo dõi từng cây, từng năm để so sánh sản lượng năm trước, năm sau.

Với cách làm như vậy, từ năm 2016, cây bưởi ở đây đã chính thức được bảo hộ với nhãn hiệu “Bưởi Diễn Phúc Ninh”. Chính quyền địa phương cũng thành lập hợp tác xã phát triển cây ăn quả, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền khoa học kỹ thuật, xây dựng các câu lạc bộ trồng bưởi... nhằm hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng từ khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGap cho 6 hộ dân trong xã tham gia thử nghiệm, hướng đến mở rộng diện tích, canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chuyên ngành cũng tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết các cơ sở thu mua tiêu thụ sản phẩm của nông dân, tạo đầu ra bền vững, hướng tới thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu Bưởi Phúc Ninh có chỗ đứng trên thị trường nông sản./.

Hiện nay, toàn xã có 920ha đất trồng cây ăn quả, trong đó bưởi Diễn chiếm 2/3 diện tích. Mỗi cây tán rộng khoảng 4,5m, cao 5m, cho khoảng 80 quả/vụ, có cây tới hơn 120 quả/vụ. Cây bưởi Diễn cho quả từ năm thứ 4, cho quả trung bình từ 15 - 17 năm, sau đó phải thay mới. Bưởi Diễn Phúc Ninh có màu vàng nhạt. Mùa thu hoạch bắt đầu từ tháng 12 dương lịch đến Tết Nguyên đán. Tết Kỷ Hợi 2019, bưởi Diễn Phúc Ninh có giá tại vườn đầu vụ từ 12 - 15 nghìn đồng/quả.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận